“Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”
Một quốc gia có thể lụi tàn và bị xóa xổ nếu không có giáo dục đào tạo. Thực tế trong lịch sử đã chứng minh, Thực dân Pháp thi hành chính sách “ngu để trị” hạn chế sự tiếp xúc văn minh cũng như giáo dục đối với người Nam để dễ dàng cai trị. Hiện nay, Giáo dục đào tạo luôn là vấn đề quan trọng và được coi như “quốc sách hàng đầu”. Nhưng đã đúng với vị trí “hàng đầu” chưa ?
Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu của quốc gia
Quan điểm của Đảng và Nhà nước về Giáo dục và Đào tạo trong thời kỳ mới
Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mới, công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ theo dòng công nghệ 4.0 hiện đại. Vấn đề đặt ra là con người, làm sao đào tạo được những con người mới trong thời đại mới? Câu hỏi này thuộc về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Trong thời đại kinh tế hội nhập, nền tảng công nghệ phát triển cần hướng giao dục đến mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Với mục đích như vậy đối tượng giáo dục hướng đến không ai khác chính là con người. Phấn đấu cho mục tiêu nói trên, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI coi phát triển nhanh khoa học, công nghệ là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đào tạo và phát triển nhanh nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, trong đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Con người sinh ra không được dạy làm người, không được giáo dục đến nơi đến chốn sẽ nguy hại đến văn hóa dân tộc, nguy hại đến tương lai các thế hệ sau này. Muốn đất nước phát triển đi lên nhanh chóng phải có một nguồn nhân lực dồi dào đã qua đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua Giáo dục – Đào tạo phát hiện và bồi dưỡng nhân lực bền vững cho đất nước.
Trong báo cáo của Bộ Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ 12 đã nêu rõ “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Ban đầu giáo dục chú trọng truyền đạt kiến thức, sau đó được nhấn mạnh phải giáo dục một cách toàn diện từ năng lực làm việc đến phẩm chất đạo đức, học đi đôi với hành. Mọi điều được học phải được thực nghiệm. Hiện nay, nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo luôn gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng bảo vệ tổ quốc. Cùng với đó là tiếp nhận và đón đầu những thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo. Ở tầm xa hơn Giáo dục – đào tạo chính là bồi dưỡng lớp nhân tài kế cận cho đất nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, gần đây nhất lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã diễn ra tại Hà Nội ngày 30/6/2019. Sự kiện đánh dấu sự hội nhập, hợp tác sâu của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.
Trở lại với Giáo dục và Đào tạo, với bối cảnh hội nhập đó đất nước cần một lớp nhân lực thế hệ tương lai giỏi kiến thức sáng tạo thực hành. Môi trường giáo dục đối với người dân không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia. Nguồn nhân lực đó đôi khi phải đáp ứng yêu cầu của cả nước ngoài.
Muốn nâng cao vị thế kinh tế, ưu thế cạnh tranh phải phát triển kinh tế, muốn phát triển kinh tế phải có nguồn nhân lực chất lượng. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng phải bắt nguồn củng cố từ Giáo dục và Đào tạo.
Mặt khác, trong thời đại công nghệ số, khoa học công nghệ là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh, phát triển của một quốc gia. Muốn làm chủ khoa học công nghệ phải có nguồn nhân tài giỏi chuyên môn. Vậy không còn cách nào khác ngoài phát triển Giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Hạn chế của Giáo dục và Đào tạo hiện nay
Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rất rõ trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội 12, chất lượng Giáo dục và Đào tạo còn ở mức thấp chưa đạt hiệu quả như yêu cầu ban đầu. Tồn tại ở giáo dục đại học và dạy nghề, nhân lực trình độ đại học dư thừa so với nhu cầu xã hội trong khi giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề) thiếu hụt. Tạo ra sự mất cân bằng trong quy luật cung và cầu nguồn nhân lực cho xã hội.
Giáo dục liên thông giữa các bậc học chưa có sự đồng bộ về trình độ và phương thức, tất cả còn thiên về dạy lý thuyết và “trả bài” hơn là dạy lý thuyết bắt buộc thực hành. Ở một số nơi việc đào tạo thiếu sự liên kết với nhu cầu của thị trường. Dạy nghề ít kết hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Nếu có sự gắn kết thì kiến thức, kỹ năng cũng như trình độ của người được đào tạo sẽ sát với thực tế hơn. Trên thực tế không phải tất cả những đơn vị đào tạo không liên kết với doanh nghiệp với nơi cần nguồn cung lao động chất lượng. Có những cơ sở đào tạo nhận đào tào theo yêu cầu, theo tiêu chí của doanh nghiệp để có đội ngũ nhân lực đạt yêu cầu. Xét tổng thể, nguồn nhân lực sau khi ra trường đều được các doanh nghiệp, công ty đào tạo lại từ đầu vì thực tiễn công việc phát sinh nhiều vấn đề và nhiều kỹ năng ngoài giáo trình đã được dạy.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là khâu quản lý Giáo dục và Đào tạo còn lỏng và chữa sát sao. Để giáo dục phát triển theo nhu cầu, theo mong muốn của thị hiếu đám đông mà quên đi quy luật cung cầu nguồn nhân lực trong xã hội. Từ đó khiến cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong khi các doanh nghiệp vẫn đang rất thiết hụt thợ tay nghề cao, sâu chuyên môn. Công tác đào tạo nghề và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chưa được chú trọng đúng mức gây ra tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu” rất lãng phí cho xã hội và nhà nước.
Tiếp theo là cơ chế chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo còn chưa chặt chẽ. Nhất là những nhân tài có trình độ về khoa học kỹ thuật đang bị lão hóa từng ngày khi chưa có lớp kế cận vượt trội. Thực tế chưa có những chính sách, cơ chế để lớp nhân lực đó có điều kiện cập nhật kiến thức mới, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp đi sau. Đây là những vẫn đề còn tồn tại trong nhiều năm chưa được giải quyết triệt để.
Khi kinh tế hội nhập sâu nguồn nhân lực không chỉ lao động, học tập nghiên cứu trong nước mà cả ở nước ngoài. Việc giáo dục và đào tạo trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của các công ty nước ngoài sẽ là trở lực cho sự phát triển của đất nước. Số lượng người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động ngày một tăng, nhưng nguồn nhân lực đó chỉ có thể làm những công việc tay chân, ít phức tạp và càng khó tiếp cận với các công nghệ khoa học hiện đại của thế giới. Vì họ chưa được giáo dục và đào tạo chuẩn kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu là xuất khẩu lao động làm công nhân thì ít ra phải có kỹ năng tay nghề thành thạo. Những thực tiễn ở các trường dạy nghề dạy lý thuyết nhiều hơn thực hành làm sao người học có kỹ năng tay nghề.
Đó là những lỗ hổng xuất phát từ giáo dục đào tạo. Giáo dục và đào tạo mới chỉ dừng ở mức nâng cao dân trí cho người học thêm kiến thức và hiểu biết những chưa thực sự đào tạo được nhân lực, xa hơn là bồi dưỡng được nhân tài cho quốc gia. Để khắc phục và giải quyết những tồn tại trên cần có những giải pháp bắt nguồn từ gốc rễ Giáo dục và Đào tạo.
Giải pháp cho những hạn chế về Giáo dục và Đào tạo
Thứ nhất, nhìn nhận lại nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội để hướng Giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu đó. Ban đầu giải quyết bài toàn thừa thiếu nhân lực. Tiếp đó tạo động lực phát triển kinh tế thông qua nguồn nhân lực được giáo dục đào tạo bài bản làm ra của cải vật chất. Khi Giáo dục đi đúng hướng sẽ mang lại nguồn lợi và chính nguồn lợi đó sẽ tự nuôi bộ máy giáo dục và từng ngày cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo.
Thứ hai, cần có cơ chế chính sách về giáo dục chặt chẽ hơn hạn chế những tiêu cực trong thi cử cũng như nạn học giả, bằng giả. Bên cạnh đó có cơ chế phù hợp với những người có chuyên môn về khoa học kỹ thuật để học tiếp tục cống hiến và truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo lớp nhân lực kế cận. Thời gian gần đây dư luận đồng tình với đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bắt đầu thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Theo đó tuổi nghỉ hưu của nam là từ đủ 62 tuổi, tuổi nghỉ hưu của nữ từ đủ 60 tuổi. Vì dân số Việt Nam đang già hóa từng ngày. Trước đây mỗi năm có đến 1,5 – 1,7 triệu người tham gia vào thị trường lao động, nay giảm xuống còn khoảng 800,000 người mỗi năm.
Các bậc giáo dục Đại học, sau đại học nên có sự chuẩn hóa và liên thông hiện đại để hoàn thiện. Gắn việc đào tạo với nghiên cứu khoa học từ thực tế. Hạn chế những đề tài khoa học chỉ thiên về lý thuyết suông. Đổi mới phương thức nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới lớp nhân lực tương lai có chuyên môn sâu và thực tiễn cao.
Thứ ba, Giáo dục và Đào tạo nên có sự kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chương trình đào tạo sát thực và đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Sự kết hợp mang lại cho người dạy và người học trải nghiệm thực tế đồng thời doanh nghiệp có được nhân lực chất lượng như họ mong muốn. Đó là quan hệ tương hỗ hai chiều cùng có lợi. Điều này rất có lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình tình hình kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng thế giới.
Thứ tư, phát triển Giáo dục và Đào tạo luôn gắn với xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thông qua giáo dục và đào tạo xây dựng lên nhân cách, phẩm chất đạo đức con người cũng như kỹ năng sống và làm việc trong một cộng đồng. Giáo dục giúp bảo tồn văn hóa cốt cách tâm hồn con người Việt. Một quốc gia luôn giữ được Văn hóa sẽ không bao giờ mất nước. Văn hóa là giá trị tồn tại bền bỉ nhất ngay cả khi mọi thứ đã biến mất. Có nền tảng văn hóa Việt Nam “đậm đà bản sắc dân tộc” là khiên chắn vững chắc nhất trước mọi sự xâm lăng văn hóa ngoại lai từ bên ngoài. (Văn hóa ngoại lai luôn dễ gây ra những xáo trộn bất ổn an ninh chính trị trong xã hội)
Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa Giáo dục và Đào tạo để khơi dậy các nguồn lực phát triển giáo dục trong nước. Đồng thời có biện pháp ngăn ngừa hiện trạng thương mại hóa giáo dục. Giáo dục và đào tạo mục đích để xây dựng con người có những giá trị đạo đức, phẩm chất cao quý tiếp đó là kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn khoa học sâu rộng. Nếu đạo đức và phẩm giá con người đem ra làm thương mại thì nền tảng văn hóa xã hội sẽ lung lay bởi “sức mạnh đồng tiền”.
Tóm lại Giáo dục và Đào tạo phải được đặt đúng với vị trí của nó như Đảng và Nhà nước đã khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Chưa đặt đúng vị trí mọi hành động, mọi lỗ lực chắp vá sửa đổi chỉ làm rối cả hệ thống giáo dục. Đó không chỉ là dạy và học đơn thuần, mà còn là vận nước và đời sống người dân trong tương lai.
Han Cao