NATO cân nhắc triển khai quân đội, thành lập các đơn vị chiến đấu với 1.000 thành viên
Các đồng minh trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang xem xét triển khai quân ở sườn phía Đông, trong đó có Slovakia, Bulgaria, Hungary và Romania do căng thẳng giữa Ukraine và Nga.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Slovakia Ivan Korcok hôm qua cho biết, các đồng minh trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang xem xét triển khai quân ở sườn phía Đông, trong đó có Slovakia, Bulgaria, Hungary và Romania do căng thẳng giữa Ukraine và Nga. Việc triển khai có thể bằng hình thức thành lập các đơn vị chiến đấu với 1.000 thành viên.
Theo Bộ trưởng Korcok, đây là một phần của kế hoạch phòng thủ thông thường khi xảy ra tình huống. Các quốc gia phía Đông cũng là một phần của liên minh quốc phòng NATO và cũng cần có một cấu trúc quân sự đồng bộ để có thể hành động chung. Ông Korcok lưu ý rằng, các cấu trúc quân sự như vậy đã hoạt động ở Baltics và Ba Lan trong một thời gian dài.
Ủng hộ ý tưởng này, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky cho biết, việc triển khai các đơn vị của NATO tại các quốc gia phía đông cũng góp phần bảo đảm lợi ích an ninh của Séc và Séc có thể sẽ tham gia vào hoạt động này.
Theo ông Lipavsky, Séc sẵn sàng đáp ứng các cam kết của đồng minh bao gồm cả chi tiêu quốc phòng và sẽ tiếp tục ủng hộ Ucraina trong cuộc xung đột với Nga. Sau khi quyết định giử 4000 quả đạn pháo, Chính phủ Séc cũng đang xem xét hỗ trợ thêm cho Ukraine..
Cho đến nay, NATO có khoảng 4 nghìn quân trong các tiểu đoàn đa quốc gia ở Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan, được hỗ trợ bởi xe tăng, hệ thống phòng không và các đơn vị tình báo và giám sát.
Ông Medvedev nói NATO bội tín
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 27/1 cáo buộc NATO đi ngược lại lời hứa về không mở rộng an ninh sang phía đông và dần xâm phạm tới biên giới của nước này.
“Họ hứa sẽ không mở rộng NATO, nhưng rồi lại thất hứa”, hãng tin TASS dẫn lời ông Dmitry Medvedev hôm 27/1. “Chẳng hạn, chẳng phải họ từng hứa sẽ không mở rộng quân vào lãnh thổ của Liên Xô cũ hay sao?”.
“Họ đã không giữ được tất cả lời hứa đó. Họ đang dần xâm phạm tới biên giới của đất nước chúng ta”, ông Medvedev, người từng giữ chức tổng thống và thủ tướng Nga, nói thêm.
Ông cho rằng việc Nga phản đối triển khai vũ khí ở Ukraine không chỉ thay mặt các quốc gia thành viên NATO mà còn cho cả các nước phương Tây khác.
Ông nói vấn đề không chỉ nằm ở việc NATO có mở rộng quân hay không, mà nó còn nằm ở việc liên minh này có giữ đúng các cam kết mà họ đề ra.
Theo ông, vũ khí tấn công và tên lửa có thể được triển khai trên lãnh thổ Ukraine và bất kỳ quốc gia nào khác dựa trên các thỏa thuận song phương. Ông dẫn ví dụ về việc Ukraine bắt tay với Mỹ hoặc bắt tay với Anh, và điều này không liên quan gì tới NATO.
Ông cho rằng cách duy nhất để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay là bắt đầu quá trình đàm phán để đảm bảo an ninh, bằng cả biện pháp chính trị và ngoại giao.
“Không nên xảy ra chiến tranh dưới bất cứ hình thức nào. Không ai muốn bắt đầu chiến tranh. Cần phải làm mọi cách để tránh diễn ra chiến tranh”, ông nhận định.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Moscow đã gửi yêu cầu bảo đảm an ninh cho NATO, trong đó đặt điều kiện không cho phép Ukraine gia nhập liên minh quân sự này, đồng thời NATO phải hạn chế hoạt động ở Đông Âu.
Trong khi đó, Nga tập trung khoảng 100.000 quân ở biên giới với Ukraine, khiến phương Tây cảnh báo đó có thể là màn dạo đầu cho cuộc xâm lược quy mô lớn.
Đầu tuần này, NATO củng cố phòng thủ tại khu vực Biển Baltic.
Hôm 24/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt 8.500 binh sĩ vào trạng thái báo động, sẵn sàng triển khai đến châu Âu. Mỹ và Anh cũng đã viện trợ nhiều vũ khí, đạn dược cho Ukraine để củng cố khả năng phòng thủ.
Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang, giới chức Ukraine kêu gọi các bên bình tĩnh, không hoảng loạn.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 26/1 nói dù việc Nga tập trung lực lượng quy mô lớn ở biên giới là mối đe dọa an ninh, quân số của Nga hiện chưa đủ lớn để tổ chức tấn công.
Tùng Anh