Nên bỏ hay giữ trường chuyên?
Chủ đề “Chuyện trường chuyên” đang gây tranh cãi mấy ngày gần đây bởi ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) khi đưa ra quan điểm nên đóng cửa trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (trường Ams) và mọi trường chuyên khác hoặc bán cho tư nhân.
Gần đây, bảng điểm đẹp với toàn điểm 10 của học sinh có nguyện vọng đăng ký thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nhiều ý kiến đồng ý cho rằng phát triển trường chuyên là quá cũ, không còn phù hợp. Việc cho thành lập quá nhiều trường chuyên ở các tỉnh thành, trường đại học làm méo mó giáo dục, phần nhiều để làm kinh tế.
“Đồng ý tư nhân hóa hoặc phổ thông hóa trường chuyên về như trường bình thường vì ngân sách dành cho trường chuyên gấp mấy lần trường bình thường. Nhiều người bảo vệ quan điểm trường chuyên dành cho tất cả các em có khả năng, học giỏi, các em nhà không có điều kiện. Nhưng qua vụ gian lận sửa điểm thi đại học đã lộ rõ phần đông các em được học trường chuyên là con nhà ai và học có giỏi hay không (mà phải nâng điểm)“, một tài khoản có tên Nguyen Ha bày tỏ ý kiến.
Tuy nhiên phản bác ý kiến này, chị Hoa có con đang học lớp 6 trường chuyên Amsterdam nói: “Tôi lại thấy đó là một môi trường ít tiêu cực và mang tính khai phóng nhất trong khối THCS công lập hiện nay. Tâm lý con tôi rất thoải mái khi học với môi trường có nhiều bạn giỏi với năng lực ngang như mình để cùng phấn đấu, các thầy cô cũng rất tâm lý và tạo điều kiện cho các con. Còn về phía phụ huynh tôi chưa bao giờ phải tiếp xúc với thầy cô để phải chạy điểm hay làm hồ sơ đẹp gì cả. Cho đến thời điểm này tôi vẫn thấy sự lựa chọn cho con vào học AMS ngay từ cấp 2 là đúng đắn, vấn đề chỉ là con mình có đủ giỏi để vượt được một kỳ thi tuyển chọn đầu cấp không mà thôi?”
“Theo như mình thấy, ở một số trường chuyên như chuyên Tổng hợp, chuyên Sư phạm, các em được tạo một môi trường học rất tốt, việc hủy bỏ những trường chuyên này sẽ làm mất nhiều tài năng tương lai của đất nước, những trường chuyên này có những giáo viên vô cùng tài năng và tâm huyết. Những trường chuyên của sở, trong khi đó, đã bị mất chất, học sinh đầu vào vẫn tốt nhưng đầu ra đã giảm chất lượng, chỉ quan tâm những hoạt động ngoại khóa để có cơ hội du học mà không đóng góp được nhiều nhân tài cho đất nước”, một phụ huynh khác bày tỏ.
“Nhà mình là lao động thu nhập bình thường nhưng con mình đỗ cả chuyên ngoại ngữ, chuyên sư phạm, chuyên anh Amsterdam, được như vậy là do các cháu vất vả ngày đêm để đạt được chứ làm gì có tiền để vào ở đây”, chị Hằng bày tỏ ý kiến.
Nhiều ý kiến đồng ý cho rằng phát triển trường chuyên là quá cũ, không còn phù hợp. Việc cho thành lập quá nhiều trường chuyên ở các tỉnh thành, trường đại học làm méo mó giáo dục, phần nhiều để làm kinh tế.
Thực tế, trường chuyên lớp chọn là một hiện tượng tranh sáng tranh tối nên rất khó quyết định. Trong đó thực sự có những học sinh gia đình không có điều kiện nhưng học giỏi, và có những học sinh học bình thường nhưng gia đình muốn con cái được sống trong môi trường học tập tốt.
Kỳ thực, điều quan trọng là xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận về tư duy giáo dục, không nên coi trường chuyên là hạt nhân của nền giáo dục đào tạo, tài năng trong trường học không phản ánh hết tài năng ngoài đời. Bỏ trường chuyên không có nghĩa là khiến trường chuyên ấy biến mất như dư luận đang lo lắng. Nó chỉ có nghĩa là “xóa” đi mô hình mỗi lớp học tập trung sâu, nghiêng lệch vào một môn. Thay vào đó, các lớp sẽ học đồng đều như nhau và đồng đều ở các môn.
Nếu tất cả được nhìn nhận một cách công bằng thì nên phát triển thành các trường năng khiếu. Các em học sinh cũng sẽ giảm bớt được sức ép, căng thẳng và có thời gian học tập những gì mình yêu thích. Trong trường không chỉ có các câu lạc bộ học thuật mà còn có nhiều câu lạc bộ nghệ thuật, qua đó giúp học sinh nhìn nhận được những điểm mạnh của bản thân và tỏa sáng với chính điểm mạnh đó
Thiết nghĩ, tư nhân hóa trường chuyên Amsterdam hay các trường chuyên không phải là cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Có cầu thì phải có cung. Nên điều quan trọng là phụ huynh cần thay đổi tư duy và nhận thức trong việc lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với con em mình
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả