+
Aa
-
like
comment

Năm 2019 – Khi hàng không Việt thực sự mở cửa cho các tay chơi mới

Hoài Nam - 23/12/2019 09:26

Sự góp mặt của Vietjet Air vào năm 2011 là tín hiệu cho một thị trường Việt Nam cởi mở hơn nhưng 2019 mới là năm bầu trời thực sự mở.

Trước năm 2011, đi máy bay còn là một khái niệm xa xỉ với người Việt khi giá vé đắt đỏ, bằng vài tháng lương cơ bản của người lao động thời điểm đó. Hàng không tư nhân tham gia cuộc chơi đã giúp giá vé trở lại mặt đất. Tuy nhiên, trước và sau Vietjet Air, nhiều hãng bay tư nhân đã ra đời rồi tàn lụi chóng vánh.

Thêm tay chơi đủ sức cạnh tranhPhải đến năm 2019, thị trường mới thực sự ghi nhận một doanh nghiệp hàng không tư nhân có sức cạnh tranh đủ tốt. Đầu năm 2019, Bamboo Airways đã có chuyến bay thương mại đầu tiên.

Nam 2019 - Khi hang khong Viet thuc su mo cua cho cac tay choi moi hinh anh 1 5B221A4E-A25A-4945-B103-1E384884509F.jpeg
Sau khi Vietjet Air cất cánh thành công năm 2011, phải tới năm 2019 Việt Nam mới có một hãng hàng không tư nhân có quy mô đáng kể. Ảnh: Ngô Minh.

Trước thời điểm ra mắt, hãng này không được dư luận đánh giá cao, thậm chí cho rằng đây chỉ là tuyên bố suông của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, sau một năm, Bamboo Airways đã khai thác 34 đường bay trong nước và quốc tế, trung chuyển gần 2 triệu lượt hành khách, gần 20.000 chuyến bay.

Thay vì biên chế đội bay nhỏ, ông Trịnh Văn Quyết đã sớm thuê đội bay 10 chiếc vào giữa năm 2019 và đạt 22 chiếc vào cuối năm, trở thành hãng hàng không tư nhân có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên hàng không Việt Nam có hãng bay sở hữu 22 máy bay trong năm đầu hoạt động, và cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác máy bay thân rộng. Hãng cũng thuê đơn vị tư vấn từ Anh để hướng cung cấp dịch vụ định hướng 5 sao.

Dù giá vé của Bamboo Airways thường xuyên ở mức cao nhất thị trường nội địa, trái ngược với tuyên bố trước khi bay của lãnh đạo hãng rằng sẽ đi vào phân khúc nằm giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air, hành khách vẫn có thêm một lựa chọn mới bên cạnh hai ông lớn dẫn đầu về thị phần.

Ba hãng xếp hàng chờ baySau cú cất cánh của Bamboo Airways, hàng loạt các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đã khẳng định sẽ thành lập hãng hàng không để có suất tại thị trường Việt Nam, vốn được đánh giá là thị trường tăng trưởng nhanh thứ 5 thế giới và hấp dẫn hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương.

Có thể kể đến Vingroup với việc thành lập Vinpearl Air. Theo hồ sơ dự án hàng không mà Vinpearl Air gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội, hãng dự kiến bắt đầu bay thương mại vào tháng 7/2020 với 6 máy bay thân hẹp.

Nam 2019 - Khi hang khong Viet thuc su mo cua cho cac tay choi moi hinh anh 2 1_(3).jpg

Sự góp mặt của những doanh nghiệp có nguồn lực vào ngành hàng không hứa hẹn thị trường sẽ có thêm những tay chơi xứng tầm, có khả năng cạnh tranh với các hãng bay hiện tại. Ảnh: Bloomberg.

Cũng theo hồ sơ của doanh nghiệp gửi cơ quan chức năng, trung bình hãng sẽ tăng khai thác thêm 6 máy bay/năm và đến năm 2024 đội bay của hãng sẽ đạt 30 chiếc (bao gồm 21 máy bay thân hẹp và 9 máy bay thân rộng). Đến năm 2026, con số này sẽ là 42 chiếc. Về số máy bay, cơ quan chức năng đã khuyến nghị quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.

Hãng bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng nhanh chóng ra thông báo sẽ tổ chức đào tạo phi công cũng như hàng loạt vị trí khác như tiếp viên, thợ kỹ thuật. Vinpearl Air cũng đã rầm rộ thông báo tuyển nhân sự từ quản lý tới đội bay để kịp kế hoạch bay thương mại vào tháng 7/2020.

Cũng trong năm 2019, ông lớn trong ngành du lịch, lữ hành là Vietravel công bố sẽ mở Vietravel Airlines, dự kiến khai thác 3 máy bay dòng Airbus A320 hay Boeing 737 hoặc tương đương, chính thức bay thương mại từ quý II/2020. Đến năm thứ 5, hãng sẽ nâng tổng số máy bay khai thác lên 8 chiếc.

Một tay chơi khác cũng bất ngờ “xếp hàng ra đường băng” là Kite Air của Thiên Minh Group. Sau khi liên doanh giữa Thiên Minh và AirAsia đổ vỡ, doanh nghiệp này đã quyết định tự mở hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air).

Hãng bay của doanh nhân Trần Trọng Kiên dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý I/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2024), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương. Dự án đặt sân bay căn cứ tại CHK Chu Lai và CHK quốc tế Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư dự án 1.000 tỷ đồng.

Một hãng bay chính thức khai thác thương mại thành công và 3 hãng bay có hậu thuẫn tốt đang chờ để cất cánh, năm 2019 có thể được xem là năm lịch sử của hàng không Việt Nam. Sau 8 năm không có hãng bay mới nào tồn tại được tại thị trường thì việc hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn muốn làm hàng không là dấu hiệu tích cực, bổ sung thêm lựa chọn cho hành khách.

Nếu năm 2011 đánh dấu sự bình dân hóa của di chuyển hàng không thì năm 2019 nhiều khả năng sẽ đánh dấu một bầu trời Việt thực sự mở cửa.

Vẫn còn đó những nỗi lo về quá tải sân bay, thiếu hụt phi công, thợ máy nhưng như nhiều chuyên gia nhận định, đây là những vấn đề cho thấy thị trường đang có sự tăng trưởng mạnh và vẫn còn dư địa cho những tay chơi mới.

Trước đó  ngày 29-5-2019, phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch – đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho Công ty CP Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia đổi tên thành Công ty CP Hàng không Vinpearl Air.

Cùng với việc đổi tên, ngành nghề kinh doanh chính của công ty cũng được thay đổi từ kinh doanh bất động sản sang vận tải hành khách hàng không.

Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia góp vốn 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%.

Ông Phạm Khắc Phương từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl.

Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia – cổ đông lớn nhất của Vinpearl Air – tiền thân là CTCP Phát triển du lịch Nam Hà, được thành lập vào tháng 6-2017.

Hiện tại, cả nước đang có 5 hãng hàng không trên thị trường, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific Airlines, Vasco Airlines.

Hoài Nam (tổng hợp )

Bài mới
Đọc nhiều