Năm 2020, Việt Nam thành công trong kiểm soát lạm phát
Kết thúc năm 2020, kinh tế Việt Nam đã có điểm sáng với tốc độ tăng trưởng khả quan, các chỉ số vĩ mô được đảm bảo. Trong đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã và sẽ được khống chế ở mức tăng dưới 4% như Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, kinh tế Việt Nam đã có điểm sáng với tốc độ tăng trưởng khả quan, các chỉ số vĩ mô được đảm bảo. Trong đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã và sẽ được khống chế ở mức tăng dưới 4% như Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
GDP năm 2020 tăng 2,91%
Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020 diễn ra chiều 27-12, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
GDP quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020. Dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tạo động lực cho nền kinh tế nên GDP quý IV/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý III/2020, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất 5,60%. Về sử dụng GDP quý IV/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,29%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,25%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.
GDP năm 2020 tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%) trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội là thành công lớn của Việt Nam.
“Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019. Tính chung quý IV/2020, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý IV/2019.
Lý giải chỉ số CPI tháng 12 tăng, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho chỉ số CPI tăng 0,1%.
Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Ở góc độ điều hành vĩ mô, Chính phủ luôn chỉ đạo đúng đắn, kịp thời nhằm khống chế đà tăng CPI ngay từ đầu năm.
Cụ thể, Chính phủ triển khai hàng loạt gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tác động tiêu cực của dịch COVID-19 như giảm giá điện; bảo đảm cung – cầu thịt lợn, kiềm chế đà tăng giá… góp phần đáng kể vào mục tiêu khống chế lạm phát.
Xuất khẩu, điểm sáng của nền kinh tế
Trong bức tranh chung của nền kinh tế, năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (TCTK) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm nay đã thiết lập kỷ lục mới với 543,9 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất từ trước đến nay, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2020, đồng thời sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trong năm 2021.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, giảm.
Nhóm hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD. Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD.
Bức tranh kinh tế – xã hội 2020 được Tổng cục Thống kê chỉ rõ cũng đã cho thấy rõ Việt Nam đã có sức chống chịu tốt và thành quả này sẽ làm các nhà đầu tư thế giới và Việt Nam lạc quan hơn vào triển vọng tương lai. Nền kinh tế đã sớm trở lại trạng thái bình thường mới và sự phục hồi kinh tế theo chữ V đã được khẳng định.
Tuy nhiên, năm 2021 đang tới với nhiều khó khăn thách thức phía trước. Các chuyên gia của Tổng cục Thống kê và các chuyên gia kinh tế đồng quan điểm nhấn mạnh cần phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục và chủ động tận dụng cơ hội để đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2021 và tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo.
Theo đó, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, giảm thiểu hơn nữa thủ tục hành chính. Đặc biệt là cần có thêm các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Và nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.
Lưu Hiệp/CAND