Nên hay không triển khai CCCD có gắn chíp điện tử?
Chẳng vui gì khi cầm trên tay căn cước công dân (CCCD) vừa làm xong ngày 29/7/2020 thì nghe thông tin Bộ Công an thông báo không khuyến khích công dân đi làm CCCD có gắn mã vạch, những trường hợp người dân bị mất hoặc hư hỏng chứng minh nhân dân thì vẫn được làm thủ tục cấp đổi sang CCCD mã vạch như hiện tại. Bộ Công an cũng khuyến cáo những trường hợp công dân có chứng minh nhân dân cũ nếu còn thời hạn sử dụng thì vẫn có nguyên giá trị pháp lý. Vì vậy người dân khi chưa nhất thiết phải đổi ngay sang thẻ CCCD mà được khuyến cáo có thể chờ để cấp thẻ CCCD theo mẫu mới có gắn chip điện tử.
Một chút buồn, một chút thất vọng, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về CCCD có gắn chip điện tử để giải tỏa những thắc mắc của chính mình. Theo các số liệu nghiên cứu của Bộ Công an thì hiện nay trên thế giới đã có khoảng 70 quốc gia sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, trong đó có nhiều quốc gia phát triển, nơi luôn đề cao quyền tự do cá nhân. Trong những quốc gia đã sử dụng, có nhiều quốc gia đã sử dụng CCCD gắn chip điện tử những năm 90 của thế kỉ trước.
Một điều làm cho tôi hoàn toàn thấy yên tâm khi được nghe cán bộ ngành Công an giải thích là những người đã hoàn thành CCCD (khoảng 16 triệu người đã làm) gắn mã vạch có thể an tâm sử dụng cho đến khi đến khi hạn phải đổi CCCD mới. Theo ý kiến của các chuyên gia, thẻ CCCD gắn chip điện tử có độ bảo mật rất cao, chip sẽ được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Vì vậy nếu trường hợp bị thất lạc hay bị mất trộm thì những người không phải chủ nhân sẽ không thể dụng được. Ngoài ra CCCD gắn chip điện tử có khả năng lưu giữ nhiều thông tin và có thể bổ sung thêm các trường thông tin của nhiều ngành, lĩnh vực như y tế, bằng lái xe, thuế, sinh trắc học, nhận dạng… Điều này rất bổ ích giúp công dân tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí khi đi làm các thủ tục hành chính vì khi đã có CCCD gắn chip điện tử thì không cần mang nhiều các loại giấy tờ khác.
Hiện nay nền kinh tế số Việt Nam đang được đánh giá có sự phát triển nhanh chóng, mang lại những đóng góp quan trọng cho kinh tế của đất nước.
Theo một nghiên cứu, nền kinh tế số Việt Nam được định giá khoảng 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong những năm gần đây tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ lĩnh vực mua sắm trực tuyến, trong đó thanh toán điện tử giữ vai trò vô cùng quan trọng. Việc dùng một loại giấy tờ thay cho nhiều giấy tờ khác giúp tiết kiệm thời gian cho cá nhân, cho xã hội là động lực giúp chúng ta phát triển kinh tế nâng cao năng xuất lao động. Nền kinh số đang chuyển mình rất mạnh mẽ ở Việt Nam, nó làm thay đổi thói quen tiêu dùng của một bộ phận rất lớn người dân Việt Nam, trong đó đa phần là thế hệ trẻ.
Việc Bộ Công an đề xuất cấp CCCD có gắn chip điện tử cũng là chương trình hết sức kịp thời thúc đấy tiến trình chuyển đổi số của đất nước. Con người là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy cải tiến các thủ tục hành chính nhằm giải phóng sức lực con người đóng một vai trò hết sức to lớn. Để thúc đẩy quá trình giải phóng con người khỏi những ràng buộc hành chính thì CCCD chiếm một vai trò rất quan trọng. Mỗi người được gắn một số định danh cá nhân với đầy đủ những thông tin về con người, còn hỗ trợ các Cơ quan quản lí nhà nước đỡ mất thời gian lưu giữ các tài liệu khác, tiết kiệm được rất nhiều thời gian dành cho sản xuất phát triển kinh tế. CCCD gắn chip còn là công cụ giúp đồng bộ hóa các dữ liệu xã hội tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi kèm theo các tài liệu quy phạm phù hợp để phát triển nền kinh tế số.
Do vậy dư luận cho rằng việc cấp giấy CCCD có gắn chip điện tử nhằm đồng bộ hóa dữ liệu, là công cụ cắt giảm các thủ tục hành chính hữu hiệu nhất.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả