Mỹ xoay trục về Đông Nam Á
Theo tờ South China Morning Post, hôm 12/7, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã tuyên bố, Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia Đông Nam Á để đẩy lùi các hành động mang tính “cưỡng ép và vô trách nhiệm” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây được coi là động thái rất kiên quyết của Mỹ trong cuộc đua tranh giành mức độ ảnh hưởng với Trung Quốc tại Đông Nam Á. Trên thực tế, những biến động của tình hình thế giới thời gian qua đã tác động sâu sắc đến các chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Đông Nam Á – nơi mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được cho là có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược của “Xứ cờ hoa”.
Điều này được lý giải là bởi ASEAN nằm ở vị trí trung tâm kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, ở vùng tiếp giáp giữa Trung Quốc với Ấn Độ và là cửa ngõ đi vào quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á. Không chỉ vậy, ASEAN và các cơ chế do ASEAN xây dựng, dẫn dắt, luôn nhận được sự quan tâm, tin tưởng của các nước, đặc biệt là các nước lớn; Diễn đàn khu vực ASEAN do Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt cũng đã trở thành cơ chế đối thoại quan trọng, quy mô lớn về an ninh, chính trị, xây dựng lòng tin chiến lược với sự tham gia của 27 nước thành viên ở cả trong và ngoài khu vực.
Đặc biệt, ASEAN ngày càng chứng minh được tính năng động cũng như tiềm năng kinh tế của mình, ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng năm 2022, kinh tế ASEAN (GDP toàn khối) ước đạt khoảng 3.300 tỉ USD, vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ 05 thế giới, đứng thứ 03 châu Á. Thời gian gần đây, có nhiều quốc gia muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với ASEAN, trong đó phải kể đến Austrailia và Trung Quốc. Điều đó cho thấy, khu vực này ngày càng trở thành mảnh ghép quan trọng, không thể thiếu trong chiến lược khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, sự quan tâm của các nước đối với khu vực ASEAN đã và đang cho thấy sức hút to lớn của khu vực có vị trí quan trọng này. Vì vậy, Mỹ không thể đứng ngoài cuộc đua tranh giành ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt như hiện nay.
Kể từ khi lên cầm quyền, khác với thời tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump, chính sách ASEAN đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai mạnh mẽ hơn. Trong các văn bản chiến lược, phát ngôn của các quan chức, Mỹ đã nhiều lần khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN cũng như hỗ trợ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điển hình như trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ lần thứ 10 vào 5/2022, Tổng thống Joe Biden khẳng định: “ASEAN giữ vị trí quan trọng, là “trái tim” trong chiến lược khu vực của Mỹ. Đặc biệt, trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) phiên bản mới, Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm, dẫn dắt và giải quyết các thách thức cấp bách ở khu vực của ASEAN; khẳng định tăng cường hợp tác và mở thêm các kênh can dự cấp cao về chống biến đổi khí hậu, năng lượng, giao thông, bình đẳng giới với ASEAN.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng có nhiều hoạt động nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, can dự tích cực và toàn diện hơn các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, như: cử nhân sự cho vị trí đại sứ tại ASEAN sau 05 năm bỏ trống (tháng 9/2021); nối lại việc tham dự các hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN (tháng 10/2021); chủ động đề xuất và tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN tại Nhà Trắng (tháng 5/2022);… Điều đó cho thấy sức hút của “thỏi nam châm ASEAN” đối với Mỹ là không hề nhỏ.
Hơn thế nữa, Mỹ còn mở rộng hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, năng lượng, an ninh hàng hải thông qua việc chú trọng đầu tư nguồn lực cho các hoạt động hợp tác với ASEAN nhằm xóa đi các quan ngại về cam kết thiếu thực chất; coi nền kinh tế ASEAN đóng vai trò tích cực trong quá trình điều chỉnh chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Giới chuyên gia nhận định, chiến lược “phòng bị nước đôi” của ASEAN đến nay vẫn cho thấy tính hiệu quả, thể hiện qua việc cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tăng cường quan hệ với ASEAN, tích cực lôi kéo ASEAN. Trải qua hơn 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN đã chứng tỏ là một tổ chức hữu hiệu để các quốc gia trong khu vực hạn chế tác động tiêu cực của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, trong khi vẫn tranh thủ được những tác động tích cực, góp phần bảo đảm an ninh, hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, khi tình trạng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và cả hai cường quốc đều muốn khẳng định vai trò, ảnh hưởng của mình tại khu vực thì việc giữ được vai trò, vị thế khi các nước thành viên vẫn tiếp tục theo đuổi, duy trì sự trung lập và tự chủ của ASEAN có thể sẽ gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, có thể ASEAN sẽ phải nỗ lực củng cố hơn nữa vai trò tạo dựng “luật chơi”, cung cấp cơ chế để các nước lớn tham gia; điều chỉnh hoặc linh hoạt trong việc áp dụng các nguyên tắc hiện có để duy trì giá trị chiến lược và vai trò trung tâm.
Với tình hình hiện nay, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, duy trì được vị trí trung lập, cân bằng linh hoạt trong quan hệ cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại nhiều thuận lợi, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Lan Hoa