+
Aa
-
like
comment

Năm 2021, hơn 3.000 nhân viên y tế nhiễm Covid-19, trong đó hơn 10 người tử vong

21/01/2022 17:14

Ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, hơn 3.000 nhân viên y tế đã lây nhiễm Covid-19 và đã có 10 người tử vong.

Ngày 20/1, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2021 với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, dịch Covid-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo.

 Tiếp tục có nhiều nhân viên y tế phải chống dịch Covid-19 không được về nhà ăn Tết

Trong dịch bệnh đầy thách thức, ngành Y tế đã luôn tham mưu đúng đắn các quyết sách cho Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp về các biện pháp phòng, chống dịch.

Với yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, ngành Y tế đã huy động tổng lực, chưa từng có từ trước đến nay với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tết này, nhiều cán bộ y tế tiếp tục đi chống dịch COVID-19, không được ở bên gia đình - Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Minh (Bộ Y tế)

“Chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam.

Hầu hết các nhân viên y tế tại các địa phương có dịch vẫn đang miệt mài làm việc và có gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp mắc đã mất do mắc Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ…”- GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, vào Tết Nguyên đán năm ngoái, khi đợt dịch thứ 3 bùng phát, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trên cả nước phải xa nhà chống dịch, không được đón Tết cùng gia đình. Năm nay, tiếp tục sẽ lại có nhiều nhân viên y tế không thế về nhà đón Tết.

Triển khai những giải pháp chống dịch Covid-19 chưa từng có

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin các giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được Bộ Y tế triển khai.

Bộ Y tế đã thành lập các Sở chỉ huy tiền phương, đưa lãnh đạo các vụ, cục xuống tận quận huyện của TP. HCM và các tỉnh phía Nam; giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập 11 trung tâm hồi sức tại các tỉnh miền Nam trong thời gian ngắn kỷ lục, thành lập hàng ngàn các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo thực tiễn.

Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 170 triệu liều vaccine, trong đó tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine Covid-19 hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của WHO.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ năm 2022, dịch Covid-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày.

3000 nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19, trong đó hơn 10 người tử vong - Ảnh 2.
3.000 nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19, trong đó hơn 10 người tử vong. (Nhân viên y tế bệnh viện Việt Đức tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM . Ảnh: Ngô Hải Sơn

Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao.

Theo Bộ trưởng, tốc độ lây nhiễm của biến chủng Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên số mắc tăng rất nhanh, có thể gây quá tải hệ thống y tế.

“Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch”, Bộ trưởng cho biết.

Do đó, ngành y tế xác định nhiệm vụ năm 2022 là ưu tiên hàng đầu cho công tác chống dịch Covid-19.

Cụ thể: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong như: nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc Covid-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong như: nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc Covid-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Ngọc Sơn

Bài mới
Đọc nhiều