+
Aa
-
like
comment

Nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên

28/02/2021 16:39

Ngoài chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ được hủy bỏ từ ngày 20.3.2021 tới đây rất được thầy cô hoan nghênh, nhiều giáo viên cũng đang mong chờ Bộ GD-ĐT bỏ luôn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Các giáo viên mong chờ Bộ GD-ĐT bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (ảnh minh họa) /// Đào Ngọc Thạch
Các giáo viên mong chờ Bộ GD-ĐT bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (ảnh minh họa)

Cơ sở nào để các giáo viên kiến nghị bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên?

Thứ nhất, để được đứng trên bục giảng thầy cô phải mất 3 năm đối với hệ cao đẳng sư phạm, 4 năm với hệ đại học sư phạm. Điều này được đảm bảo bằng trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy và thể hiện trong các văn bằng.

Thứ hai, hiện nay, hàng năm giáo viên vẫn phải đang tự học bồi dưỡng thường xuyên. Vào đầu năm học, các thầy cô giáo đăng ký ít nhất 4 mô đun và lập kế hoạch tự học của mình gửi về tổ chuyên môn, về nhà trường. Cuối năm, giáo viên sẽ có 2 bài kiểm tra những mô đun tự học do nhà trường ra đề. Kết quả tự học và bài kiểm tra do phòng GD-ĐT đánh giá và xếp loại đạt các mức độ giỏi, khá, trung bình.

Thứ ba, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không có ứng dụng thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy học, chỉ mang tính hình thức, tốn thời gian, tiền của giáo viên bỏ ra để đi học lấy chứng chỉ.

Thứ tư, nội dung chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức thầy cô đã được học trong các trường sư phạm. Chẳng hạn: Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung; Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp; Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch. Nếu học lại những kiến thức này  sẽ trùng lặp, không cần thiết.

Cuối cùng, nếu Bộ GD-ĐT không bỏ chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp vì vướng luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101/2017/NĐ- CP thì nên hướng dẫn cho phép giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, đưa nội dung học  tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lồng ghép vào chương trình tự học bồi dưỡng thường xuyên hàng năm. Điều này giúp giáo viên không phải mất thêm thời gian và số tiền không nhỏ để đi học lấy chứng chỉ chức danh nghề.

Nguyễn Văn Lực

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều