Nào người dậy sớm thức khuya!
Mong gì hơn, 200 con người ấy học cái đức của bậc trị quốc xưa, thấm cái tư tưởng, cốt cách của vị lãnh tụ Đảng ngày nay, biết “trằn trọc băn khoăn”, biết “thức khuya dậy sớm”.
Tôi có mấy lần đến Di tích Lam Kinh, nơi có lăng mộ Đức vua Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng. Lăng mộ của người anh hùng dân tộc khiêm nhường giữa chốn thiên nhiên khoáng đạt. Bia Vĩnh Lăng thâm trầm khắc bài văn do quan Đại phu Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi soạn, chỉ vẻn vẹn hơn 700 chữ, hàm súc và tường minh, thâu tóm toàn bộ gia thế, sự nghiệp, công đức của vị Hoàng đế thuộc hàng lẫy lừng bậc nhất lịch sử dân tộc, xuất thân điền chủ miền rừng núi.
Tôi thường dừng lại khá lâu ở dòng cuối bài văn bia: “Vua thức khuya dậy sớm, trong 6 năm trong nước yên bình thịnh trị cho đến khi băng hà”. Và ngẫm nghĩ… Lê Thái Tổ băng hà ở tuổi 49, ngắn ngủi cuộc đời bậc đế vương, nhưng trường thọ cuộc đời một anh hùng dân tộc. 49 tuổi nhưng có tới 10 năm nếm mật nằm gai, dựng cờ khởi nghĩa, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”, khiến tướng giặc Liễu Thăng nộp đầu, Mộc Thạnh nhân đêm chạy trốn…
Người anh hùng dân tộc sau khi đánh tan ngoại xâm giành lại độc lập, xây đắp thái bình, nối lại hòa khí lân bang, đã không kê cao gối ngủ, thụ hưởng thái bình như cái sự thường tình của bao kẻ tầm thường. Người anh hùng xuất thân áo vải lại “thức khuya dậy sớm” để “khắp hang cùng ngõ hẻm không có tiếng kêu than”, để “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn”, “dân giàu đủ khắp muôn phương”…
Mười năm nếm mật nằm gai dựng nghiệp lớn! Sáu năm thức khuya dậy sớm xây cơ đồ! Cuộc đời bậc Đế Vương – cuộc đời bậc anh hùng dân tộc hòa làm một, thành vĩnh cửu, dài lâu. Đó không hẳn là chuyện của một thời, chuyện ngày xưa. Lãnh tụ của Đảng, của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng bao đêm “trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành”, cũng từng tháng năm “ăn không ngon ngủ không yên” để đất nước có độc lập, nhân dân có tự do đấy thôi! Nó là chuyện muôn thuở, chuyện ngày nay, chuyện mai sau. Là chuyện cái đức của bậc trị quốc an dân.
Chuyện cán bộ được xem là cái gốc của mọi hưng vong, thành bại, hùng cường hay hèn nhược của mọi thời. Đất nước này sau thời binh lửa đã qua nhiều lần 6 năm mà sao chưa thể đạt đến thịnh trị, chưa chạm đến hùng cường để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”!
Đảng ta là con nòi của dân tộc. Đại hội lần thứ XIII, qua nhiều lần tuyển lựa, sàng lọc, sẽ chọn ra 200 hạt nhân đứng vào “bộ tham mưu” của Đảng. Đó có thể xem là nhân tài, là rường cột của nước nhà! Đó cũng có thể xem là đội ngũ tinh hoa của Đảng, con nòi của con nòi! Mong gì hơn, 200 con người ấy thực sự là con nòi của con nòi, học cái đức của bậc trị quốc xưa, thấm cái tư tưởng, cốt cách của vị lãnh tụ Đảng ngày nay, biết “trằn trọc băn khoăn”, biết “thức khuya dậy sớm”, đau đáu nỗi niềm ưu dân ái quốc, thì kết thúc nhiệm kỳ 5 năm tới này, đất nước không thể không đạt đến thịnh trị, dân tộc không thể không đặt chân đến ngưỡng hùng cường! Có thời cơ vận hội nào sáng hơn với dân tộc Việt Nam, vào thời điểm kết thúc năm 2020, bước sang năm 2021?
