+
Aa
-
like
comment

Nam công chức ở Huế mặc áo dài ngũ thân để ‘giữ gìn nếp xưa’

11/09/2020 08:23

Ba ngày trước, lần đầu tiên công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài đến công sở, trên áo có tấm thẻ bài với 4 chữ “nguyên phong chấp sự”, nghĩa là giữ gìn nếp xưa.

Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên ở Thừa Thiên Huế triển khai việc nam công chức mặc áo dài đến công sở.

Nam công chức ngành văn hóa Huế trong trang phục áo dài. Ảnh: Thanh Phong
Nam công chức ngành văn hóa Huế trong trang phục áo dài. Ảnh: Thanh Phong

Anh Trần Hữu An, cán bộ Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, cho biết sau hội thảo ” Huế – Kinh đô áo dài của Việt Nam” hồi đầu tháng 7/2020, ngành văn hóa Huế đã kêu gọi cán bộ, công chức trong đơn vị may đồng phục áo dài để “giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc”.

Sau đó, anh An và các cán bộ văn phòng Sở đã tự nguyện đăng ký, đóng góp kinh phí may áo dài. Sau nhiều lần tham khảo mẫu trang phục, nữ chọn áo dài màu tím có họa tiết hoa sen phía trước; cán bộ nam thì đặt may áo dài ngũ thân màu xanh đậm, quần trắng. Nam công chức sẽ mang tấm thẻ bài với 4 chữ nho là “nguyên phong chấp sự”, tức là giữ gìn nếp xưa.

“Lần đầu mặc áo dài ngũ thân truyền thống, tôi thấy trang phục này gọn gàng, thoáng mát, không bất tiện như nhiều người nghĩ và không kém phần trang trọng”, anh An nói và cho hay kinh phí may bộ áo dài khoảng 800.000 đồng.

Ngoài Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, hiện chưa cơ quan nào khác ở tỉnh này triển khai cho nam công chức mặc áo dài đến công sở. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, như Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, đã có công chức tự đi may bộ áo dài ngũ thân.

Anh Võ Vinh Quang, cán bộ phòng nghiên cứu Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết “vừa qua tôi đi may một bộ áo dài, về mặc thấy rất thoải mái và đã đưa lên trang cá nhân trên mạng xã hội để mọi người xem”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, nam công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở là “đáng khuyến khích”.

Theo ông Hoa, áo dài mà nam công chức ngành văn hóa Huế mặc là áo dài ngũ thân kế thừa từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và được vua Minh Mạng đưa thành quốc phục sau chuyến tuần du ra Bắc; trang phục này vừa được sử dụng trong các sự kiện quan trọng vừa để mặc hàng ngày.

“Lâu nay mọi người quen với việc phụ nữ mặc áo dài mà quên mất đàn ông Việt Nam từng có áo dài riêng. Gần đây chiếc áo dài đã đại diện cho bản sắc văn hóa của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế. Một số đại sứ Việt Nam ở nước ngoài như đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận nhiều lời khen từ lãnh đạo các nước khi mặc áo dài truyền thống trong hoạt động ngoại giao” ông Hoa nói.

Nhà nghiên cứu cho rằng, với việc Huế đang xây dựng là thành phố di sản văn hóa của Việt Nam, không chỉ nam công chức Sở Văn hóa Thể thao mà các đơn vị khác như Trung tâm bảo tồn di tích, Bảo tàng… cũng nên mặc áo dài ngũ thân đến công sở ít nhất một ngày trong tháng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trong trang phục áo dài ngũ thân. Ảnh: Võ Thạnh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trong trang phục áo dài ngũ thân. Ảnh: Võ Thạnh

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt (Hà Nội, chia sẻ ủng hộ nam công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài truyền thống đến công sở.

“Nếu không có những người tiên phong như ngành văn hóa Huế thì việc khôi phục, đưa áo dài truyền thống trở lại đời sống trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn”, ông Bình nói và hy vọng Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam đưa chiếc áo dài ngũ thân trở lại đời sống thường nhật, “đúng vị thế từng có”.

Võ Thạnh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều