Nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh, sĩ tử đạt 22,3 điểm trượt đại học
Nguyễn Minh Quân cho biết nguyện vọng 3 của em đăng ký vào ĐH Đồng Nai. Trường này đã nâng điểm chuẩn lên 24,7 để đánh trượt thí sinh.
Chia sẻ với PV sáng 14/8, Nguyễn Minh Quân (19 tuổi, ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết đây là năm thứ hai em thi đại học. Quân đạt 22,3 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào ĐH Sư phạm TP.HCM, nguyện vọng 2 là ĐH Sài Gòn và nguyện vọng 3 ĐH Đồng Nai.
Sau khi trượt nguyện vọng 1 và 2, nam sinh hy vọng sẽ trúng tuyển nguyện vọng 3 vào ĐH Đồng Nai (điểm chuẩn các năm ở mức gần 20). Thế nhưng, hiện tại, Quân trượt cả 3 nguyện vọng.
“ĐH Đồng Nai nâng điểm chuẩn lên 24,7 để đánh trượt thí sinh vì không đủ điều kiện mở lớp. Nhà trường không thông báo cho thí sinh để thay đổi nguyện vọng nên em vẫn tự tin mình đỗ đại học”, Minh Quân nói.
Năm 2018, Minh Quân thi đại học và đăng ký vào ngành Sư phạm Vật lý, ĐH Đồng Nai. Cũng với lý do trường không đủ điều kiện mở lớp vì quá ít sinh viên theo học, Quân phải chuyển sang học ngành Sư phạm Toán học.
Do không đam mê ngành này, học được một thời gian, Quân nghỉ để ôn thi lại. Nam sinh không ngờ năm nay, ĐH Đồng Nai vẫn thông báo tuyển sinh và lại nâng điểm đánh trượt thí sinh với lý do tương tự.
Nguyễn Minh Quân cho biết em chán nản và thấy bất công khi “bỗng dưng” bị lấy mất cơ hội vào đại học.
Trước đó, như PV phản ánh, mùa tuyển sinh 2019 lại tái diễn tình trạng trường đại học nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh trúng tuyển.
Theo PGS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Đồng Nai, điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường thường chỉ ở mức sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra, không cao đến 19-20 điểm.
“Ở lần lọc ảo cuối cùng của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường chỉ ở mức sàn thôi. Với mức điểm đó, vài ngành có nhiều thí sinh trúng tuyển. Các ngành như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Tin học, Sư phạm Lịch sử chỉ có lác đác vài thí sinh trúng tuyển. Nhà trường không thể mở lớp nên buộc phải đẩy điểm chuẩn lên cao để các em này rớt xuống nguyện vọng khác trong lần lọc ảo cuối cùng”, ông Thắng giải thích.
Đây không phải lần đầu tiên ĐH Đồng Nai đẩy điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh. Năm ngoái, trường cũng đẩy điểm chuẩn ngành Sư phạm Sinh học và Sư phạm Lịch sử lên mức 22,5, cao hơn nhiều so với các ngành sư phạm khác.
Ông Thắng cho hay tình trạng khó tuyển sinh diễn ra từ nhiều năm nay đối với ĐH Đồng Nai và một số trường đại học địa phương. Nếu như năm 2018, riêng bậc đại học có 2 ngành ĐH Đồng Nai không tuyển được thí sinh, thì năm 2019, con số này là 4.
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc các trường tự nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh là sai với quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT ban hành.
Ông Bình giải thích Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy quy định các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của mình và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trước khi thí sinh đăng ký dự thi thi THPT quốc gia.
Các trường chịu trách nhiệm giải trình về nội dung của đề án, đồng thời gửi về bộ để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.
Ông Bình khẳng định trường tự nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh là sai quy chế. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng cách làm này là vô trách nhiệm, không hợp tình, hợp lý và Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm can thiệp, bởi đề án của các trường phải được bộ này phê duyệt.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị về công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện luật sửa đổi bổ sung một số điều giáo dục đại học ngày 17/7 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT – cho biết các trường đại học không đủ điều kiện mở lớp, cần chủ động thông báo cho thí sinh để các em thay đổi nguyện vọng, tránh trình trạng tự động nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt sĩ tử như năm 2018.
Tieu Diem