Năm 2020 một năm đầy khó khăn thách thức sức mạnh Việt Nam
Thế giới bước vào năm 2020 với sự tàn phá tàn khốc của dịch covid 19. Tính đến ngày 10/09/2020 trên toàn thế giới đã có 28.022.156 bị nhiễm, 908.000 người tử vong . trong đó Việt Nam có 1059 ca nhiễm, 35 ca tử vong và 885 ca đã bình phục. Trong lúc thế giới bước vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Nền kinh tế thế giới sụt giảm nặng nề, nạn thất nghiệp tràn lan trên toàn thế giới. Trong thời khắc khó khăn này Việt Nam cùng một lúc đảm nhận hai vai trò hết sức quan trọng là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch luân phiên Asean nhiệm kì (2020-2021).Vừa oằn mình phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế lo cho đời sống nhân dân vừa bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với cộng đồng quốc tế. Sức mạnh Việt Nam đang thực sự được thử thách đúng tầm và ý chí Việt Nam.
Trong chiến dịch chống đại dịch Covid-19 Việt Nam đã được cộng đồng thế giới coi như một hình mẫu trong ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh. Mặc dù có đường biên giời hàng ngàn km với quốc gia được cho là nơi phát sinh ra dịch bệnh nhưng do chủ động và quyết tâm cao Việt Nam đã ngăn chặn dịch lây lan một cách hiệu quả.
Trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam là một trong những nước cho đến thời điểm này có tốc độ tăng trưởng dương (dự kiến năm 2020 tăng trưởng 2,3%) đời sống nhân dân dù có những khó khăn nhưng vẫn ổn định, các trường học sau một thời gian ngắn gián đoạn nay đã đi vào hoạt động bình thường. Mọi hoạt động xã hội dù đôi khi phải thực hiện giãn cách do có hiện tượng lây nhiễm trong cộng đồng song đời sống xã hội luôn ổn định, không có nhiều xáo trộn. Những người dân có hoàn cảnh khó khăn được nhà nước và cộng đồng hỗ trợ một cách tích cực. Dù rất khó khăn nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn biết tận dụng những cơ hội tốt nhất để phát triển kinh tế, đồng thời khơi dậy lòng ái quốc của nhân dân Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế xã hội năm 2020 diễn biến nhanh chóng phức tạp và rất khó lường. Các cường quốc gia tăng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng xung đột diễn ra trên nhiều khu vực như Trung Đông, Bắc Phi, Tây Phi, Mỹ La Tinh. Tình hình thế giới năm 2020 diễn ra hết sức căng thẳng, xung đột vũ trang, dịch bệnh, môi trường ô nhiễm, nạn khủng bố, cướp bóc càng làm cho thế giới lún sâu vào khủng hoảng , đẩy thế giới đến đỉnh điểm của những xung đột. Trong một thế giới mà biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước , khủng bố, tội phạm luôn là nguyên nhân xẩy ra chiến tranh trong bất kì thời điểm nào đã làm cho thế giới ngày nay các quốc gia luôn phải sống trong những mâu thuẫn cực kì căng thẳng. Mọi thứ đang trở nên rất khó kiểm soát. Trong khi đó đại dịch Covid-19 ngày càng thách thức nhân loại và làm ảnh hưởng trên diện rộng đến đời sống của nhân loại toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó vai trò của Hội hội đồng bảo an liên hợp quốc trong đó có Việt Nam là ủy viên không thường trực trở nên hết sức nặng nề. Để giải quyết những bất ổn hiện nay đòi hỏi Hội đồng bảo an đặc biệt là các ủy viên không thường trực, những thành viên thường trực Hội đồng bảo an và Liên hợp quốc phải điều chính phương thức hoạt động một cách linh hoạt nhằm thích ứng tốt nhất với tình hình đang diễn ra hết sức căng thẳng trên toàn thế giới và đặc biệt tại các khu vực như: Syria, Libya, Iran, Rakhine (Myanmar), Venezuela, Yemen, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, xung đột Israel/Palestine, những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trách nhiệm phần nào đè nặng lên Việt Nam. Tuy nhiên do Việt Nam trải qua hàng thập kỉ chiến tranh, chúng ta hiểu những gì chiến tranh mang lại. Nhờ có nhiều thuận lợi ở vị thế và sự thấu hiểu, nhờ có uy tín cao trong cộng đồng quốc tế và đường lối đối ngoại độc lập Việt Nam đã luôn chủ động tham gia tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”. Nhờ sự chủ động đó cho đến nay Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Sự nỗ lực của Việt Nam đã góp phần không nhỏ tạo dựng môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế.
Là thành viên tích cực của Liên hợp quốc Việt Nam luôn đề cao tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Với những đau thương mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong chiến tranh chúng ta thấu hiểu sự khốc liết và những mất mát không đáng có nếu để xẩy ra chiến tranh nên Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ tìm kiếm giải pháp tranh chấp, xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán. Trên cơ sở đó chúng ta luôn tự tin tham gia một cách chủ động và thực chất trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an. Những hoạt động của Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm và lập trường Việt Nam trong xử lí các mối quan hệ quốc tế là tôn trọng độc lập chủ quyền của các nước thành viên trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đối với các nước trong khối Asean sau 25 năm là thành viên chính thức, chúng ta đã chứng minh cho các nước hiểu Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình hòa hiếu và hợp tác. Chỉ với 25 năm bằng hành động thực tế của mình chúng ta đã xây dựng được lòng tin vững chắc trong cộng đồng Asean. Từ một nước chịu sự bất đồng trong mọi khía cạnh từ các nước do chưa hiểu nhau, chúng ta không những đã mang lại một hình ảnh một Việt Nam thân thiện và gần gũi và trở thành người bạn tin cậy trong một cộng đồng năng động và phát triển bậc nhất thế giới.
Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 với vai trò Chủ tịch luân phiên Asean, Việt Nam đã chủ trì và có nhiều đóng góp cùng cộng đồng Asean ngăn chặn dịch. Việt Nam cũng ủng hộ các nước vật tư y tế, tiền giúp Chính phủ và nhân dân một số nước nhằm hỗ trợ các nước vượt qua khó khăn.
Hiện nay dẫu trong sự nghiệp xây dựng xây dựng và phát triển đất nước chúng ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, song vì hòa bình ổn định trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, Việt Nam đang từng giờ, từng ngày nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành trách nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và chủ tịch luân phiên Asean. Đây không chỉ là vinh dự mà là những thách thức là trách nhiệm lơn lao của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khối Asean nói riêng.
Năm 2020 quả thực là năm vô cùng khó khăn với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, song đây cũng là thử thách sức mạnh Việt Nam trước đòi hỏi của cộng đồng quốc tế. Vơi những gì mà chúng ta đã làm được và những gì chúng ta dự kiến làm nhân dân Việt Nam tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn để là người bạn tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, góp phần tạo nên một thế giới hòa bình ổn định và phát triển.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả