Mỹ và Trung Quốc đang có bí mật gì tại Biển Đông?
Hạm đội 7 ngày 6.4 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã vào Biển Đông cách đó 2 ngày.
Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9 cho biết: “Thật tuyệt khi được trở lại Biển Đông để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi rằng chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tự do trên biển.
“Trong quá trình triển khai của nhóm tấn công, chúng tôi đã thể hiện cam kết của mình đối với trật tự dựa trên quy tắc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bằng cách hoạt động với những người bạn của chúng tôi từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hoạt động cùng với tất cả những ai có tầm nhìn chung về an ninh và ổn định ở một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới”.
Khi ở Biển Đông, nhóm tàu sẽ tiến hành các hoạt động bay máy bay cánh bằng và cánh quạt, các cuộc tập trận tấn công trên biển, tác chiến chống tàu ngầm, huấn luyện chiến thuật phối hợp và các hoạt động khác.
Có một chi tiết đáng lưu ý là thông báo của Hạm đội 7 cho biết đây là lần thứ hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông trong năm nay.
Trên thực tế, đây là lần thứ ba nhóm tàu này vào Biển Đông kể từ ngày 20.1. Hai lần trước là vào ngày 23.1 và ngày 9.2, khi nhóm tàu này tập trận cùng với nhóm tàu USS Nimitz ở Biển Đông.
Không loại trừ khả năng thông báo của Hạm đội 7 có thể xuất phát từ sự nhầm lẫn. Tuy nhiên,rất nhiều khả năng rằng lần di chuyển vào Biển Đông vào ngày 23.1 là động thái xuất phát từ một tình huống ứng phó bất ngờ nào đó. Chính vì thế, phía Mỹ đã không xem đó là một lần di chuyển vào Biển Đông theo kế hoạch.
Trong lần tiến vào Biển Đông qua eo biển Ba Sỹ ngày 23.1, tàu sân bay Mỹ chỉ hoạt động chưa đến 1 tuần trước khi trở lại Biển Philippines.
Có khá nhiều diễn biến bất thường trong sự kiện này, nếu nhìn lại có thể hình dung sự dồn dập của của các diễn biến khi đó:
• Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông ngày 23.1.
• Liên tiếp trong 2 ngày 23 và 24.1, Trung Quốc điều số lượng lớn chiến đấu cơ và oanh tạc cơ vào khu vực tây nam Đài Loan. Truyền thông thế giới sau đó tiết lộ máy bay Trung Quốc đã diễn tập mô phỏng tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt bằng tên lửa.
• Một oanh tạc cơ B-52 của Mỹ chuyển hướng bay vào Biển Đông trong ngày 25.1 mới vòng ra Guam thay vì bay thẳng từ lục địa Mỹ đến Guam như kế hoạch trước đó.
• Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng đưa ra các tuyên bố ủng hộ Đài Loan trong khi phía Trung Quốc cũng đưa ra “cảnh báo nghiêm khắc”.
• Trong một động thái hiếm thấy, tàu sân bay Mỹ hoạt động khá gần bãi cạn Scarborough, áp sát ở khoảng cách chỉ 24 hải lý trong ngày 25.1.
Việc Hải quân Mỹ “bỏ quên” diễn biến này trong thông cáo mới nhất càng khiến loạt sự kiện diễn ra khi ấy trở nên đáng nghi vấn hơn.
Nếu suy diễn theo thuyết âm mưu, rất có thể Trung Quốc đã đe dọa Đài Loan khi đó, và để ngăn Trung Quốc ra tay, Mỹ đã điều tàu sân bay uy hiếp bãi cạn Scarborough trong một cuộc đối đầu cân não có thể là màn thử thách đầu tiên mà Trung Quốc dành cho Tổng thống Joe Biden. Tuy đây chỉ là thuyết âm mưu chưa chắc chắn, nhưng rõ ràng những tình tiết mà cả Trung Quốc và Mỹ đang giấu diếm thì có thể sự thật còn gây cấn hơn chúng ta tưởng tượng.
Duân Đặng
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả