+
Aa
-
like
comment

Nền giáo dục “suy đồi”, “xuống cấp” trầm trọng?

Komi - 09/12/2020 01:01

Về giáo dục tri thức, Việt Nam có thể khiến thế giới phải ngã mũ thán phục khi rất nhiều học sinh của chúng ta từng giành được những giải thưởng quốc tế danh giá (huy chương vàng olympic toán, vật lý, hóa học…). Nhưng, về giáo dục nhân cách học sinh, ngay chính người Việt lại phải bàng hoàng khi giáo dục đâu đó vẫn còn nhiều mảng tối như rạn nứt mối quan hệ thầy trò, bạo lực học đường, áp lực tâm lý đến bỏ cuộc….

Lỗi của giáo dục ở đâu?

Mới đây, câu chuyện nữ sinh Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) tự tử do những áp lực về việc bị nhà trường thông báo kiểm điểm về gia đình và trước cờ đã đặt ra nhiều vấn đề trong môi trường giáo dục. Về phía dư luận, rất nhiều ý kiến bình luận được đưa ra, có người cho rằng lỗi sai thuộc về nhà trường và cách giáo dục, có người lại cho rằng học sinh cũng có lỗi sai và đổ hết trách nhiệm cho giáo viên là điều thiếu khách quan… Sự chỉ trích đến cuối cùng vẫn quay về lời đánh giá chẳng có chút thiện chí xây dựng kiểu “nền giáo dục đã “suy đồi”, “xuống cấp” trầm trọng, không có sự thức tỉnh”…

Ở đây, câu chuyện giáo dục được hình thành không chỉ giản đơn với câu chuyện cô nữ sinh kia tự tử mà còn chạy dài theo cả những phản ứng, suy nghĩ tâm lý của xã hội đối với sự việc. Nhìn xem, cả một xã hội nói lên quan điểm với vô vàn suy nghĩ khác nhau nhưng bao trùm tất cả lại chỉ là sự “đổ lỗi”. Phải chăng, chính cái “văn hóa đổ lỗi” của đám đông mới là liều thuốc bóp nghẹt “nền giáo dục”?

Nền giáo dục ở đâu?

Giáo dục ở nhà trường, hay giáo dục ở gia đình, do cha mẹ? Không! Đừng hiểu nền giáo dục trong một nhãn quan nhỏ hẹp như thế!

Sự việc đáng buồn nêu trên xảy ra, giáo viên đổ lỗi học sinh hư, học sinh, gia đình đổ lỗi nhà trường dạy sai cách, còn xã hội cũng mặc nhiên đổ lỗi cho nền giáo dục. Nhưng, vấn đề là lỗi sai tồn tại ở tất cả mọi người. Tại sao chúng ta dễ dàng chọn “văn hóa đổ lỗi” mà không chấp nhận “văn hóa nhận lỗi”?

Đây không phải lần đầu tiên có những vụ việc đáng tiếc xảy ra tại trường học khiến học sinh phải chọn cách tự tử. Còn nhiều lắm những vụ việc khác mà những “mầm non tương lai” còn đang ngồi trên ghế nhà trường chọn cách kết thúc cuộc sống của mình chứ không thể tiếp tục cố gắng để chiến thắng áp lực. Năm 2018, một học sinh tại thành phố Hồ Chí Minh tự tử vì áp lực học hành, dư luận sau đó đổ lỗi cho gia đình, nhà trường ưa thành tích, đổ lỗi cho giáo dục nặng nề, áp đặt học sinh quá cao… Sau đó, ngành giáo dục liên tiếp tìm cách giảm tải chương trình, nhà trường xây dựng môi trường học thân thiện hơn, các gia đình chú tâm giảm áp lực cho con cái… Dư luận quả nhiên đã thắng thế, nhưng nó lại hình thành cho những học sinh khác cái “tâm thế” khi gặp khó khăn trong việc học thì lỗi là do gia đình ép buộc, lỗi là do nhà trường khó khăn, lỗi là do giáo dục chưa sát thực tế. Dần dần, ý chí của nhiều người trong xã hội giảm sút, đứng trước khó khăn họ mất đi sự cố gắng, mất đi bản lĩnh để rồi cái còn lại duy nhất cũng chỉ có “đổ lỗi”.

Ở đây, nhà trường, gia đình hay cả ngành giáo dục vốn dĩ chỉ có thể giúp học sinh mở mang tri thức, hoàn thiện nhân cách, nhưng quá trình tiếp thu ấy đạt được kết quả đến đâu lại phụ thuộc rất nhiều vào môi trường xã hội. Nền giáo dục mà chúng ta hay nói, không chỉ ở nhà trường, ở gia đình mà còn là cả một xã hội rộng lớn mà trong đó từng hành động nhỏ nhặt nhất cũng đều mang tác động với sự giáo dục cho cộng đồng. Chừng nào cái “văn hóa đổ lỗi” vẫn còn thì chừng ấy giáo dục khó lòng có thể phát triển đi đúng hướng.

Nguồn cơn của vấn đề

Ngày xưa, giáo dục chẳng thiếu đòn roi, chẳng thiếu kiểm điểm… nhưng những câu chuyện buồn về giáo dục hầu như ít xảy ra. Bởi khi ấy, mối quan hệ giữa “thầy” – “trò” là một mối quan hệ khăng khít, gắn bó, và có thứ bậc. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta lại có những câu như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Người làm nghề giáo khi ấy rất có vị thế rất lớn, nhận được sự kính trọng của học trò và của toàn xã hội. Học sinh khi xưa cũng ý thức rất rõ việc mình đến trường để nhằm mục tiêu phát triển tri thức mà chỉ người thầy có thể mang lại cho họ điều ấy. Chính nhờ mối quan hệ nhận thức này, trật tự trong trường học được xây dựng mà chẳng cần bất cứ những nội quy, quy định rườm rà nào.

Trong xã hội hiện nay, với sự ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phương Tây, nhận thức về mối quan hệ “thầy” – “trò” dần bị phai nhạt. Nhìn lại, rất nhiều người sẽ phải giật mình khi “nghề giáo” lại dần được xếp cùng hàng với những ngành nghề kinh doanh đơn thuần khác. Đó là khi hoạt động giảng dạy được coi như một hình thức “kinh doanh tri thức”: “trò” trả tiền để nhận tri thức, “thầy” nhận tiền để giảng tri thức. Mà đã là kinh doanh, mua bán thì vai vế giữa “kẻ mua” và “người bán” là bình đẳng, và không có thứ bậc. Thử hỏi, khi học sinh không còn tôn trọng, không còn tình cảm với giáo viên và ngược lại, giáo viên không có uy tín, không có ảnh hưởng về địa vị đối với học sinh thì điều gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ giảng dạy?

Đồng tiền, vật chất đang tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư duy của chúng ta mà chính nó là nguyên nhân làm biến đổi đi vị thế của nền giáo dục. Chẳng có nơi nào “giáo dục suy đồi, xuống cấp” mà vẫn có những học sinh giỏi quốc tế, có những công trình khoa học, sản phẩm mang tầm quốc tế… Trước khi mong mỏi thay đổi, thay mới nền giáo dục hãy thay đổi, thay mới chính nhận thức, tuy duy của chúng ta về vị thế của nền giáo dục trước đã. Khi tư duy, nhận thức còn mù mờ, còn ảnh hưởng bởi nhiều giá trị đảo lộn thì đừng mong đến cơ hội phát triển hơn.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều