National Herald: Việt Nam, vùng đất của “Rồng thăng thiên”
Trang National Herald vừa qua đã có bài viết phân tích Việt Nam đã “thăng thiên” như thế nào sau bao nỗ lực cố gắng phát triển kinh tế. Từ đó trở thành vùng đất “Rồng” thực thụ thu hút giới đầu tư thế giới, hoán ngôi của cả Trung Quốc và Ấn Độ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới trong tương lai.
Mở đầu bài viết, trang National Herald đã phân tích hình ảnh Việt Nam với 320 cảng biển, trong đó có 44 cảng biển siêu lớn, được mệnh danh là vùng đất của Rồng bởi chính hình dáng hình chữ S đặc trưng. Và giờ đây, sau bao thập kỷ thì hình ảnh “Rồng thăng thiên” của Việt Nam đã thực sự đúng khi Việt Nam đang dần trở thành công xưởng sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Trước khi cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh nổ ra, Trung Quốc và Ấn Độ được xem là đôi bạn cùng tiến trong việc hỗ trợ thu hút FDI toàn cầu, thu hút thành công các công ty toàn cầu như Foxconn, một công ty khổng lồ của Đài Loan.
Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và xuất khẩu dược phẩm. Một trong những lý do cho sự tăng trưởng của nó là do nhập khẩu lớn từ Trung Quốc.
Nhưng khi cuộc chiến tranh nổ ra, Ấn Độ dường như bị đóng băng hầu hết mọi hoạt động vì quá phụ thuộc vào xuất nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn Trung Quốc thời điểm này, cũng đang đối mặt với hai luồng gió lớn. Đó là cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ – điểm đến lớn nhất cho xuất khẩu của Trung Quốc và sự di cư của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc, sau khi Covid-19 bùng nổ.
FDI vào Trung Quốc giảm 6,2% trong 5 tháng đầu năm 2020. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước chi phí thấp khác như Việt Nam, các quốc gia ASEAN khác. Và Mỹ cũng làm điều tương tự, dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc để bảo đảm an toàn.
Thời điểm đó, Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một sự thay thế cho Trung Quốc. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 33% trong nửa đầu năm 2019. Giá nhân công thấp là một trong những điểm thu hút đầu tư vào Việt Nam. Nó thấp hơn gần 50% so với Trung Quốc. Chuyên môn lớn nhất của Việt Nam là sản xuất điện tử, dệt may và đồ nội thất. Cuối cùng, máy móc điện, bao gồm cả điện tử, là những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Cuộc chuyển dịch rầm rộ chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn từ nước láng giềng Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon… đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Bởi, thời gian qua, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô, cùng với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt mỗi năm.
Điển hình trong năm 2019, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ như: Amazon và Home Depot đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, Google chọn Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel.
Giờ đây, Việt Nam gần như trở thành điểm đến hàng đầu của các ông lớn trên thế giới đến nơi đây làm tổ và phát triển. Trong tương lai, trở thành công xưởng sản xuất của thế giới chính là điều Việt Nam có thể thực hiện dễ dàng.
Bảo Trâm (Lược dịch theo National Herald)