Nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho Cảnh sát cơ động
Càng ngày tội phạm càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Chính vì vậy việc đầu tư trang thiết bị hiện đại cho lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ yên bình cho đất nước. Đây là đề nghị của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Ngọc Minh (Cà Mau).
Chiều 21/10, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật CSCĐ.
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ sự tán thành tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) bởi việc nâng Pháp lệnh CSCĐ lên thành luật là cần thiết, đảm bảo đầy đủ các cơ sở về chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Trong đó, về cơ sở chính trị, các Nghị quyết của Đảng đều đã nêu rõ quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; CSCĐ là một lực lượng quan trọng của CAND, thuộc lực lượng vũ trang. Về cơ sở pháp lý, Pháp lệnh CSCĐ hiện hành đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua nhưng hiện đã bộc lộ những bất cập. “Lúc này, cần một công cụ pháp lý cao hơn, đáp ứng được yêu cầu cao hơn mà thực tiễn đặt ra để phát huy tốt hơn vai trò của CSCĐ”, đại biểu nêu.
Góp ý cụ thể, ĐBQH tỉnh Kon Tum nhất trí với quan điểm đưa lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại. “Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng lực lượng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng: Hải quân, Phòng không – Không quân, Trinh sát điện tử, Cảnh sát biển, CSCĐ…”, ông viện dẫn. Hơn nữa, CSCĐ là lực lượng đặc biệt, có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… “Thế nên, việc xây dựng lực lượng này đi thẳng lên hiện đại là cần thiết và có cơ sở”, ĐBQH Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Về các hành vi bị nghiêm cấm quy định trong dự thảo Luật CSCĐ, ông đề nghị, cần bổ sung thêm hành vi cấm đe dọa, trả thù đối với cả người thân của CBCS CSCĐ, vì trong quá trình làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT, người thân của họ cũng có thể bị các đối tượng đe dọa, trả thù…
Theo ĐBQH Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, CSCĐ là lực lượng rất quan trọng, hình ảnh của họ thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật thông qua hoạt động răn đe trấn áp, xử lý nghiêm các tình huống thuộc về các vấn đề an ninh phi truyền thống, giúp dân phòng chống thiên tai. Vì thế, trong các lực lượng của ngành Công an, lực lượng CSCĐ cũng nên được ưu tiên về đầu tư trang thiết bị để tiến lên chính quy, hiện đại.
ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cũng nhất trí về việc cần thiết ban hành Luật CSCĐ; đồng thời cho rằng, dự thảo luật viết “Nhà nước ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho các hoạt động của CSCĐ” thì chữ “ưu tiên” là chưa đủ mạnh. Từ đó ông đề xuất, cần quy định rõ trong dự thảo luật là “Nhà nước đảm bảo đầu tư trang thiết bị hiện đại” cho CSCĐ. Bởi, chỉ có trang thiết bị hiện đại thì mới giúp lực lượng CSCĐ nhanh chóng tiến lên chính quy, hiện đại, góp phần bảo đảm ANTT, giữ yên bình cho đất nước…
Tham gia thảo luận tại tổ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các đại biểu đã quan tâm phát biểu ý kiến, ủng hộ Chính phủ xây dựng dự án Luật CSCĐ. Đề cập đến một số nội dung liên quan dự án luật, Bộ trưởng cho biết, đối với hệ thống tổ chức của CSCĐ, Chính phủ ban đầu trình ra một phương án, song lúc thảo luận có thêm Phương án 2 nên tờ trình đã đưa cả hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.
“Chúng tôi thấy Phương án 1 là phù hợp, nguyên tắc chung là tổ chức bộ máy thì không đưa vào luật, chỉ quy định về nguyên tắc hoạt động. Vì khi thay đổi tổ chức bộ máy thì lại phải sửa luật, khiến luật có hiệu lực rất ngắn, không theo kịp tình hình của thực tiễn. Thứ 2 là phù hợp Luật CAND ở Điều 19, “Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của lực lượng trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện, thị xã”. Đó là thẩm quyền của Bộ trưởng và lực lượng CSCĐ cũng vậy”, Bộ trưởng Lý giải.
Vừa rồi Bộ Tư lệnh CSCĐ có thêm Trung đoàn Không quân, là bước kiểm nghiệm ban đầu, có thể còn phát triển nữa. Do đó, nếu trong luật ghi rõ về tổ chức bộ máy gồm “lực lượng sử dụng máy bay, tàu thủy”… thì đến lúc có thêm lực lượng khác nữa lại phải xin Quốc hội sửa luật, rất bất cập.
Khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng XII quy định lực lượng CSCĐ “từng bước hiện đại”, đến Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì đã xác định CSCĐ là một trong 5 lực lượng thuộc CAND tiến lên hiện đại ngay, mục tiêu đến năm 2025, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn ý kiến của ĐBQH Đinh Ngọc Minh và sẽ tiếp thu vào dự án luật, bởi việc đầu tư trang bị, phương tiện cho CSCĐ không chỉ “ưu tiên” mà cần phải được “đảm bảo”.
Một số ý kiến băn khoăn về huy động lực lượng CSCĐ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, do tình hình ANTT, việc huy động quy định như trong dự thảo là rất chặt chẽ. Chẳng hạn như vụ Bình Thuận, vụ Bình Dương phải sử dụng CSCĐ trong những tình huống hết sức đặc biệt. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công an trân trọng cảm ơn, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ, sẽ báo cáo Chính phủ, phối hợp UBQPAN, các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện, tiếp tục lắng nghe ý kiến các đại biểu phát biểu trực tuyến tại hội trường thời gian tới…
Trung Dũng