Mỹ tung đòn pháp lý, Trung Quốc không thể lấp liếm sự thật
Nghiên cứu bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” được Mỹ công bố không chỉ nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia Việt Nam mà cả cộng đồng học giả quốc tế.
“Báo cáo của Mỹ cho thấy Việt Nam đang ở phía chính nghĩa”, ông Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên Luật Quốc tế tại TP.HCM, nhận định hôm 15/1, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo 150 – nghiên cứu bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.
“Sự thật của luật pháp quốc tế cũng như sự thật lịch sử đứng về phía Việt Nam và các quốc gia khác”, ông Việt nói. “Cho dù Trung Quốc có sức mạnh cũng không thể lấp liếm được điều đó”.
Trung Quốc cố tạo tập quán quốc tế mới
Với độ dài 47 trang, Báo cáo 150 là sự tiếp nối đối với một nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ được thực hiện từ năm 2014.
Nhận định về ý nghĩa của Báo cáo 150, ông Việt nhắc lại sự kiện năm 2016, thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết nhận định cái gọi là “đường 9 đoạn” và “quyền lịch sử” của Bắc Kinh không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.
“Sau phiên tòa đó, Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) xuất bản ấn phẩm hơn 500 trang, đăng trên tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh”, ông Việt nói. “Trung Quốc coi đó là một văn bản chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài”.
Cụ thể, ấn phẩm của Hội Luật Quốc tế Trung Quốc nhắc lại yêu sách về “quyền lịch sử”. “Họ khẳng định trong một số án lệ quốc tế có nhắc đến ‘quyền lịch sử’ để cho rằng khái niệm này sẽ được chấp nhận trở thành một tập quán pháp lý quốc tế”, ông Việt nói.
Nhưng trong Báo cáo 150 vừa công bố, Mỹ đã chỉ ra rằng số lượng trường hợp như vậy rất ít và không thể được chấp nhận, theo ông Việt.
“Nghiên cứu của Mỹ cũng trích quan điểm của Việt Nam phản đối vấn đề đó. Như vậy, cái gọi là ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc không thể được chấp nhận như một tập quán quốc tế”, nhà nghiên cứu Biển Đông nói. “Vì vậy, Báo cáo 150, cùng phán quyết năm 2016, đã bác bỏ ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc trong đường lưỡi bò”.
Ngoài ra, “Hội Luật Quốc tế Trung Quốc cho rằng tất cả nhóm thực thể, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, là thực thể đơn nhất và thống nhất”, ông Việt nói. “Thế nhưng điều này không hợp lý”.
“Có rất nhiều thực thể lúc chìm lúc nổi hoặc luân chuyển dưới mực nước biển. Theo luật quốc tế, chúng không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền trên đó được”, ông Việt nhận định.
Như vậy, Báo cáo 150 “không mới nhưng đã được cập nhật trên mọi mặt để cho thấy bức tranh chi tiết hơn, cụ thể hơn về pháp lý quốc tế, cho chúng ta thấy những sai trái của Trung Quốc”, theo ông Việt.
Đồng tình, ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng Báo cáo 150 là bản cập nhật “hữu ích” vì đã đề cập tới phán quyết năm 2016.
“Báo cáo đề cập đến những luận điểm mà học giả Trung Quốc đã cố sử dụng từ đó tới nay để giảm nhẹ ý nghĩa ‘đường chín đoạn’ và né tránh chỉ trích xuất phát từ phán quyết”, ông Poling nói. “Cụ thể, báo cáo tái khẳng định ‘quyền lịch sử’ là cụm từ vô nghĩa về pháp lý”.
Lời nhắc nhở với quốc tế
Ông Việt lưu ý rằng đây không phải lần đầu Mỹ đưa ra luận điểm của mình và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không thay đổi yêu sách phi lý trên Biển Đông sau Báo cáo 150.
“Tuy nhiên, Báo cáo 150 rõ ràng cho thấy thái độ của các quốc gia”, ông Việt nói. “Nếu quốc gia mạnh như Mỹ lên tiếng, các quốc gia khác cũng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn”.
Nhà nghiên cứu chỉ ra rằng năm 2021, Trung Quốc đã có nhiều động thái trên Biển Đông như điều tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
“Thậm chí các nhà ngoại giao của Bắc Kinh còn gửi thư yêu cầu phía Indonesia ngừng khai thác dầu khí trên khu vực biển Bắc Natuna, dù Jakarta khẳng định không có tranh chấp gì với Trung Quốc”, ông Việt nhắc cho biết.
“Vậy nên, một số chuyên gia cho rằng nghiên cứu này có thể sẽ khuyến khích những quốc gia Đông Nam Á có hành động mạnh mẽ hơn tại Biển Đông để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như luật pháp quốc tế nói chung”, ông Việt nói.
“Và có lẽ, phía Mỹ muốn nhắc nhở rằng lập trường của họ đối với yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là không thay đổi và trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục nhắc đến vấn đề này”, ông Việt nói. “Tôi nghĩ đây là thông điệp quan trọng Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc và toàn thể cộng đồng quốc tế”.
Cùng quan điểm với ông Việt, ông Murray Hiebert, một chuyên gia khác thuộc CSIS, cũng cho rằng Báo cáo 150 có thể tăng cường vị thế của những nước ASEAN đang cảm thấy lo ngại trước yêu sách của Bắc Kinh.
“Washington có thể muốn xuất bản nghiên cứu mới để nhắc nhở Trung Quốc và cộng đồng quốc tế về các nguyên tắc của UNCLOS, cũng như về kết quả của phán quyết Tòa Trọng tài mà Trung Quốc bỏ ngoài tai từ năm 2016 tới giờ”, ông Hiebert nhận định.
Theo chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, báo cáo là động thái mới nhất cho thấy Mỹ đã dịch chuyển dần từ cách tiếp cận chủ yếu bằng góc độ quân sự dưới thời chính quyền Donald Trump sang chủ trương sử dụng vũ khí “chính trị và pháp lý” nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông dưới thời Biden.
Ông cũng chỉ ra rằng việc công bố nghiên cứu vào thời điểm các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) không đạt được đột phá có thể là cách để Mỹ định hình và tác động tới tiến trình này.
“Các quốc gia châu Á sẽ rất quan tâm tới nghiên cứu trên. Nội dung và dữ liệu trong nghiên cứu sẽ rất hữu ích trong việc củng cố lập trường của các thành viên ASEAN trong đàm phán với Trung Quốc”, Koh nhận định.
Phản hồi về Báo cáo số 150 của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 14/1 cho biết “Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển”.
“Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Theo đó, Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”, bà Hằng cho biết.
“Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ”, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.
Tùng Anh