Tất thảy những khó khăn, thách thức, thiên tai và nhân tai, dịch giã và giặc giã đều đã lộ diện và chạm đến ngưỡng đỉnh. Tất thảy mọi mối quan hệ, bên trong và bên ngoài; đối tác và đối thủ; bạn và thù; đồng chí, đồng minh, đồng khối; bền vững và nhất thời; thủy chung và phản trắc đều bộc lộ, phơi sáng, được kiểm nghiệm, thử thách. Ngay cả cuộc bầu cử tổng thống nước Mỹ xa xôi cũng đem tới cho quốc gia bên bờ Biển Đông này nhiều cảm xúc và trải nghiệm, để tự tin và thay đổi. Tất thảy tính ưu việt cũng như khuyết tật của chế độ, thể chế và cả hệ thống chính trị được thực tiễn khắc nghiệt cọ xát, kiểm chứng, đánh giá.
Nguồn lực đất nước, sức mạnh nhân dân, trí tuệ dân tộc được kiểm đếm, cân đo qua mấy đận đất nước đối diện và hóa giải thách thức, thảm họa, nguy cơ xung đột. Căn bệnh tham nhũng trở thành quốc nạn được chỉ mặt đặt tên, được nhận diện và xử lý, thực tế không có vùng cấm, đem lại những hiệu ứng tích cực. Nền kinh tế đất nước, qua hơn một năm sóng to gió cả, qua giai đoạn chao đảo, rung lắc, đã kịp định vị hướng đi: Thay đổi để thích ứng; tồn tại để vượt lên, tạo lợi thế mới giữa thế giới biến đổi và nhiều bất ổn, khó lường.
Tín hiệu về một nền kinh tế tri thức dựa vào trí tuệ và sức sáng tạo Việt Nam, không quá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đã phát sáng, sẽ dẫn dắt nền kinh tế tương lai. Hơn hết, kỳ đại hội lần thứ XIII của Đảng hứa hẹn nhiều tư duy mới, nhận thức mới, trong tầm nhìn không chỉ 5 năm, mà dài lâu tới 100 năm tuổi Đảng, sẽ là nguồn xung lực mạnh, khai phóng, kích hoạt mọi nguồn lực vì sự phát triển đất nước. Đó là vận hội. Đó là thời cơ.
Này là lúc cần người có tài, thương dân yêu nước! Này là lúc cần người dậy sớm thức khuya! Để ngẫm nghĩ lời người xưa dạy: “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày” (Nguyễn Trãi). Để những mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp mà người cộng sản say mê, tuyên thệ, trở thành hiện thực. Để “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, để “những bầy sâu”, những “lũ sâu” không còn đất sống. Để nguồn lực nhân dân được khơi thông, sức mạnh toàn dân được hội tụ, năng lượng từ linh khí ngàn năm bớt hư hao. Để mọi nguồn lực từ rừng vàng biển bạc, đất đai, sông nước, bầu trời, mặt đất đều vì mục tiêu phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Để lòng dân bớt phân ly, để niềm tin vào Đảng cầm quyền và chế độ ngàn lần ưu việt thêm bền chặt, sắt son.
Lại nhớ câu nói của một trí thức – doanh nhân, một người yêu nước, ông Nguyễn Trần Bạt: “Nếu có tài, hãy làm cho mình trở thành người Việt Nam sang trọng”. Người Việt Nam sang trọng biết cách để dân tộc Việt Nam sang trọng. Người tài đấy! Cơ hội đấy! Để kết thúc nhiệm kỳ khóa XIII, nhân dân ghi khắc một dòng ngắn gọn: Trong 5 năm, 200 con nòi của Đảng biết thức khuya dậy sớm, trong nước yên bình thịnh trị, đất nước bước vào ngưỡng cửa hùng cường!
Nào người dậy sớm thức khuya!.
Nhà báo Uông Ngọc Dậu