+
Aa
-
like
comment

‘Nắng tỏa không đều’, đầu tàu TP.HCM cần cơ chế để phát triển

19/07/2020 06:07

Mô tả tình hình kinh tế thế giới 2019, World Bank nói một cách hình ảnh: “Mây đen phủ bóng toàn cầu nhưng mặt trời tỏa nắng ở Việt Nam”.

Tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, nợ công giảm 8 điểm % GDP so với năm 2016, 4 năm liên tiếp thương mại có thặng dư… là những cơ sở của nhận xét trên.

Cách biệt

Đó là nói về tổng thể, đi vào tình tiết thì thấy “mặt trời tỏa nắng nhưng không đồng đều”, bức tranh tăng trưởng kinh tế các tỉnh thành có chỗ sáng chỗ tối cách biệt, mà TP.HCM là ví dụ.

'Nắng tỏa không đều', đầu tàu TP.HCM cần cơ chế để phát triển
TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Tùng

Năm 2016 có 13/63 tỉnh thành có nguồn thu điều tiết về Trung ương, Bộ Tài chính dự toán con số để bổ sung cho nhiều tỉnh bị thâm hụt ngân sách là khoảng 211.221 tỉ đồng. Sang năm 2019, số tỉnh thành có ngân sách điều tiết về trung ương tăng 3 đơn vị (16/63), có những tỉnh thành tỉ lệ điều tiết chỉ một con số.

Trong 47 tỉnh có ngân sách điều tiết được giữ lại 100%, nhiều tỉnh hàng năm phải xin cứu viện, 2 tỉnh giáp ranh là Thanh Hóa và Nghệ An chiếm tỉ trọng lớn nhất, 14.302 và 9.583 tỉ. Năm 2016 Thanh Hóa cũng là tỉnh đứng đầu về xin ngân sách, 6.500 tỉ thì năm 2018 con số tăng hơn gấp đôi như trên.

Nhìn sơ đồ “10 tỉnh thành có tỉ lệ ngân sách được giữ lại” của năm 2019 thấy bất hợp lý: Trong khi các thành phố trực thuộc Trung ương có tỉ lệ điều tiết ngân sách thấp nhất cũng là 35% như của Hà Nội, Đà Nẵng 68 %, Hải Phòng 78%… thì siêu đô thị TP.HCM có dân số thực tế trên 13 triệu: “Thu ngân sách của năm 2019 bằng 55 tỉnh (từ dưới lên) cộng lại, song tỷ lệ ngân sách điều tiết được lưu giữ giảm dần đều qua các năm, đến nay chỉ còn 18%”.

Bình quân tỷ lệ ngân sách giữ lại của các thành phố trên 10 triệu dân của thế giới là 46,43%: Tokyo 14 triệu dân có tỷ lệ ngân sách giữ lại gần 37%; Thượng Hải 26 triệu dân 37%; Seoul 11 triệu dân 56%; Mexico City 22 triệu dân 73%… (7) cho thấy dù cấp độ so sánh ở trong nước hay tầm thế giới thì TP.HCM vẫn giữ kỷ lục mức độ chịu thiệt về tỉ lệ NSĐT được giữ lại.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, cơ cấu điều tiết ngân sách bất hợp lý đẩy gánh nặng thu ngân sách dồn lên vai TP.HCM và số ít tỉnh thành, không khuyến khích tính tự lực nhiều tỉnh để tiến tới giảm phụ thuộc. Theo thiển ý việc làm giảm gia tốc tăng trưởng, lãng phí cơ hội phát triển của TP.HCM do thiếu ngân sách, thiếu cơ chế… thậm chí nguy cấp hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị cán bộ Thành ủy mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP.HCM cho biết 5 năm qua TP đã khẳng định được vai trò trung tâm, đóng góp nhiều nhất cho kinh tế cả nước: dân số chiếm 9,3%, lao động chiếm 8%, diện tích đất chỉ chiếm 0,6% nhưng từ năm 2011 đến nay, TP đóng góp hơn 22% kinh tế cả nước, đóng góp 27,5% vào tổng ngân sách quốc gia.

