Dưa leo – Hài độc thoại hay mượn danh để công kích, chống phá Nhà nước?
Sử dụng mạng xã hội để chia sẻ kiến thức với cộng đồng hoặc biểu đạt quan điểm, phản biện những hiện tượng xã hội, con người mà cá nhân thấy cần có ý kiến, đang là một trong những cách thức thể hiện được nhiều người ở Việt Nam và trên thế giới chọn lựa, nhất là đối với giới trẻ.
Ðiều này đáng được hoan nghênh, bởi phù hợp với xu thế thời đại 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, một số người lại lợi dụng việc làm này nhằm mưu đồ cá nhân, thậm chí tìm cách kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hòng tác động làm lung lạc lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, phục vụ cho mục đích đen tối của các thế lực thù địch. Ðó là hành động cần bị lên án, phê phán và vạch trần, làm rõ.
Ngày 16-11, trên trang youtube cá nhân, nam diễn viên nghiệp dư Nguyễn Phúc Gia Huy đã chia sẻ về thành tích kênh video giải trí do anh ta lập ra đã thu hút được 700.000 người theo dõi. Ðể có được kết quả này, Gia Huy khoe kênh của anh ta “đã đem lại kiến thức cho toàn bộ cộng đồng một cách đơn giản, dễ hiểu nhất”, đồng thời, kêu gọi người ủng hộ tiếp tục công khai chia sẻ các video “giáo dục” của anh ta lên mạng xã hội. Nếu các thông tin được Gia Huy quảng bá đúng sự thật thì đây là một chuyện đáng mừng. Tuy nhiên trên thực tế, lời quảng bá của Gia Huy lại khác xa sự thật, bởi người này đang lấy danh nghĩa truyền bá kiến thức, phản biện xã hội nhằm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên, để thu lợi từ các khoản tiền ủng hộ bất chính, và thực hiện các mục đích thiếu trong sáng khác.
Với người biết đến thể loại hài độc thoại, thì Nguyễn Phúc Gia Huy với nghệ danh Dưa Leo không phải cái tên xa lạ. Năm 2012, anh ta xuất hiện trong chương trình truyền hình Tìm kiếm tài năng Việt. Tại đây, anh ta được nhiều khán giả mến mộ bởi phong cách tự tin, hoạt khẩu bất chấp những khiếm khuyết về mặt ngoại hình. Những tưởng đó sẽ là cơ hội tốt tạo đà quan trọng cho Gia Huy gia nhập sân khấu nghệ thuật và khẳng định tài năng. Nhưng hóa ra, thành tích này chỉ là điểm sáng duy nhất trong sự nghiệp của anh ta từ đó đến nay. Thay vì tiếp tục theo đuổi nghề diễn, Gia Huy tập tành làm vlog như một số gương mặt đình đám khác. Nhưng kết quả thu về của anh ta lại không như mong muốn, vì nội dung các video phần nhiều chỉ là sao chép ý tưởng của các vlogger Việt Nam và quốc tế. Các buổi diễn của Gia Huy thời điểm đó cũng không thuận lợi bởi hài độc thoại vốn là thể loại kén người xem. Trong bối cảnh đó, lẽ ra cần nỗ lực học hỏi để sáng tạo trong kịch bản, nâng cao khả năng diễn xuất, thì Gia Huy lại tỏ ra bất mãn, ảo tưởng về tài năng, trình độ bản thân. Anh ta giao du với một số nghệ sĩ kém nhân cách, xem đó như thần tượng để học theo. Cũng trong khoảng thời gian này, Gia Huy bắt đầu sản xuất video với hình thức phản biện xã hội nhưng về thực chất là bôi đen, xuyên tạc sự thật về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đất nước, hạ bệ thần tượng các lãnh tụ của phong trào cộng sản và cách mạng thế giới. Ngày 25-11-2016, nguyên Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) qua đời để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho nhân dân Cu-ba cùng những người tiến bộ, yêu hòa bình, theo đuổi lý tưởng giải phóng dân tộc, giai cấp, con người. Ðể tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại, 11 quốc gia trong đó có Việt Nam, đã thực hiện nghi lễ quốc tang, 70 quốc gia trực tiếp gửi điện chia buồn. Nguyên tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma cũng dành cho Phi-đen Ca-xtơ-rô những lời trân trọng: “Lịch sử sẽ ghi lại và đánh giá ảnh hưởng to lớn của nhân vật đặc biệt này đến con người và thế giới xung quanh ông”. Tuy nhiên qua video “quốc tang Fidel Castro” (Bình loạn cùng Dưa Leo), Gia Huy lại ngang nhiên bày tỏ thái độ xúc phạm nhà cách mạng vĩ đại cũng như sự tri ân của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trước các phát ngôn ngông cuồng trong video này, cơ quan chức năng đã mời Gia Huy tới trao đổi mà mục đích chính là khuyên răn, cảnh tỉnh. Nhưng anh ta chẳng những không nhận ra sai lầm, mà còn kích động nhóm “fan cuồng” của mình tập trung gây rối trật tự trước trụ sở cơ quan công an…
Điều đáng chú ý, từ những bước “sa chân”, suy nghĩ ấu trĩ và sai lầm đó, Gia Huy đã tiếp tục trượt dài trên con đường đối lập, chống phá đất nước. Lợi dụng những sự kiện nêu trên, một số kênh truyền thông nước ngoài vốn rất nổi tiếng chống cộng hoặc rất thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, BBC Tiếng Việt, SBTV,… lập tức tổ chức chiến dịch “truyền thông đen” tung hô nhân vật này. Gia Huy cũng chớp cơ hội trả lời phỏng vấn, tổ chức lưu diễn tại Ô-xtrây-li-a, Mỹ. Nhưng do tài năng có hạn cho nên sau khi được đám “báo chí kền kền” thổi phồng có chủ ý, “danh tiếng” của Gia Huy cũng rất nhanh chìm nghỉm. Bù lại, anh ta cũng kịp móc nối với một số người Việt đang sống ở nước ngoài có quan điểm thù địch, thiếu thiện chí với Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Rồi khi hoạt động quyên góp trực tuyến ngày càng phổ biến, dễ tiếp cận thì Gia Huy đã lợi dụng hình thức này nhằm thu về đồng tiền bất chính qua youtube, patreon (kêu gọi quyên góp tiền để thực hiện dự án), ví điện tử… Ðể việc làm bất chính không bị cơ quan chức năng chú ý, trên kênh youtube và facebook cá nhân, Huy cài đặt chế độ “riêng tư” với các video cũ mang nội dung chống phá. Thay vào đó, anh ta tuyên bố sẽ sản xuất các video “truyền tải kiến thức”! Thoạt nhìn, một số nhan đề trên kênh youtube của Gia Huy như Ðọc sách nào tốt? Ðọc sách sao cho tốt? Ðọc sách tốt chỗ nào? người xem – nghe dễ lầm tưởng anh ta đã “cải tà quy chính”. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là chiêu trò “bình mới rượu cũ” của Gia Huy để tránh bị phát giác, tăng số lượng người theo dõi kênh youtube. Vốn không được đào tạo bài bản về nghiên cứu khoa học, lại lười trau dồi và học hỏi, Gia Huy đã ăn cắp, xào nấu nội dung từ các website nước ngoài rồi chế vào video của mình. Công việc duy nhất của Gia Huy là chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt, kèm những câu thoại tục tĩu và lên lớp người xem. Ðiều nguy hại hơn, hòng mưu đồ kiếm tiền từ các cá nhân, tổ chức chống phá đất nước, trong hầu hết các video được đăng tải trên youtube và facebook, Gia Huy đều mượn các chủ đề trên để công kích Ðảng, Nhà nước. Thời gian gần đây, anh ta liên tục sản xuất các video có chủ đề về lũ lụt với luận điệu chủ yếu cho rằng: Chính quyền Việt Nam thiếu năng lực và trì trệ, tham nhũng trong thực thi các biện pháp phòng tránh lũ lụt tại miền trung, bất chấp sự thật là công tác phòng, chống bão lũ và khắc phục các thiệt hại do thiên tai luôn được Ðảng, Chính phủ, chính quyền các địa phương và các ban, ngành liên quan đã chỉ đạo sát sao và vào cuộc kịp thời, được nhân dân và dư luận xã hội hết sức đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ. Nhờ vậy, tính mạng, tài sản của người dân được bảo đảm, mọi thiệt hại được hạn chế đến mức thấp nhất. Bất chấp thực tế đó, để tăng “sức thuyết phục” cho luận điệu xuyên tạc của mình, Gia Huy cho rằng Việt Nam không chịu học tập sáng kiến phòng tránh lũ lụt của Hà Lan như các quốc gia khác tại châu Á và thế giới! Tự nhận là một người truyền bá kiến thức, có vẻ như anh ta không biết rằng thay đổi khí hậu đang là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động nặng nề đến tình hình lũ lụt tại khu vực châu Á cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, và tất cả các nước đều đang phải nỗ lực chống chọi với tình trạng này. Không riêng tại Việt Nam, tác động khó lường của thời tiết đã vượt xa cả dự đoán của những quốc gia có nền khoa học khí tượng tiên tiến và kinh nghiệm phòng chống thiên tai như Nhật Bản. Chỉ tính riêng tại Nhật Bản, từ năm 2018 đến 2020, quốc gia này đã hứng chịu hai trận lũ lụt lịch sử bao gồm sự kiện “mưa lớn tháng 7 năm thứ 30 triều đại Bình Thành” (tháng 7-2018) cướp đi sinh mạng của 225 người, hay trận lụt Kyushu đã khiến 77 người chết.
