Bộ trưởng Y tế chỉ đạo nâng mức cảnh báo COVID-19 lên cao nhất
Đến hôm qua 7-5, đã có 9 bệnh viện phải cách ly y tế do làn sóng dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Trong đó, số ca nhiễm ở các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện K chưa dừng lại.
Phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia chiều 7-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đợt dịch này phức tạp hơn các đợt dịch trước do ca bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương, nhiều chủng virus, trong đó có biến chủng Anh, biến chủng Ấn Độ “siêu lây nhiễm”.
Cách ly y tế 9 bệnh viện
Sáng 7-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra việc cách ly y tế Bệnh viện K sau khi phát hiện chùm bệnh COVID-19 tại cơ sở Tân Triều.
Ông Chu Ngọc Anh nhận định chùm ca bệnh COVID-19 ở Bệnh viện K có tính chất phức tạp hơn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, do tại bệnh viện thời điểm này có tới hơn 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân và người chăm sóc, áp lực rất lớn khi cùng lúc có số người quá đông tập trung tại cùng một khu vực; chưa kể bệnh viện rất gần khu dân cư, không tách biệt như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Theo ông Anh, nguy cơ dịch bệnh ở bệnh viện này còn phức tạp hơn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 vì Bệnh viện K liên quan đến hầu hết các tỉnh thành ở phía Bắc.
Thời điểm thực hiện cách ly y tế, Bệnh viện K đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính, tất cả đều là bệnh nhân và người chăm sóc tại khoa ngoại gan – mật – tụy. Nguồn lây bệnh được xác định từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khi ngày 27-4 có một bệnh nhân đã điều trị viêm gan từ ngày 31-3 chuyển đến Bệnh viện K.
Bệnh viện K là cơ sở y tế mới nhất phải cách ly y tế, sau Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Quân y 105, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Bệnh viện Phổi Lạng Sơn… Tại Đà Nẵng, đã có bệnh viện phải cách ly y tế lần thứ 2 trong vòng gần 1 năm do dịch COVID-19.
Điều đáng lo ngại là chuỗi lây nhiễm từ các bệnh viện vẫn đang khá phức tạp. Ngày 7-5, từ chùm ca bệnh Bệnh viện K phát hiện nhân viên y tế chùa Tam Chúc dương tính (người này từng đi chăm sóc mẹ tại Bệnh viện K hồi cuối tháng 4), tại Hà Nội có người là F2 trở thành bệnh nhân dương tính liên quan đến ổ dịch từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Có thể xuất hiện thêm ổ dịch
Tại phiên họp trực tuyến chiều 7-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định “tốc độ lây nhiễm nhanh hơn đợt trước, thời gian tới việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, thêm nguồn lây”.
Qua nhìn nhận thực tế, có thể thấy tốc độ lây lan ở đợt dịch này nhanh và “hệ số lây nhiễm” từ 1 F0 cao hơn rất nhiều so với trước đây (thời điểm mới xuất hiện 1 F0 lây 2,2 – 2,5 người, nhưng trong đợt dịch này, mỗi F0 lây hàng chục người).
Ông Long nhấn mạnh nguy cơ lây lan ở bệnh viện tuyến cuối cao hơn tuyến cơ sở, trong khi tuyến cuối là tuyến nhiều bệnh nhân nặng. Như Bệnh viện K chuyên điều trị bệnh nhân mãn tính, phải tái khám thường xuyên và điều trị theo đợt; hiện nay bệnh viện phải cách ly, người bệnh sẽ phải lùi thời gian điều trị.
Ông Long đề nghị các cơ sở y tế nâng cảnh báo lên mức cao nhất, có phương án đối phó các tình huống, Bộ Y tế sẽ rà soát hệ thống y tế để chuẩn bị cho tình huống bệnh nhân gia tăng cao hơn. Trong tình huống hiện nay, tất cả phải đảm bảo thực hiện khuyến cáo 5K để tình hình không phức tạp thêm nhiều.
“Quy mô và số lượng lớn như thế đòi hỏi năng lực truy vết F1, F2 phải rất khẩn trương, quyết liệt, làm việc với trách nhiệm cao” – ông Chu Ngọc Anh nói và đề nghị Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia tăng cường phối hợp với Hà Nội, nhất là vấn đề thông tin kịp thời các ca bệnh F0, để truy vết nhanh vì chậm giờ nào là “căng” giờ đó.
Xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế ở các địa phương có dịch
Trong công điện ngày 7-5, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân dài ngày để phòng COVID-19. Nhân viên y tế được yêu cầu không đi bar, hát karaoke, dự tiệc buffet…
Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh hạn chế đến khám tại tuyến trung ương, chủ yếu nên khám và điều trị tại tuyến cơ sở. Trong điều kiện có ca bệnh khó, cơ sở y tế tuyến trên sẽ hỗ trợ thông qua hệ thống Telehealth (hỗ trợ khám chữa bệnh, hội chẩn trực tuyến).
Hà Nội đề nghị người dân hợp tác chống dịch
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhắc lại lưu ý của Thủ tướng rằng “chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả” và yêu cầu huyện Thanh Trì phải rà soát ngay khu vực xung quanh Bệnh viện K, tạm thời đóng cửa, không kinh doanh hàng quán quanh bệnh viện để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Ông Chu Ngọc Anh nói người dân cứ yên tâm và đề nghị người dân chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, chủ động thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tụ tập đông người để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết ông đã trao đổi với lãnh đạo Hà Nội, ngoài việc thực hiện xét nghiệm toàn bộ những người đang cách ly trong Bệnh viện K, cần thiết phải xét nghiệm mở rộng với người dân xung quanh bệnh viện này vì người bệnh, người ở nhà trọ ngoài bệnh viện rất nhiều.
L.ANH – X.LONG