Năng lượng tích cực từ những chuyến đi…

Trong năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lần lượt công du đến năm nước: Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia. Những chuyến công du đã đem về rất nhiều kết quả thiết thực cho kinh tế Việt Nam cũng như thắt chặt nhiều liên kết quan trọng khác trong lĩnh vực chính trị, an ninh, ngoại giao.

Có một điều đặc biệt là tất cả các chuyến công du của Chủ tịch nước đều đến các nước Châu Á và các nước này đều là đối tác chiến lược của Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến chuyến công du đầu năm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore vào tháng 2/2022. Chuyến đi đã mở ra một năm ngoại giao sôi nổi cho Việt Nam, với các quan hệ đối tác chiến lược dần được đi vào chiều sâu.

Đến cuối tháng 9/2022, nhân dịp đến Nhật Bản dự Lễ quốc tang cựu Thủ tướng Ane Shinzo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Sau chuyến đi này, Thái Lan là điểm dừng chân kế tiếp vào trung tuần tháng 11. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức vương quốc láng giềng quan trọng này trước khi tham dự Hội nghị APEC lần thứ 29.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc từ 4 – 6/12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã là người chủ động thông báo việc Hàn Quốc và Việt Nam chính thức nâng cấp mối quan hệ của hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bước ngoặt, mở ra những cơ hội to lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc thời gian tới.

Hai mươi ngày sau, chuyến thăm đến Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa chứng minh sự chủ động của ông khi chưa đầy 2 ngày làm việc của chuyến thăm, đã có gần 15 hoạt động, trong đó bao gồm các hoạt động quan trọng, như: hội đàm với Tổng thống Joko Widodo; hội kiến với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Lưỡng viện Indonesia; dự tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia, gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Indonesia, thăm Ban Thư ký ASEAN và gặp Tổng Thư ký ASEAN.

Bằng thái độ chủ động, hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy nỗ lực tuyệt vời của Việt Nam trong việc gắn kết các đối tác, thực sự trở thành một nhân tố quan trọng hàng đầu của khu vực ASEAN.

Về lợi ích kinh tế, minh chứng rõ nét nhất là Singapore tiếp tục dẫn đầu các nước ASEAN trong lĩnh vực đầu tư, xếp thứ 2/139 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đang xây dựng quy chế ODA thế hệ mới dành cho Việt Nam; Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN với kim ngạch thương mại đạt 17,8 tỷ USD tính đến tháng 10/ 2022; 24 văn kiện hợp tác, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết, giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD từ các đối tác Hàn Quốc.

Với Indonesia, Việt Nam đã thống nhất xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2024 – 2028, mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều vượt 15 tỷ USD trước năm 2028 và theo hướng cân bằng hơn.

Về ý nghĩa chính trị, các chuyến đi đã đem lại rất nhiều ý nghĩa tích cực khi cả năm nước Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia đều dành cho Việt Nam sự ủng hộ quan trọng đối với các tranh chấp liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Năm đối tác này cũng nhất trí với quan điểm của Việt Nam, là giải quyết mọi tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Thậm chí, Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế với Việt Nam.

Ngay lúc này, khi các mối quan hệ giữa các đối tác lớn trên thế giới đang có nhiều biến động, thì nỗ lực ngoại giao của Việt Nam cho thấy sự nhất quán trong chính sách ngoại giao mà chúng ta luôn theo đuổi, “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”. Chính đường lối đối ngoại này đã giúp chúng ta có thêm rất nhiều sự hỗ trợ cần thiết từ nhiều đối tác khác nhau, ở nhiều châu lục, và thuộc các liên minh chính trị – kinh tế lớn trên thế giới. Qua đó, giữ được sự ổn định cho nền kinh tế, và nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam.

Năm chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong năm 2022 đều đã thành công mỹ mãn, mở ra một thời kỳ mới, với các quan hệ song phương có tính gắn bó sâu sắc về lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược. Đây cũng là tiền đề quan trọng tiếp tục hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN 2025, một trong các sáng kiến quan trọng của Việt Nam, giúp gia tăng uy tín và tầm ảnh hưởng của khối ASEAN.

Nội dung: Phạm Khoa

Đồ họa: M.N