Mỹ và Trung Quốc kết thúc 4 giờ đàm phán bằng bế tắc và chỉ trích
Cuộc họp quan trọng giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc ở Thiên Tân ngày 26-7 kết thúc mà không có sự đồng thuận cụ thể nào. Hai bên cũng không thảo luận về triển vọng cho cuộc gặp giữa hai ông Joe Biden – Tập Cận Bình.
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, nhà ngoại giao cao cấp số hai của Mỹ, đã có cuộc họp với phái đoàn Trung Quốc ở Thiên Tân.
Cuộc gặp này thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến không tích cực thời gian qua.
Trước ngày họp, Thứ trưởng Sherman mô tả đây sẽ là cuộc gặp “thẳng thắn và cởi mở”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cũng lần đầu tiên đưa ra các yêu cầu cụ thể với Mỹ nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Tuy nhiên, khi cuộc họp kéo dài 4 tiếng này kết thúc, hai bên đã không đạt được một đồng thuận cụ thể nào.
Nguồn tin ngoại giao cấp cao của Reuters trong chính quyền Mỹ tiết lộ Washington và Bắc Kinh không bàn về viễn cảnh cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thay vào đó, đọng lại trên báo chí là những cáo buộc hai bên dành cho nhau.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin Thứ trưởng Tạ Phong khẳng định quan hệ Mỹ – Trung đang bế tắc và đối diện với “những khó khăn nghiêm trọng”. Ông cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc một số nhân vật ở Mỹ đang tả Trung Quốc như một “kẻ thù tưởng tượng”.
Theo tờ China Daily, Thứ trưởng Tạ lưu ý rằng một số người Mỹ mang “khoảnh khắc Trân Châu cảng” và “khoảnh khắc Sputnik” lên bàn đàm phán về mâu thuẫn với Trung Quốc cũng như những thách thức mà người Mỹ đang đối diện.
Thứ trưởng Tạ cũng cho biết một số học giả quốc tế, bao gồm học giả Mỹ, xem điều này như cách so sánh Trung Quốc với Nhật Bản trong Thế Chiến 2, và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, trả lời riêng Hãng tin AP, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman kêu gọi Bắc Kinh đừng chỉ nhìn vào khác biệt, thay vào đó có thể phối hợp với Mỹ ở những vấn đề chung như COVID-19 hay biến đổi khí hậu, và hãy hành xử có trách nhiệm như một cường quốc.
Bà nói: “Có một số chuyện vượt lên trên những khác biệt cụ thể (giữa hai bên), đó là trách nhiệm toàn cầu của một cường quốc”.
Chính quyền Tổng thống Biden trước đó nói mục tiêu của cuộc gặp trực tiếp tại Thiên Tân lần này không phải nhằm đàm phán các vấn đề cụ thể. Thay vào đó, Washington kỳ vọng lần gặp này sẽ giúp duy trì kênh liên lạc cấp cao.
NHẬT ĐĂNG