+
Aa
-
like
comment

Nên bỏ những danh hiệu không thực chất

21/01/2020 06:34

Không quá ngạc nhiên khi Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mai Bộ thẳng thừng từ chối danh hiệu “Gia đình văn hóa”. 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ.

Từ lâu, việc xét tặng danh hiệu này chỉ mang tính hình thức, không còn thực chất. Hơn ai hết, những người trong cuộc – người được quyền xem xét và trao tặng, người được tặng biết rõ điều đó nhưng đành “im lặng” để vui vẻ cả làng.

Gia đình có vấn đề về đạo đức, tư cách, lối sống không chuẩn mực nhưng vẫn “lọt” vào danh sách được phong tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”. “Làng văn hóa” mà tội phạm, tệ nạn vẫn diễn ra, môi trường sống bị ô nhiễm. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, việc trao các danh hiệu văn hoá trong những bối cảnh như thế là rất phản cảm.

Danh hiệu cao quý “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” liệu có giúp khôi phục lại những giá trị văn hóa vốn đang bị thách thức? Ai cũng biết điều đó thế nhưng  chuyện phong tặng tràn lan vẫn diễn ra.

Câu trả lời rất đơn giản: Bệnh thành tích, bệnh danh hão.

Nên bỏ những danh hiệu không thực chất
Nên bỏ những danh hiệu không thực chất như ‘khu phố văn hóa’

Người được tặng bị đặt trước sự lựa chọn một là nhận hai là từ chối. Từ chối thì hẳn là không dám vì sợ điều tiếng. Thôi thì đành tặc lưỡi mà nhận cái danh hiệu được trên ban cho, dù biết rằng gia đình mình chưa xứng đáng nhưng được cái vui vẻ cả làng, chẳng mất gì mà lại không bị xóm thôn, làng xã “để ý”. Trường hợp như ông Bộ đại biểu Quốc hội mà dám từ chối không nhận thì quả là đáng khâm phục trước một thái độ kiên quyết không “dĩ hòa vi quý” vì một thứ danh hiệu mang nặng tính hình thức.

Chính vì danh hão, vì thái độ ứng xử “dĩ hòa vi quý” mà hầu như ở đơn vị cơ sở nào, con số gia đình văn hóa cũng đạt 100% hoặc xấp xỉ thế. Bởi đó là chỉ tiêu, là tiêu chí để làng xã, phố phường phấn đấu đạt danh hiệu làng xã, phố phường văn hóa. Các cuộc họp bầu chọn thường diễn ra đơn giản, chủ tọa thông qua danh sách đã chuẩn bị trước, chỉ cần một người hô nhất trí là tất cả đồng ý 100%.

Không ai dám nêu ý kiến phản bác nhà ông nọ bà kia chưa xứng đáng vì chẳng dại mà làm mếch lòng hàng xóm láng giềng. Thế là cả xóm cùng vui vẻ vì nhà nào cũng “Gia đình văn hóa”, cả xã cùng phấn khởi vì làng nào cũng “Làng văn hóa”. Những năm gần đây, không ai còn ngỡ ngàng trước hình ảnh cổng làng nào cũng gắn biển đỏ chót “Làng văn hóa” – một danh xưng phải nói là rất mơ hồ.

Văn hóa là cả một quá trình lâu dài nhận chân những giá trị cốt lõi của cuộc sống, trong đó đạo đức và thái độ ứng xử là hai thước đo quan trọng. Chúng ta đã từng nhầm lẫn giữa văn hóa và học thức cho nên trong bản khai lý lịch cá nhân trước đây mới có mục “Trình độ văn hóa” bị đánh đồng với trình độ kiến thức.

Một cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ chưa hẳn là người có văn hóa nếu như đạo đức và năng lực ứng xử với cộng đồng và môi trường xung quanh của anh có vấn đề. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Cho nên, khái niệm “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” không mang tính định lượng để có thể cân đo đong đếm, càng không thể chỉ trong một sớm một chiều mà phấn đấu để đạt được như các chỉ tiêu xã hội khác.

Bởi thế, đại biểu Nguyễn Mai Bộ rất có lý khi đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hoá, bởi theo ông thì việc này quá hình thức và quá tốn kém lãng phí.

Ngành văn hoá cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, phải đi vào thực chất, đó là yếu tố đạo đức lâu nay bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế, ông Bộ khẳng định.

“Tôi từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hoá”. Câu nói đó của vị đại biểu rất đáng để suy ngẫm.

Nguyễn Duy Xuân/VNN

Bài mới
Đọc nhiều