+
Aa
-
like
comment

Năm mảnh ghép làm rõ bức tranh cuộc biểu tình rung chuyển nước Mỹ

08/06/2020 16:21

Hơn một tuần qua, các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông da đen bị cảnh sát khống chế.

Năm mảnh ghép làm rõ bức tranh cuộc biểu tình rung chuyển nước Mỹ

George Floyd, 46 tuổi, bị bắt tại thành phố Minneapolis vào ngày 25/5 vì cáo buộc dùng tiền giả để mua một gói thuốc lá. Anh đã chết sau khi bị một sĩ quan cảnh sát da trắng ấn đầu gối chặn trên cổ gần 9 phút, mặc dù liên tục cầu xin và nói rằng mình không thể thở được.

Viên cảnh sát, Derek Chauvin, 44 tuổi, đã bị đuổi việc và buộc tội giết người. Ba cảnh sát khác có mặt tại hiện trường cũng bị cách chức và buộc tội đồng phạm.

su kien george floyd, bieu tinh phan biet chung toc o My anh 1
Người biểu tình tưởng nhớ George Floyd. Ảnh: BBC

Biểu tình và bạo động đã nổ ra trên cả nước. Cảnh sát sử dụng hơi cay và vũ lực chống lại người biểu tình và Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đưa quân đội vào can thiệp.

Tờ BBC của Anh đã xem xét một số khía cạnh của bối cảnh giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về những gì đang xảy ra.

1. Bạo lực cảnh sát và hệ thống tư pháp

Gần đây đã có rất nhiều trường hợp người Mỹ gốc Phi bị giết bởi lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ.

Các trường hợp trong những năm gần đây bao gồm Philando Castile, Terence Crutcher, Michael Brown và Alton Sterling. Trong những vụ việc này, các cảnh sát viên không bị kết án về bất kỳ hành vi phạm tội nào.

“Tôi đã nghe quá đủ những tin tức về việc người da đen bị hại chết”, một người biểu tình ở Washington D.C nói. “Tôi mệt mỏi khi cứ sợ hãi chỉ bằng việc bị cảnh sát chặn lại”.

Vụ việc George Floyd được so sánh với cái chết của Eric Garner vào tháng 7/2014.

Garner, 43 tuổi, có con 6 tuổi, đã bị bắt ở New York vì nghi ngờ bán thuốc lá cuộn. Trong video được ghi lại bởi một người qua đường, cảnh sát da trắng Daniel Pantaleo đã kẹp tay quanh cổ Garner khiến anh ngạt thở.

Garner mắc chứng hen suyễn và đã được liên tục nói “Tôi không thở được” trước khi bất tỉnh. Anh chết trong bệnh viện sau đó.

Toà án từ chối kết án sĩ quan cảnh sát tội giết người.

Vụ án đã khơi dậy làn sóng biểu tình trên cả nước, nhưng viên cảnh sát không bao giờ phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc hình sự nào và chỉ mất việc vào năm 2019, tận 5 năm sau cái chết của Garner.

Trong trường hợp của George Floyd, tốc độ mà các sĩ quan tham gia bị sa thải, Derek Chauvin bị bắt và kết tội có phần bất thường.

su kien george floyd, bieu tinh phan biet chung toc o My anh 2
Derek Chauvin bị bắt và kết tội giết người. Ảnh: BBC

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói các cuộc biểu tình về cái chết của Floyd thể hiện “sự thất vọng chính đáng và hợp pháp đối với một thất bại kéo dài hàng thập kỷ để cải cách ngành cảnh sát và hệ thống tư pháp hình sự nói chung”.

Dữ liệu đối chiếu bởi nhóm Kiểm tra thực tế của BBC đã làm rõ trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi khác với người Mỹ da trắng như thế nào trong các vấn đề liên quan đến luật pháp và trật tự.

Năm 2019, người Mỹ gốc Phi chiếm chưa đến 14% dân số nhưng chiếm hơn 23% trong số hơn 1.000 vụ bắn chết người của cảnh sát.

Người Mỹ gốc Phi bị bắt vì lạm dụng ma túy với tỷ lệ cao hơn nhiều so với người Mỹ da trắng mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ sử dụng ma túy ở mức tương tự cho cả hai nhóm.

Năm 2018, người Mỹ gốc Phi chiếm gần một phần ba số phạm nhân đi tù của đất nước.

Điều này có nghĩa là có hơn 1.000 tù nhân người Mỹ gốc Phi trong các nhà tù liên bang hoặc tiểu bang trên mỗi 100.000 người Mỹ gốc Phi, trong khi chỉ có khoảng 200 tù nhân da trắng cho mỗi 100.000 người Mỹ da trắng.

Dữ liệu từ Minneapolis, nơi Floyd sống, cũng phản ánh những xu hướng thực thi pháp luật tương tự.

2. Vụ việc không xảy ra riêng lẻ

Cái chết của George Floyd không xảy ra đơn lẻ. Nó xuất hiện ngay sau một vài vụ việc khác chỉ trong vài tuần gần đây đã gây ra những cuộc tranh luận về phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Cùng ngày với cái chết của anh, một đoạn video đã lan truyền trên mạng về một người phụ nữ da trắng ở Công viên Trung tâm New York gọi cảnh sát sau khi một người đàn ông da đen yêu cầu cô dắt chó thay vì thả rông chó đi dạo.

Cuộc chạm trán giữa hai người bắt đầu khi Christian Cooper, một người ngắm chim, lo ngại rằng con chó của người phụ nữ có thể gây nguy hiểm cho động vật tự nhiên trong công viên. Anh đã quay phim Amy Cooper (hai người không có quan hệ thân thích) đe dọa gọi cảnh sát và nói với họ: “Có một người đàn ông Mỹ gốc Phi doạ giết tôi”.

Sau khi gọi cho nhân viên cấp cứu, cô nhắc lại: “Anh ta là người Mỹ gốc Phi” trước khi đề nghị cảnh sát đến.

Bà Cooper bị sa thải và lên án rộng rãi.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với NBC News, ông Cooper đã đề cập đến vụ việc của Ahmaud Arbery, một người đàn ông da đen 25 tuổi, đang chạy bộ khi bị hai người đàn ông da trắng bắn chết hồi tháng Hai. Một người thứ ba đã quay phim vụ nổ súng.

su kien george floyd, bieu tinh phan biet chung toc o My anh 3
Ahmaud Arbery bị hai người da trắng bắn chết khi đang đi chạy bộ hồi tháng 2. Ảnh: BBC.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và gây phẫn nộ.

Phải mất hơn hai tháng các nghi phạm mới bị kết tội.

“Chúng ta sống trong thời đại của những Ahmaud Arbery, nơi những người đàn ông da đen bị bắn chết vì những định kiến của mọi người về đàn ông da đen, về người da đen và tôi sẽ không là một trong số đó”, ông Cooper nói.

3. Khoảng cách kinh tế xã hội, và Covid-19

Khoảng cách về chủng tộc trong xã hội Mỹ cũng phổ biến trong các lĩnh vực khác như nhà ở, chăm sóc sức khỏe và việc làm.

Năm 2016, giá trị ròng của một gia đình người da trắng nhìn chung lớn hơn gần 10 lần so với một gia đình người da đen. So với người Mỹ da trắng, tỷ lệ người Mỹ gốc Phi không có bảo hiểm y tế gần như gấp đôi.

Người Mỹ gốc Phi cũng thường làm việc trong ngành công nghiệp dịch vụ và sống ở các khu vực đông dân cư hơn.

Những vấn đề này đã góp phần khiến người Mỹ gốc Phi bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, xảy ra cùng lúc với các cuộc biểu tình về Floyd. Khám nghiệm tử thi George Floyd kết luận anh cũng nhiễm Covid-19, mặc dù điều này không liên quan tới cái chết của anh.

Theo dữ liệu gần đây nhất của chính phủ, hơn 34% người nhập viện vì Covid-19 là người da đen, trong số 19.775 trường hợp có sẵn dữ liệu về chủng tộc và sắc tộc.

Thành phố New York đã ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn đáng kể ở người Mỹ gốc Phi so với người Mỹ da trắng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong đại dịch, như lâu nay, cũng cao hơn ở người Mỹ gốc Phi so với người Mỹ da trắng. George Floyd mất việc làm do dịch bệnh.

“Virus thì không phân biệt đối xử, nhưng các chính sách về nhà ở, kinh tế và chăm sóc sức khỏe của chúng ta thì có”, Andre Perry, một thành viên Viện Brookings và tác giả của cuốn sách “Know Your Price: Valuing Black Lives and Property in America’s Black Cities” (tạm dịch: Biết giá bản thân: Định giá cuộc sống và tài sản của người da đen đen ở các thành phố người da đen ở Mỹ).

“Môi trường phân biệt chủng tộc, nhà ở giá cắt cổ, thiếu việc làm, nghèo đói và y tế nghèo nàn là những điều kiện xã hội tiềm ẩn, bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các chính sách, khiến người da đen và khu vực sinh sống của họ bị đe doạ”.

su kien george floyd, bieu tinh phan biet chung toc o My anh 4
Người biểu tình ở Minneapolis. Ảnh: BBC.

Sự bất bình đẳng kinh tế xã hội như vậy cũng tồn tại ở Minneapolis, thành phố nơi Floyd chết và là nơi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Minneapolis có dân số khoảng 430.000 người, trong đó chưa đến 20% là người da đen.

Ngay cả trước khi sa thải hàng loạt xảy ra do đại dịch, 10% người dân da đen của Twin Cities of Minneapolis và St Paul thất nghiệp so với chỉ 4% người da trắng.

Năm 2016, 32% người da đen sống ở đây đã tụt xuống dưới mức nghèo khổ so với 6,5% người da trắng.

Các khu vực dân cư có sự phân hoá cao và tỷ lệ sở hữu nhà của người da đen thuộc loại thấp nhất trong cả nước.

“Thái độ của một cảnh sát đè đầu gối vào gáy người đàn ông da đen khiến anh ta ngạt thở cũng chính là thái độ của những người hoạt động trong thị trường nhà ở khiến khoảng cách về tỷ lệ sở hữu nhà ở giữa người da trắng và người da đen của khu vực lên tới 46% so với 79%”, ông Perry nói.

4. “Nhân tố” Tổng thống Trump

Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump bắt đầu bằng các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc.

Cuộc tuần hành của phụ nữ vào tháng 1/2017 đã khiến hàng trăm nghìn người Mỹ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa. Sau cái chết của George Floyd, các cuộc biểu tình ở thủ đô của đất nước, và trên cả nước, đã có lúc trở thành bạo động. Và trong khi các sự kiện năm 2017 là phản ứng trực tiếp với chiến thắng của ông Trump, làn sóng phản đối mới nhất, yêu cầu giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và chính sách bất công, không đặc biệt chĩa mũi dùi vào tổng thống.

su kien george floyd, bieu tinh phan biet chung toc o My anh 5
Tổng thống Trump chụp ảnh với một cuốn Kinh thánh trước nhà thờ gần Nhà Trắng. Ảnh: BBC.

Tổng thống lại phản ứng mạnh với cuộc biểu tình, trong khi nguyên nhân sâu xa của làn sóng biểu tình vì Floyd vốn đã có trước nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Ông đã lặp lại cam kết tái thiết lập “pháp luật và trật tự” mà ông Richard Nixon đã sử dụng thành công trong các chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1968 và 1972. Quyết định gây tranh cãi của ông Trump trong việc ứng phó với người biểu tình và việc ông chụp ảnh với một cuốn Kinh thánh trước nhà thờ gần Nhà Trắng phần nào cho thấy mong muốn lấy lòng những cử tri với lá phiếu mà ông cần vào tháng 11.

5. Quân sự hóa lực lượng cảnh sát

Các cuộc biểu tình vì George Floyd đã hướng sự chú ý đến việc cảnh sát được sử dụng trang thiết bị quân sự. Mặc dù hình ảnh về các phương tiện quân sự được sử dụng để kiểm soát bạo động có thể gây sốc cho nhiều người, đó không phải là điều gì lạ lẫm ở Mỹ.

Bộ Quốc phòng đã khởi động chương trình cho phép chuyển các thiết bị quân sự dư thừa cho các sở cảnh sát từ những năm 1990, ưu tiên sử dụng trong phòng chống buôn bán ma túy và chống khủng bố.

Đến nay, hơn 8.000 cơ quan thực thi pháp luật liên bang và tiểu bang đã tham gia chương trình này.

su kien george floyd, bieu tinh phan biet chung toc o My anh 6
Cảnh sát Mỹ được trang bị nhiều thiết bị và vũ khí quân sự. Ảnh: BBC

Chương trình được giám sát bởi Cơ quan Hậu cần Quốc phòng, có quyền quyết định cuối cùng về chủng loại và số lượng thiết bị được cung cấp cho các cơ quan khác nhau. Không có quy định rõ các thiết bị nên được sử dụng như thế nào.

Dữ liệu cho thấy các thiết bị quân sự dôi dư được chuyển đến các cơ quan thực thi pháp luật địa phương theo chương trình 1033 đã tăng lên từ giữa những năm 2000, và thậm chí tăng đột biến sau năm 2010.

Tính đến năm 2015, số thiết bị quân sự trị giá hơn 5 tỷ USD đã được phân phối cho các cơ quan thực thi pháp luật theo chương trình này.

Paul Poast, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết trước những năm giữa thập niên 2000, nhiều thiết bị quân sự của Mỹ “đơn giản là không thể sử dụng trong việc thực thi pháp luật”.

“Khi bắt đầu cuộc chiến chống nổi dậy ở Iraq và Afghanistan, các nhà sản xuất vũ khí bắt đầu phát triển những loại mà người ta nói là có “tính năng kép”: vừa có thể sử dụng chống bạo loạn đô thị, vừa có thể sử dụng bởi cơ quan thực thi pháp luật đô thị.

“Sự gia tăng bắt đầu từ những năm 2010 có thể được giải thích bởi sự phổ biến của thiết bị và việc Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Iraq. Với nhu cầu về vũ khí giảm xuống ở Iraq, chỗ thiết bị đó cần phải đi đâu đó”, ông nói.

Cựu tổng thống Barack Obama đã cấm quân đội bàn giao một số loại thiết bị sau khi dư luận chỉ trích cảnh sát đã quá nặng tay trong việc đối phó với các cuộc biểu tình ở Ferguson, Missouri, sau vụ một thiếu niên da đen không vũ trang bị giết vào năm 2014.

Nhưng ông Trump đã dỡ bỏ các hạn chế vào năm 2017.

su kien george floyd, bieu tinh phan biet chung toc o My anh 7
Người biểu tình ở Portland, Oregon mô phỏng tư thế của George Floyd khi bị cảnh sát đè ngạt thở. Ảnh: BBC.

Các thiết bị được luân chuyển theo chương trình bao gồm máy bay, xe bọc thép và mũ chống đạn.

Ông Poast nói việc cảnh sát sử dụng thiết bị quân sự là một ví dụ điển hình cho việc các chiến dịch chống nổi dậy quy mô lớn ở nước ngoài có thể ảnh hưởng đến chính sách an ninh trong nước như thế nào.

Khánh Linh/ZN

Bài mới
Đọc nhiều