+
Aa
-
like
comment

‘Năng lực xét nghiệm là chìa khóa mở các chuyến bay quốc tế’

15/09/2020 18:43

Tần suất các chuyến bay quốc tế sẽ phụ thuộc vào năng lực xét nghiệm trong nước và số lượng cơ sở cách ly tại các khách sạn, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

Ngày 15/9, PV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), xung quanh dự kiến mở đường bay thương mại quốc tế.

– Ông nhận định như thế nào về dự kiến khôi phục đường bay quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp?

–  Theo tôi đây là chủ trương cần thiết. Trước hết nói về việc chống dịch trong nước. Khi dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng cuối tháng 7, nhiều người lo ngại sẽ lây lan rộng ra cả nước với tốc độ khó kiểm soát. Nhưng với các biện pháp quyết liệt, đến nay, về cơ bản Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh trong cả nước, gần hai tuần không có lây nhiễm cộng đồng.

Trên thế giới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm cộng đồng ở Việt Nam luôn thường trực. Vì chúng ta không thể nào tách biệt hoàn toàn với thế giới. Thời gian tới, có thể sẽ còn những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và không rõ nguồn lây, như đã từng xảy ra ở Đà Nẵng. Nguy cơ từ những người nhập cảnh trái phép vẫn rất cao. Hơn nữa, miền Bắc sắp đến mùa Đông, không khí lạnh có thể tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ lây lan hơn.

Trong bối cảnh đó, việc khôi phục đường bay quốc tế, đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao… vào Việt Nam làm việc, sẽ có nguy cơ, nhưng tôi cho rằng nguy cơ đó không cao, không nên quá lo ngại.

Mở lại đường bay thương mại quốc tế là việc tất yếu để thực hiện mục tiêu kép, chống dịch và phát triển kinh tế. Dịch bệnh có thể còn kéo dài một hai năm nữa, đến khi vaccine được phổ biến rộng rãi, nên chúng ta không thể đóng cửa mãi. Thời gian qua, Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng phòng chống. Trong nước, người dân cũng ý thức hơn khi thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn… Cơ chế lây nhiễm và độc lực của virus cũng được nghiên cứu kỹ hơn. Bộ Y tế đã đưa ra nhiều hướng dẫn chi tiết về cách phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp, nơi công cộng…

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năng lực xét nghiệm của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa khi Bộ Y tế đặt hàng doanh nghiệp xét nghiệm Covid-19 ở sân bay. Các địa phương đã huy động được hàng trăm khách sạn, cơ sở lưu trú làm nơi cách ly có thu phí.

Đây là những điều kiện cần thiết cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón nhà ngoại giao, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, lao động tay nghề cao vào Việt Nam làm việc. Tôi tin rằng, đây là những người có trình độ cao, hiểu biết, có ý thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh tốt. Vì vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những người nhập cảnh ra cộng đồng không lớn. Chúng ta chưa đón khách du lịch.

– Theo đề xuất của Văn phòng Chính phủ, khách nhập cảnh Việt Nam phải có giấy xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 5 ngày, khi vào Việt Nam cách ly tập trung 5 – 7 ngày, tiếp tục xét nghiệm PCR (xét nghiệm tìm virus) hai lần. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

– Phương pháp xét nghiệm PCR có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, nên kết quả được tin tưởng làm căn cứ khẳng định người nhập cảnh có mang mầm bệnh hay không. Hơn nữa, trước khi nhập cảnh, hành khách phải có giấy chứng nhận âm tính nCoV, chứng tỏ họ không mang mầm bệnh trước khi lên máy bay. Nếu trong trường hợp có lây nhiễm trên máy bay, thì khi nhập cảnh tiếp tục xét nghiệm để phát hiện virus.

Tất nhiên, không có phương pháp nào là tuyệt đối an toàn. Nhưng thông thường nếu người nhiễm Covid-19, sau khoảng 3 đến 4 ngày là có thể phát hiện bằng xét nghiệm PCR. Nên khoảng thời gian giữa các lần xét nghiệm trước và sau khi nhập cảnh sẽ đủ để phát hiện nếu hành khách nhiễm bệnh.

Vì vậy, tôi cũng cho rằng chỉ nên cách ly khách nhập cảnh 4 – 5 ngày, thay vì 14 ngày, sau đó khuyến cáo họ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc. Trong 14 ngày đầu khi nhập cảnh, hành khách chỉ đến những nơi phục vụ công việc, hạn chế ra nơi công cộng, đông người không cần thiết.

Đồng thời, cần giao trách nhiệm cho các đơn vị đón khách nhập cảnh quản lý việc di chuyển và sức khỏe của họ, yêu cầu họ tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Người nhập cảnh cần được hướng dẫn cách liên hệ với nhà chức trách nhanh nhất khi có biểu hiện nhiễm bệnh.

– Sau khi khôi phục, việc tăng tần suất các chuyến bay quốc tế cần dựa trên những cơ sở nào?

– Thời gian đầu khi mở đường bay quốc tế, cơ quan chức năng ước tính khoảng 5.000 người nhập cảnh mỗi tuần. Đây là số lượng vừa phải, không quá nhiều, mang tính “thử nghiệm” để đánh giá.

Sau một hoặc hai tháng, Chính phủ cần đánh giá lại việc này để xem xét hiệu quả mang lại ra sao với sự phát triển kinh tế, giao thương. Trên cơ sở này, mới tính toán có nên tiếp tục mở rộng đến các khu vực khác, tăng tần suất chuyến bay thương mại quốc tế hay không.

Trước mắt, nên ưu tiên mở các đường bay đến những khu vực đã tương đối an toàn về dịch bệnh. Cần linh động trong việc thay đổi đường bay, chẳng hạn hiện một số khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh như Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…, có thể xem xét kết nối. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu những nơi này bùng phát dịch bệnh thì sẽ tạm dừng. Ngược lại, các khu vực hiện giờ dịch bệnh vẫn phức tạp, nhưng một tháng sau đã kiểm soát tốt, có thể đưa vào diện mở đường bay.

Việc tăng tần suất chuyến bay cần căn cứ vào năng lực của các cơ sở xét nghiệm trong nước và số lượng cơ sở cách ly (khách sạn, cơ sở lưu trú). Đây là hai yếu tố quan trọng để các bộ ngành đưa ra quyết định hợp lý.

Trong làn sóng thứ hai của Covid-19 ở Việt Nam, xét nghiệm được coi là chìa khóa chống dịch, mang lại hiệu quả và thành công. Vì vậy, xét nghiệm cũng cần được coi là chìa khóa quyết định việc tăng hay giảm tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế. Bởi xét nghiệm nhiều lần cả trước và sau khi nhập cảnh sẽ giúp sàng lọc người bị nhiễm virus, loại bỏ nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Ngoài ra, còn các yếu tố khác như khả năng giám sát y tế của các đơn vị, địa phương, khả năng ứng phó nếu có ca lây nhiễm từ người nhập cảnh. Chúng ta phải chấp nhận vừa làm, vừa hoàn thiện chứ không thể đợi hết dịch trên toàn thế giới mới mở cửa trở lại.

– Ông nói năng lực xét nghiệm là yếu tố quan trọng quyết định việc tăng tần suất chuyến bay quốc tế. Vậy vấn đề cách ly tập trung khách nhập cảnh thì sao?

– Hiện tại, tôi cho rằng đề xuất khách nhập cảnh Việt Nam phải cách ly tập trung một số ngày nhất định, kết hợp xét nghiệm là hợp lý. Tuy nhiên, thời gian tới, khi năng lực xét nghiệm trong nước được nâng cao, các doanh nghiệp có thể tham gia xét nghiệm ở sân bay, thì có thể rút gọn quy trình này.

Đơn cử, khách chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính nCoV trước khi nhập cảnh một vài ngày. Sau khi nhập cảnh, tiếp tục được xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhiều lần và không cần phải cách ly. Như vậy sẽ vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo điều kiện để người nhập cảnh thực thi công việc thuận lợi hơn. Đồng thời, khách nhập cảnh vẫn phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn khác.

Theo phương án của Bộ Giao thông Vận tải, các chuyến bay thương mại dự kiến mở đến Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản. Mỗi tuần sẽ có 2 chuyến khứ hồi TP HCM – Quảng Châu; chặng Hà Nội/TP HCM – Tokyo 4 chuyến khứ hồi; Hà Nội/TP HCM – Seoul 4 chuyến; Hà Nội/TP HCM – Đài Bắc (Đài Loan) 4 chuyến. Các hãng bay của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác sẽ chia đôi số chuyến bay.

Tại cuộc họp Chính phủ cuối tuần trước, Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho phép mở đường bay thương mại quốc tế.

Hành khách trên các chuyến bay là nhà ngoại giao, nhân viên công vụ, công dân Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên có nhu cầu về nước; người Việt đi lao động, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam; chưa áp dụng với khách du lịch. Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử.

Tuy nhiên, do các bộ ngành chưa làm rõ điều kiện nhập cảnh, chi phí xét nghiệm, nơi cách ly của hành khách nên ngày mở đường bay thương mại quốc tế chưa được chốt.

Viết Tuân/VGP

Bài mới
Đọc nhiều