Mỹ xóa Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ
Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/1 đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, dấu hiệu hạ nhiệt giữa hai cường quốc kinh tế sau gần hai năm thương chiến.
Chỉ hai ngày trước khi Tổng thống Donald Trump dự kiến ký thỏa thuận “giai đoạn 1”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong báo cáo nửa năm lên quốc hội rằng đồng nhân dân tệ đã tăng giá và Bắc Kinh không còn bị coi là thao túng tiền tệ, theo AFP.
Trong thỏa thuận thương mại này, “Trung Quốc cam kết không thực hiện phá giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết trong một thông cáo, theo New York Times.
Báo cáo này là phân tích công khai đầu tiên của phía Mỹ kể từ khi gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc tháng 8/2019.
Nằm trong thỏa thuận thương mại sắp ký
Theo thỏa thuận thương mại mà ông Trump dự kiến ký ở Nhà Trắng ngày 15/1, Trung Quốc và Mỹ đồng ý không phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cho xuất khẩu. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tháng trước cho biết thỏa thuận sẽ gồm một chương về tiền tệ, gồm “các cam kết tiêu chuẩn cao ngăn việc phá giá đồng tiền để giành lợi thế” và các cơ chế thực thi.
Trung Quốc để đồng tệ giảm giá, chạm mức 7 tệ đổi 1 USD, lần đầu tiên trong một thập kỷ, gây chấn động đối với thị trường cổ phiếu vào tháng 8/2019, và khiến Tổng thống Trump tức giận.
Tuy nhiên, đồng tệ đã tăng giá, ở mức 6,93 tệ đổi 1 USD, và Bộ Tài chính cho biết thỏa thuận thương mại sắp được ký đã giải quyết được các lo ngại về tỷ giá.
Tuy vậy, cam kết mới giống hệt cam kết mà Bắc Kinh đã có với nhóm 20 nền kinh tế lớn G20, theo AFP.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vẫn có 8 nước khác trong “danh sách theo dõi” do các lo ngại về hoạt động quản lý đồng tiền, trong đó có Đức, Ireland, Italy, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Thụy Sĩ.
Báo cáo nửa năm ra một lần của Bộ Tài chính Mỹ thường gây chú ý, và thể hiện dấu hiệu trong quan hệ Mỹ – Trung, việc Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ phần lớn mang tính biểu tượng, như một hình thức “lên án công khai”, theo New York Times.
Việc “gắn mác” như vậy sẽ có nghĩa Bộ Tài chính Mỹ phải làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm “loại bỏ lợi thế cạnh tranh không công bằng” mà cách thức quản lý đồng tiền của Bắc Kinh tạo ra, cũng như đối thoại vấn đề đó với Bắc Kinh.
Dù vậy, nhiều nhà kinh tế đặt dấu hỏi về mác thao túng tiền tệ.
Việc cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ là lời hứa tranh cử của Tổng thống Trump. Nhưng trong 5 báo cáo đầu tiên của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã quyết định độc lập với tổng thống, từ chối gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, theo New York Times.
Chỉ đến khi thương chiến gay gắt vào mùa hè năm ngoái, và Tổng thống Trump tiếp tục lấy việc Trung Quốc để đồng tệ rớt giá làm cớ để leo thang thương chiến, ông Mnuchin mới miễn cưỡng đưa Bắc kinh vào danh sách thao túng tiền tệ.
“Họ làm vậy vì lý do chính trị”, Chad P. Bown, chuyên gia thương mại quốc tế ở Viện Peterson ở Washington, nói với New York Times. “Rõ ràng không có cơ sở pháp lý hay kinh tế cho việc đó”.
Gắn mác “thao túng tiền tệ” vì chính trị?
Theo New York Times, trong khi giới chuyên gia đồng ý rằng Trung Quốc đã can thiệp sâu vào tỷ giá cách đây hơn một thập kỷ, nước này trong những năm qua đã để thị trường quyết định tỷ giá trong một khoảng nhất định.
Hầu hết năm qua, các quan chức Trung Quốc thực tế đã cố đẩy giá đồng tệ trong bối cảnh kinh tế chững lại, để ngăn đồng tiền này rớt giá quá nhanh.
“Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, một thước đó quan trọng cho mức độ can thiệp thị trường ngoại hối, khá ổn định trong suốt năm ngoái”, Eswar Prasad, cựu giám đốc đơn vị phụ trách Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nói với New York Times. “Trong khi Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, cán cân tổng gần ở mức cân bằng, càng cho thấy cáo buộc thao túng tiền tệ là thiếu cơ sở”.
“Trung Quốc đáng ra không nên bị cho là thao túng tiền tệ ngay từ đầu. Thặng dư tài khoản vãng lai nhỏ, can thiệp ít”, Mark Sobel, cựu quan chức Bộ Tài chính, viết trên Twitter.
“Đồng tệ rớt giá do thuế của ông Trump. Gắn mác (thao túng tiền tệ) là động thái chính trị”, ông Sobel nói.
Một số quan chức Trung Quốc đã tới Washington ngày 13/1 để hoàn tất thỏa thuận thương mại. Ngoài quy định về tiền tệ, thỏa thuận dự kiến gồm các cam kết từ Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ và mở cửa thêm thị trường, như tài chính, cho các công ty nước ngoài.
Trung Quốc cũng dự kiến sẽ đồng ý bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ. Đổi lại, chính quyền Trump sẽ giảm một phần thuế đánh vào 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Thỏa thuận thương mại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sau thời gian dài tăng trưởng ảm đạm.
Việc đạt được thỏa thuận thương mại cũng sẽ giúp làm xoa dịu quan hệ song phương trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn các đạo luật về dân chủ và nhân quyền liên quan tới Hong Kong và Tân Cương, động thái bị Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt.
Dù hòa hoãn về mặt tiền tệ, chính quyền Mỹ ngày 13/1 tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch rà soát đầu tư nước ngoài, vốn nhắm nhiều tới Trung Quốc.
Bộ Tài chính ban hành quy định mới nhằm thực thi Luật Hiện đại hóa Rà soát Rủi ro Đầu tư Nước ngoài 2018, nhưng miễn các điều khoản chính đối với một số nước như Australia, Canada và Anh.
Hồng Anh (Theo AFP, New York Times)