+
Aa
-
like
comment

Mỹ “vạch mặt” Trung Quốc đã tiếp tay cho chương trình tên lửa của Iran

Ngọc Hoàng - 19/09/2019 14:47

Các quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã cung cấp nhiều công nghệ lưỡng dụng, qua đó có thể giúp cải thiện độ chính xác của các tên lửa mà Iran đang phát triển.

Mỹ "vạch mặt" Trung Quốc đã tiếp tay cho chương trình tên lửa của Iran
Một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran. Ảnh: PressTV

Doanh nhân Trung Quốc bị FBI truy nã

Theo Al-Monitor, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lo ngại rằng các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc đang tiếp tay cho Iran phát triển kho tên lửa bị nghi ngờ là đã được sử dụng trong các cuộc tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia vào ngày 14/9 vừa qua.

Nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu của Công ty Aramco ở Abiqaiq bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái và thậm chí còn khẳng định chúng được phóng đi từ bên trong lãnh thổ Iran.

Vài tuần trở lại đây, Mỹ một lần nữa yêu cầu Trung Quốc phải có biện pháp mạnh tay với một công ty lớn chuyên cung cấp công nghệ nghệ hạt nhân lưỡng dụng cho Iran trước lo ngại gia tăng về việc tuân thủ các thỏa thuận không phổ biến vũ khí của Tehran.

Khi thông báo đưa ra những biện pháp trừng phạt mới với Iran, một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc có liên quan tới hoạt động phát triển các dự án tên lửa đạn đạo đầy nguy hiểm của Tehran.

Cụ thể, ông Tim Morrison – Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình chống vũ khí hủy diệt hàng loạt của Hội đồng Anh Quốc gia Mỹ đã yêu cầu các nước đồng minh phối hợp cùng với Washington lên án Bắc Kinh vì đã dung túng cho một thương nhân buôn bán vũ khí, qua đó góp phần giúp Iran trong các chương trình phát triển vũ khí của nước này.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh cần coi vấn đề này là một ưu tiên”, ông Morrison nói. “Với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là những nước ở vùng Vịnh đang phải đối diện với mối đe dọa từ tên lửa của Iran hàng ngày thì đây nên là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với Trung Quốc”.

Mỹ vạch mặt Trung Quốc đã tiếp tay cho chương trình tên lửa của Iran - Ảnh 1.
Hệ thống tên lửa phòng không di động Bavar-373 do Iran tự phát triển nội địa. Ảnh; Reuters

Nhân vật mà ông Tim Morrison đề cập tới ở đây là doanh nhân người Trung Quốc Li Fangwei, hay còn được biết tới với tên gọi khác là Karl Lee.

Theo một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, khi các tên lửa của Iran ngày càng trở nên chính xác hơn thì giới chức Mỹ càng tỏ ra quan ngại đặc biệt về vai trò của Karl Lee, người bị Mỹ nghi ngờ đã “hỗ trợ Iran phát triển tên lửa tinh vi hơn”.

Việc Lee cung cấp các công nghệ lưỡng dụng đã cho phép Iran phát triển các loại đầu đạn nhiên liệu rắn cũng như nhiên liệu lỏng có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách xa với độ chính xác cao hơn.

Theo đánh giá từ phía Mỹ, các hoạt động của Lee đã tiếp sức cho chương trình vũ khí hạt nhân của Iran và qua đó đẩy mạnh khả năng đe dọa đối với các lực lượng Mỹ trang bị vũ khí thông thường.

Tài liệu lưu trữ của Tạp chí Vice từng viết rằng: “Hãy lấy ngẫu nhiên bất cứ quả tên lửa nào của Iran rồi bóc tách từ bên trong thì khả năng rất cao là bạn luôn tìm được một bộ phận nào đó do Li Fang Wei cung cấp”.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã treo giải thưởng 5 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ được Lee.

Mỹ vạch mặt Trung Quốc đã tiếp tay cho chương trình tên lửa của Iran - Ảnh 2.
Lệnh truy nã Li Fang Wei của FBI

Mỹ “lật mặt” Trung Quốc đã tiếp tay cho Iran

“Các thực thể của Trung Quốc vẫn là những người đóng góp nhiều nhất cho sự tiến triển trong chương trình tên lửa Iran,” Van Diepen, cựu quyền Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ nói.

Theo Van Diepen, chính phủ Mỹ hiểu biết về chương trình tên lửa hành trình của Iran ít hơn so với tên lửa đạn đạo. Ông cũng nói rằng các thực thể Trung Quốc đã cung cấp công nghệ dẫn đường có thể giúp cải thiện độ chính xác của các tên lửa Iran.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, năm ngoái Trung Quốc đã cung cấp các bộ phận tên lửa bị cấm cho Iran, Triều Tiên, Syria và Iran mặc dù nước này cam kết không xuất khẩu công nghệ có khả năng gây chết người như vậy.

Mặc dù Bộ Tư pháp Mỹ đã ra lệnh bắt giữ Lee vào năm 2014 và đã áp dụng các biện pháp trừng phạt trong hơn một thập kỷ nhưng Trung Quốc “chưa có hành động hiệu quả để chấm dứt hoạt động phổ biến vũ khí của ông ta (Lee)”.

Cho dù chính quyền địa phương ở tỉnh Đại Liên, nơi các chuyên gia nghi ngờ là Lee đang lẩn trốn tại đó đã trừng phạt các công ty sản xuất của ông ta vì những vi phạm về môi trường nhưng các công ty này vẫn tiếp tục hoạt động.

Iran đã phóng 6 tên lửa Zolfaghar, loại được cho là đã sử dụng các bộ phận do Trung Quốc cung cấp, vào Syria vào năm 2017 để tiêu diệt các phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng sau khi các cuộc tấn công khủng bố diễn ra ở Tehran.

Tháng 6/2019, Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp kiểm soát mới nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm nhưng những nỗ lực này chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn công nghệ chiến lược rò rỉ ra ngoài biên giới Bắc Kinh.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tỏ ra thất vọng bởi chính phủ Trung Quốc từ chối báo cáo cơ sở dữ liệu hải quan trong năm qua, khiến cho bức tranh rò rỉ công nghệ ngày càng trở nên u ám.

Dan Lee, một nhà nghiên cứu tại Đại học King’s College London, người theo dõi vụ án Karl Lee, nói: “Dường như có một khoảng cách đáng kể khi một cơ quan thực thi pháp luật địa phương đang cố gắng làm điều gì đó đúng đắn nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết”.

“Ở Trung Quốc, không giống như Mỹ, “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, Thomas Countryman, cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền Barack Obama nói. “Một người giàu có như Li Fangwei thường có thể làm chệch hướng bất kỳ hành động nghiêm trọng nào đối với anh ta.”

“Như chúng ta đã thấy từ các sự kiện gần đây, Iran tiếp tục vi phạm các quy tắc quốc tế. Họ đã chọn cách gia tăng sự bất ổn và nguy hiểm trên toàn khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper phát biểu ngày 18/9 trong lúc chính quyền Mỹ đang tìm cách đối phó với các cuộc tấn công ngày 14/9 vừa qua.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều