+
Aa
-
like
comment

Liệu Fed sẽ “giảm tốc” hay tiếp tục cứng rắn với cuộc chiến chống lạm phát?

Huy Hoàng - 19/12/2022 15:44

Ngay sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết đã đến lúc Fed cần giảm tốc độ tăng lãi suất, một loạt số liệu về kinh tế Mỹ công bố mới đây tiếp tục cho thấy sự tích cực. Tâm lý thị trường vừa phấn chấn liền bi quan trở lại. Sự lo ngại cũng đã tăng lên khi thị trường đang phân vân rằng với những số liệu được công bố vừa qua có làm cho Fed mạnh tay nâng lãi suất trở lại?

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Viện Brookings ngày 30/11.

Tuần trước báo cáo việc làm Mỹ cho thấy sự tích cực rõ rệt, theo đó có 263.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 11, mức tăng lớn hơn nhiều so với con số dự báo 200.000. Tiền lương bình quân theo giờ cũng cao hơn dự báo, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù ban đầu, nhà đầu tư vẫn tin vào những gì Chủ tịch Fed đã nói, bất chấp những tín hiệu trên bị thị trường coi là tin xấu. Tuy nhiên, sau khi số liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ được công bố vào tối 9/12 vừa qua, lo ngại đối với cơn bão từ Fed đã trở lại.

Chỉ Số Giá Sản Xuất (Producer Price Index – PPI) là chỉ số đo lường sự thay đổi trong giá hàng hóa được bán bởi các nhà sản xuất. Nó là chỉ báo hàng đầu về lạm phát giá tiêu dùng, vì chiếm phần lớn trong lạm phát tổng thể. Và dữ liệu mới công bố cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng trước, cao hơn mức dự báo 0,2%. Dữ liệu PPI tăng, đồng nghĩa lạm phát tại Mỹ vẫn có động lực tăng. Và như chúng ta biết, lạm phát chính là cái gai trong mắt Fed, do đó chừng nào cái gai này chưa được nhổ, Fed vẫn sẽ còn rất khó chịu và hung hăng.

Vấn đề chính vẫn là ở lạm phát, nếu nó không giảm, đồng nghĩa mọi sự phấn chấn đều có thể bi quan trở lại. Vấn đề là lạm phát ở Mỹ hiện đã bước vào xu hướng giảm hay chưa vẫn là câu hỏi để ngỏ. Vì hiện nay, nhiều vấn đề bất ổn vẫn tiếp tục nảy sinh, trong đó có thị trường dầu thế giới. Nếu Mỹ nắm giữ đồng USD thì các quốc gia Trung Đông lại nắm giữa vai trò điều tiết giá của thị trường dầu. Sự thiếu vắng kết nối giữa hai khu vực này là nguyên nhân khiến các nhà kinh tế khó có thể dự đoán chính xác khi nào lạm phát tại Mỹ sẽ giảm về mức 2%.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đối tác trong tương lai có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhằm ngăn đà trượt dốc gần đây của giá dầu và cân bằng thị trường. Lạm phát là vấn đề của riêng nước Mỹ, còn với OPEC giá dầu mới bận tâm lớn nhất với họ. Đó là còn chưa kể việc châu Âu mới đây áp giá trần dầu Nga đã gây ra sự thù địch và hỗn loạn trên thị trường dầu.

Sau khi số liệu PPI được công bố tối qua, xác xuất Fed sẽ nâng lãi suất lên 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tiếp theo cũng đã tăng lên 91%. Đáng nói hơn, điều mà thị trường quan tâm giờ đây không chỉ là bước nhảy điểm 50 hay 75 phần trăm nữa, mà còn là mức trần lãi suất sẽ là bao nhiêu, cũng như thời gian thắt chặt sẽ kéo dài bao lâu.

Trong bài phát biểu về triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Mỹ tại Viện Brookings ở Washington DC hôm 30/11, ông Powell cũng không quên cảnh báo rằng chính sách tiền tệ của Fed có thể duy trì trạng thái thắt chặt trong một khoảng thời gian, cho tới khi có những dấu hiệu thực sự về sự xuống thang của lạm phát. Và như chúng ta đã biết, triển vọng giảm lạm phát vẫn chưa rõ ràng vì những bất ổn toàn cầu vẫn tiếp tục có dấu hiệu leo thang. Theo Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia cho rằng lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh, tuy nhiên sẽ có rất nhiều thử thách trong quá trình đưa nó về mục tiêu 2%. Đồng nghĩa nó sẽ giảm chậm hơn mức mà các nhà đầu tư kỳ vọng.

Mặt khác, với những dữ liệu kinh tế khả quan như vừa qua, dường như nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang tiếp thêm động lực để Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Do đó, Fed càng có thời gian để duy trì chính sách thắt chặt của mình, mặc dù việc tăng mức lãi suất sẽ chậm lại hoặc không tăng thêm. Tác động tiêu cực của việc này lớn đến mức nào còn tùy thuộc vào việc Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong bao lâu. Và chưa một ai biết được liệu Fed sẽ giữ chính sách thắt chặt đó trong bao lâu.

Do đó, các nền kinh tế cần chuẩn bị tinh thần sống chung trong môi trường lãi suất cao, áp lực trả nợ và suy thoái. Giờ đây, giữa các nước không chỉ còn là cuộc đua về tăng trưởng nữa, mà còn là xem nền kinh tế nào chống chịu được tốt hơn và lâu hơn.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều