+
Aa
-
like
comment

Mỹ truy tố giáo sư Trung Quốc trong “phát súng” mới nhất nhằm vào Huawei

09/09/2019 19:00

Các công tố viên Mỹ đã truy tố một giáo sư Trung Quốc về tội gian lận với cáo buộc đánh cắp công nghệ từ một công ty của California để làm lợi cho tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, một “phát súng” nữa nhằm vào hãng chế tạo thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Reuters ngày 9/9 đưa tin, giáo sư Bo Mao đã bị bắt tại Texas vào ngày 14/8 và được tại ngoại 6 ngày sau đó nhờ khoản tiền bảo lãnh 100.000 USD sau khi ông này đồng ý tiếp tục vụ việc tại New York, theo các tài liệu tòa án.

Ông Mao không nhận tội tại tòa án ở Brooklyn (New York) vào ngày 28/8 với cáo buộc âm mưu thực hiện hành vi gian lận.

Theo cáo trạng hình sự, ông Mao đã có một thỏa thuận với một công ty công nghệ được giấu tên ở California để có được bảng mạch của công ty này, khẳng định dùng nó cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Nhưng cáo trạng đã cáo buộc một tập đoàn viễn thông được giấu tên của Trung Quốc, mà một số nguồn nói là hãng Huawei, đã cố gắng đánh cắp công nghệ, và cáo buộc ông Mao đóng vai trò trong đường dây này. Một tài liệu của tòa án cũng ám chỉ vụ việc có liên quan tới Huawei.

Mỹ truy tố giáo sư Trung Quốc trong phát súng mới nhất nhằm vào Huawei - 1
Mỹ truy tố giáo sư Trung Quốc trong “phát súng” mới nhất nhằm vào Huawei

Ông Mao, một phó giáo sư tai Đại học Xiamen ở Trung Quốc và cũng đã trở thành giáo sư thỉnh giảng tại một đại học ở Texas hồi mùa thu năm ngoái, ban đầu bị chú ý trong một vụ việc dân sự ở Texas giữa Huawei và công ty khởi nghiệp CNEX Labs Inc tại thung lũng Silicon.

Vào tháng 12/2017, Huawei đã kiện CNEX và một cựu nhân viên, Yiren Huang, vì đánh cắp các bí mật thương mại. Huang, một cựu quản lý kỹ thuật tại một chi nhánh của Huawei ở Mỹ, đã giúp khởi nghiệp CNEX vào năm 2013 chỉ 3 ngày sau khi rời công ty.

Trong số các phản bác, CNEX nói rằng ông Mao đã đề nghị cung cấp một bảng mạch cho một dự án nghiên cứu, và sau khi CNEX gửi bảng mạnh cho giáo sư, ông này lại sử dụng nó cho một nghiên cứu có liên quan tới Huawei.

Vụ việc đó kết thúc hồi tháng 6 với một phán quyết không đi đến đâu.

Bồi thẩm đoàn không xác định rằng CNEX đã đánh cắp các bí mật thương mại, nhưng thấy rằng ông Huang đã vi phạm hợp đồng lao động khi không thông báo cho công ty về các bằng sáng chế mà ông này nhận được trong vòng 1 năm trước khi nghỉ việc.

Bồi thẩm đoàn nhận thấy Huawei không bị tổn hại gì nên không được bồi thường. Nhưng bồi thẩm đoàn lại thấy rằng Huawei đã chiếm đoạt một bí mật thương mại của CNEX, nhưng cũng không đưa ra yêu cầu bồi thường cho tuyên bố này.

Giờ đây, các công ty tố viên Mỹ, hiện cũng đang xem xét vụ việc chống lại Huawei tại Brooklyn về cáo buộc gian lận ngân hàng và vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran, đã lật lại vụ việc của CNEX.

Mỹ nổ “phát súng” mới nhất nhằm vào Huawei

Mặc dù Huawei không bị truy tố nhưng công ty này cho biết họ xem vụ việc chống lại ông Mao là ví dụ mới nhất cho thấy chính phủ Mỹ “truy tố một cách có chọn lọc”.

Huawei cáo buộc chính phủ Mỹ đã thực hiện một nỗ lực phối hợp để làm mất uy tín của công ty và cản trở sự dẫn đầu của công ty này trong lĩnh vực viễn thông. Công ty này nói Mỹ không có các bằng chứng đầy đủ đối với các cáo buộc nhằm vào công ty.

Hồi tháng 1, các công tố viên Mỹ cũng công bố một cáo trạng chống lại Huawei vì tội đánh cắp bí mật thương mại liên quan tới hãng viễn thông T-Mobile, sau một vụ việc dân sự giữa 2 công ty.

Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ công bố một cáo trạng gian lận ngân hàng tại Brooklyn, cáo buộc Huawei lừa dối các ngân hàng toàn cầu về các hoạt động kinh doanh tại Iran.

Chính phủ Mỹ cũng vận động chính phủ các nước khác cấm các thiết bị của Huawei, và cấm các công ty cung cấp cho Huawei các thiết bị của Mỹ mà không có giấy phép đặc biệt, làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh hai nước này vướng vào cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng.

Một phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ hồi tuần trước cho hay, mặc dù bộ này không bình luận về các cuộc điều tra cụ thể, nhưng khẳng định cơ quan này hành động theo luật pháp và tất cả các thực thể “được hưởng quyền lợi ngang nhau theo một tiến trình tuân thủ hiến pháp và được bảo vệ bởi một hệ thống tư pháp độc lập”.

An Bình/Dân Trí

Bài mới
Đọc nhiều