Thật ra, không ngẫu nhiên Gia Huy liên tục sản xuất video clip về lũ lụt, cho dù trên thực tế vì các phát ngôn dốt nát, thiếu hiểu biết mà anh ta phải nhận “gạch, đá” từ cộng đồng mạng. Nguyên nhân chính ở phía sau hành động này là kêu gọi quyên tiền cho “quỹ từ thiện” của Nguyễn Thái Hợp. (Theo tố cáo của Ngô Kỷ – một kẻ chống cộng khét tiếng sống ở Mỹ, thì Nguyễn Thái Hợp đang kết giao với thành viên tổ chức khủng bố “Việt tân” và nhận tiền của tổ chức khủng bố này để thực hiện nhiều hành vi phi pháp?). Sau màn công khai ủng hộ Nguyễn Thái Hợp, trong một số lần phát ngôn, Gia Huy còn mạnh miệng công khai phủ nhận, chối bỏ niềm tin của người Việt ở nước ngoài vào Ðảng, Nhà nước Việt Nam bất chấp thực tế ngày càng nhiều người con xa xứ trở về đóng góp công sức, tiền bạc cho sự nghiệp phát triển đất nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính đến tháng 10-2020, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư tại quê hương 362 dự án theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Chính phủ Việt Nam cũng sẵn sàng cưu mang, khám – chữa bệnh cho người Việt ở nước ngoài, du học sinh, người lao động có nguyện vọng trở về từ các vùng đang chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 trên thế giới. Vậy nhưng, qua giọng lưỡi của Gia Huy, người Việt yêu nước ở nước ngoài lại bị cố tình đánh đồng, xếp chung với một thiểu số người lạc lõng, hung hăng chống phá chế độ. Gia Huy còn “ném đá” Bphone – điện thoại thông minh do người Việt Nam trong nước sản xuất nhằm công kích quan điểm “người Việt dùng hàng Việt”. Thậm chí anh ta không ngần ngại chế giễu và “hướng nghiệp” cho thanh niên bằng cách hô hào không cần học đại học!
Thực ra, trên mạng xã hội cũng như thực tiễn đời sống của người Việt ở nước ngoài hiện nay, trường hợp như Gia Huy không phải là duy nhất. Anh ta chỉ là một nhân vật tiêu biểu cho một số trường hợp học hành không đến nơi đến chốn, tri thức hạn chế nhưng lại ngộ nhận về bản thân, ảo tưởng về tài năng mồm mép để rồi rơi vào cái bẫy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do các thế lực thù địch giăng sẵn. Khoe khoang là người hiểu biết, bản lĩnh, nhưng qua các hành động, phát ngôn hay video của mình, nhóm người này chưa bao giờ có nhìn nhận tích cực, thiện chí về đất nước, con người Việt Nam. Trước Gia Huy, đã có một số nghệ sĩ Việt Nam tìm mọi cách vượt biên, rồi công khai nói xấu Ðảng, Nhà nước trong các chương trình tạp kỹ ở nước ngoài. Nhưng qua thời gian, phần lớn họ dần thức tỉnh và cay đắng hiểu rõ rằng các tổ chức chính trị ở nước ngoài chỉ coi họ như “quân tốt thí” để chống cộng, để phục vụ cho mục đích đen tối của mình. Ðến khi họ không còn tác dụng sẽ bị phũ phàng phủi tay, vứt bỏ ra lề đường như quả chanh đã bị vắt kiệt nước. Chính vì vậy, khi được đất nước khoan dung, nhiều người đã không khỏi ăn năn, hối hận, tự điều chỉnh bản thân, trở về Việt Nam để cống hiến, dùng tiếng nói của mình trên mạng xã hội vạch trần sự thật, thiết thực góp sức mình tăng cường sự đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân để cùng chung sức xây dựng đất nước. Ðây có lẽ sẽ là những bài học quý giá mà với những người như Gia Huy hoặc muốn học đòi Gia Huy cần sớm suy ngẫm để tự cảnh tỉnh. Như tác giả bài “Dưa Leo – hãy học lại cách nói” đăng trên Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ: “đừng để “thần khẩu hại xác phàm” thì nguy khốn cho một đời còn lai láng ở phía trước nhé! Vì xã hội vẫn còn rất nhiều gương người tốt, mà người tốt thì họ âm thầm làm hết mình để cống hiến, phụng sự cho đời, họ không muốn nổi tiếng… như kiểu Dưa Leo”!
Việt Quang/ND