Ông trăn trở: Nếu tỉ lệ ngân sách để lại cho TP 5 năm tới là 24%, giai đoạn 2026 2030 là 28% thì, phần ngân sách TP nộp về trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỉ đồng”, “một đồng ngân sách để lại TP sẽ tạo ra sản phẩm gấp 3 lần”…, con số trong mơ đối với bất kỳ một dự án đầu tư. Nếu “kiêng khem” với TP.HCM để số tiền này rót vào các tỉnh, vào các dự án đầu tư… nhiều khả năng hiệu quả thấp hơn hẳn, thậm chí có nguy cơ mất trắng, kinh tế thời dịch Covid-19, càng đáng cảnh báo.

Phát triển mới cho đầu tàu 

Làm “anh cả” nên TP.HCM không thoái thác trách nhiệm “cáng đáng việc nhà”, song cũng cần tính đến các yếu tố quản trị hiện đại của kinh tế thị trường, “đứa bồng em thì khỏi xay lúa”, “cho cần câu không cho con cá”, phải đặt mục tiêu “giới hạn tuổi vị thành niên” cho các tỉnh có truyền thống xin viện trợ, hết giới hạn thì phải tự thân vận động…

'Nắng tỏa không đều', đầu tàu TP.HCM cần cơ chế để phát triển
Người dân tránh nắng dưới chân cầu Thủ Thiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Singapore có diện tích khoảng 700 km2 dân số khoảng 5,7 triệu, 100% tỷ lệ đô thị hóa, GDP khoảng 363 tỉ usd. Diện tích TP. HCM gần 2.100 km2, dân số thực tế trên 13 triệu người, GDP 57 tỉ usd (1,3 triệu tỉ đồng), tỉ lệ đô thị hóa: “phấn đấu đến năm 2030 đạt 70-75%”… là những con số đáng suy ngẫm. Nhiều lần ngồi quán cà phê ở Singapore nhìn khách du lịch và giới trẻ tỏa ra từ các khu mua sắm với những túi hàng hiệu tay xách nách mang, tôi tự hỏi Singapore hơn TP. HCM ở điểm nào? Rồi tự trả lời: cơ chế, ngân sách, tầm nhìn, dân trí…

Với truyền thống năng động, môi trường thương mại tự do và nhiều lợi thế khác, tiềm năng phát triển của thành phố còn rất lớn. Giả thiết một công ty có lợi thế và dư địa phát triển tương đương của TP. HCM, nếu IPO cổ phần ra công chúng thì tổng vốn hóa tăng gấp nhiều lần quy mô hiện nay là việc trong tầm tay. Cho thấy thiếu vốn, thiếu cơ chế điều hành thông thoáng… đã và đang kìm hãm tiềm năng phát triển của TP.HCM nhường nào.

Giải phóng nguồn năng lượng  

Vợ chồng người quen ở Nhật là tiến sĩ giảng viên đại học, năm 2013 họ ra riêng xây nhà, 80% tiền vay của ngân hàng có thời hiệu 30 năm. Hành trình trả nợ chưa được 1/3 chặng đường nhưng trước mùa dịch vẫn đi du lịch, xem hòa nhạc, shopping cà thẻ ào ào.

Không ít tín đồ hàng hiệu gặp ở Singapore nói trên mua hàng từ tiền vay, cấn trừ vào lương khi đáo hạn như phong cách tiêu dùng của công dân của nền kinh tế mở, trong khi một bộ phần người VN đang chôn vàng ở gầm giường, theo ước tính số vàng tiềm ẩn trong dân là khoảng 500 tấn. Ở TP.HCM không ít người dân có căn nhà mặt tiền trị giá vài triệu đô nhưng không gian sống vẫn eo hẹp, tiêu xài theo cách phòng thủ…

Ai cũng “sinh ra hai bàn tay trắng, khi chết thì ra đi trắng hai bàn tay”, ngoài cái văn hóa tiểu nông còn sót lại thì điều gì khiến người dân có tâm lý phòng thủ? Nhà làm chính sách giải bài toán này để giải phóng nguồn năng lượng thì quy mô tăng trưởng nền kinh tế sẽ có bước nhảy vọt. Chất lượng môi trường sống, chính sách kinh tế bền vững, lòng tin của người dân vào thể chế, cơ chế kích cầu phù hợp… phải chăng là những đặc điểm còn thiếu trong điều hành chính sách hiện nay?

Trúc Nguyễn/VNN

Bài mới
Đọc nhiều