+
Aa
-
like
comment

Mỹ và phương Tây sẽ hành xử ra sao nếu họ đứng ở vị thế của Nga?

An Diễm - 30/04/2022 15:54

Giữa tâm điểm cuộc chiến Nga – Ukraine đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, có không ít ý kiến “đòi” Việt Nam phải “chọn phe”, cho rằng Nga hoàn toàn sai còn lập trường của Ukraine cùng phương Tây là hoàn toàn đúng. Các quan điểm này có thể làm sáng tỏ khi đặt ra vấn đề: Mỹ và phương Tây sẽ hành xử ra sao nếu họ đứng ở vị thế của Nga? Và thỏa thuận an ninh mới nhất giữa Trung Quốc cùng quốc đảo Solomon đã cung cấp một câu trả lời hoàn hảo cho vấn đề này.

Năm 2011, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama tuyên bố chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, nơi có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Giới học giả khi đó nhận định, chính sách này có mục tiêu quan trọng nhất là nhằm bảo đảm duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ trước những thay đổi nhanh chóng tại khu vực, đặc biệt là sự nổi lên của Trung Quốc. Các nước trong khu vực như Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa các nước lớn nhưng nhờ duy trì đường lối độc lập, tự chủ, “không theo nước này để chống lại nước kia” nên một mặt Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ (năm 2013), mặt khác vẫn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc để kiểm soát các bất đồng.

Ngược lại, những rủi ro cũng không ít, đã có quốc gia phải chịu thiệt thòi như Philippines bị Trung Quốc chiếm mất bãi cạn Scarborough. Trớ trêu thay, Philippines cũng chính là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực, và họ cảm giác đã bị bỏ rơi trong sự kiện này. Bài học từ Philippines dường như củng cố cho lập trường của chính Việt Nam, đó là khi ở giữa các nước lớn thì cần có đường lối trung lập, và “tôn trọng lợi ích của các bên”. Tình hình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thời gian tới hứa hẹn sẽ phức tạp hơn, khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu ngày càng quyết liệt kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho tới Tổng thống hiện tại là Joe Biden. Sự cạnh tranh giữa các cường quốc này làm nổi bật lên các vấn đề mà Việt Nam đã nhìn nhận từ lâu là “tư duy nước lớn” và “không bên nào hoàn toàn có lý”, bởi chính Mỹ và phương Tây cũng luôn có những “tiêu chuẩn kép” của riêng mình.

Mỹ, Anh và Australia tuyên bố liên minh AUKUS

Tháng 9/2021, ba nước Mỹ, Anh, Australia cùng nhau tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS. Báo giới bị thu hút bởi một khía cạnh nhỏ của sự kiện này là vì mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ mà Australia đã hủy đơn hàng từ Pháp, thế nhưng các nước trong khu vực bao gồm cả siêu cường Trung Quốc thì nhanh chóng nhận ra mầm mống của một NATO mới tại châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc nhanh chóng lên án AUKUS, cho rằng đó là sản phẩm của “tâm lý Chiến tranh Lạnh” giữa Canberra, London và Washington. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho rằng AUKUS sẽ làm suy yếu an ninh và ổn định của khu vực, thúc đẩy chạy đua vũ trang. Một khía cạnh khác cũng được Trung Quốc chỉ ra là việc Mỹ chuyển giao tàu ngầm hạt nhân cho Australia đã tận dụng kẽ hở để vi phạm Hiệp định “không phổ biến vũ khí hạt nhân”, thể hiện “tiêu chuẩn kép” mà Mỹ và Anh đang theo đuổi trong xuất khẩu hạt nhân.

Gần như các chuyên gia đều đồng tình rằng AUKUS có mục đích chính là răn đe, kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực, và ở khía cạnh nào đó khá tương đồng với việc NATO muốn kết nạp Ukraine để gây sức ép với Nga. Trung Quốc chỉ trích hiệp ước này là “vô trách nhiệm” và “hẹp hòi”, tương tự như cách Nga phản ứng ở châu Âu. Về phía AUKUS, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng hiệp ước sẽ “duy trì an ninh và ổn định trên toàn thế giới”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia thì chỉ trích Trung Quốc “bắt nạt” và “phi lý” khi phản đối hiệp ước AUKUS giữa Australia, Mỹ và Anh. Ông ta nói rằng chính phủ nước này tham gia AUKUS chỉ vì muốn thấy “hòa bình và ổn định gia tăng trong khu vực của chúng tôi”.

Trung Quốc bắt tay với Solomon bằng thỏa thuận an ninh gây quan ngại cho phương Tây

“Bắt nạt” và “phi lý” – Australia có lẽ không ngờ rằng chỉ vài tháng sau, Trung Quốc đã dùng một tính từ tương tự: “ăn hiếp”. Đây là cách họ dùng để chỉ trích việc Mỹ và Australia gây sức ép với quần đảo Solomon về việc ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Đây vốn là một quần đảo nhỏ nằm cách bờ biển phía Đông Bắc Australia gần 2.000km, việc họ có thỏa thuận an ninh với Trung Quốc sẽ tạo ra nguy cơ an ninh cho Australia. Thủ tướng Australia nói “Làm việc cùng các đối tác ở New Zealand và dĩ nhiên là Mỹ, tôi chia sẻ lằn ranh đỏ của Mỹ trong vấn đề này. Chúng ta sẽ không có căn cứ hải quân Trung Quốc tại khu vực ngay trước cửa nhà chúng ta”. Mỹ cũng cử phái đoàn công du đến Solomon và dọa rằng Washington sẽ “đáp trả tương xứng” nếu Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự tại đây.

“Không có căn cứ trước cửa nhà” và “đáp trả tương xứng”! Dường như phương Tây đã quên rằng chỉ 2 tháng trước đây, chính người Nga đã dùng những khái niệm này để cảnh báo Mỹ và EU trong việc khuyến khích Ukraine tham gia NATO. Thế nhưng khi đó, Mỹ và EU dùng khái niệm cho rằng “Ukraine là nước độc lập, có chủ quyền” và có quyền tự do tham gia bất kỳ liên minh nào mà họ muốn, “cánh cửa NATO luôn rộng mở”. Rõ ràng, đảo quốc Solomon hiện nay cũng là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, và họ còn cách xa Australia chứ không phải nằm liền kề như Ukraine và Nga, và cách xử sự của Mỹ cùng Australia rõ ràng thêm một lần tô đậm khái niệm “tiêu chuẩn kép”. Khi nước Nga phản ứng bằng cách mang quân sang Ukraine trong một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm ngăn chặn, thì phương Tây đồng loạt nói rằng việc mang bom đạn sang một quốc gia độc lập là điều sai trái.

Tạp chí Time cổ vũ NATO “ném bom vì hòa bình” ở Nam Tư năm 1999

Thế nhưng trong khi có cùng nhận định việc Nga dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, xâm phạm lãnh thổ Ukraine là không đúng, thì thế giới cũng nhanh chóng “nhớ lại” việc Mỹ cùng NATO có nhiều lần hành xử tương tự. Trang bìa của tờ báo Time trong một số ra năm 1999 có hình một vụ ném bom với dòng chữ “Bringing the Serbs to Heel. A massive bombing attack opens the door to peace.” (“Bắt bọn Serbia phải phục tùng. Một vụ ném bom lớn mở ra cánh cửa hòa bình”). Đây chính là sự kiện NATO đơn phương ném bom liên bang Nam Tư để ủng hộ vùng Kosovo tách ra giành độc lập, đẩy người Serbia vào cay đắng. Và đây cũng không phải vụ việc duy nhất, với các lần can dự của Mỹ và phương Tây tại Lybia, Iraq, Syria, Afghanistan… để lật đổ chính quyền.

Từ “lịch sử” này cho thấy sẽ rất nguy hiểm cho một quốc gia nếu “chọn phe”, kể cả phe Mỹ và phương Tây vì nhìn chung các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, EU, Trung Quốc đều có các lợi ích và cách hành xử tương đồng. Nhiều người “lóa mắt” về sự giàu mạnh của phương Tây cũng như các phát ngôn có vẻ “chính trực” của họ, nhưng câu chuyện về thỏa thuận an ninh Solomon – Trung Quốc một lần nữa khiến người ta nhớ lại cách hành xử nước đôi, tiêu chuẩn kép và không “chính trực” cho lắm.

Hệ lụy trong cách hành xử của phương Tây rất khó lường, đơn cử như khi phản ứng về việc thành lập liên minh AUKUS, Thủ tướng Malaysia tỏ ra lo ngại rằng điều này sẽ kích thích các “cường quốc” nào đó trong khu vực tỏ ra hung hăng hơn. Và thực tế là không phận Malaysia đã bị các máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm trong một cuộc tuần tra. Một lần nữa, lựa chọn ngoại giao đa phương, “không chọn phe”, “không theo nước này để chống nước kia” của Việt Nam đã thể hiện tính đúng đắn.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều