Mỹ-Trung: Từ Chiến tranh thương mại đến Chiến tranh tiền tệ
Chuyên gia Trung Quốc bình luận về khả năng cuộc ‘Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ’ leo thang thành cuộc ‘Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung’.
Donald Trump chỉ trích trần lãi suất của FED
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc và EU thao túng tiền tệ. Theo lời Trump, Hoa Kỳ cần phản ứng thích đáng, nếu không Washington sẽ vẫn là “kẻ ngốc vô công rồi nghề, nhã nhặn theo dõi các nước khác tiếp tục chơi trò chơi của họ”.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ nằm trong đoạn tweet do Tổng thống Mỹ viết trên trang Twitter diễn ra ngay sau hai sự kiện quan trọng sau đây:
Thứ nhất là: Tuyên bố được Trump đưa ra một ngày sau khi các ứng viên Christopher Waller và Judy Shelton được đề cử vào Hội đồng Điều hành Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Lẽ ra tuyên bố này phải là lời chào mừng đối với các thành viên mới của Hội đồng Điều hành Cục Dự trữ Liên bang nhưng đó có thể là lời cảnh báo gửi đến FED. Thực chất nó là sự nhắc nhở đối với FED, bởi ông Trump từ lâu đã cáo buộc FED là nhà quản lý tồi vì đã từ chối hạ thấp % lãi suất.
Theo quan điểm của Tổng thống Mỹ, tỷ lệ lãi suất 2,25-2,5% hiện nay là quá cao, và chẳng có lý do gì dành cho chính sách siết chặt định lượng này cả.
Nền kinh tế của đất nước đang phát triển, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (3,6%) trong 49 năm qua. Đồng thời, lạm phát thậm chí còn thấp hơn mục tiêu 2% của FED (chỉ là 1,5%). Vì thế, Trump cho rằng, chính sách tiền tệ siết chặt chỉ làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế và đặt Hoa Kỳ vào tình thế bất lợi trước các nước khác, bởi đồng USD mạnh khiến hàng hóa Mỹ giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thứ hai là: Trump viết đoạn tweet đầy tức giận của ông ta ngay sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố số liệu thống kê về tháng 5.
Theo báo cáo, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 8,4% lên tới 55,5 tỷ USD – mức tối đa trong 5 tháng qua, trong bối cảnh nhập khẩu tăng mạnh nhất kể từ năm 2015. Trong khi đó, chính trong tháng 5, cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bị đình trệ, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào “sổ đen”, các công ty Mỹ bị cấm bán linh kiện và phần mềm cho khách đặt hàng Trung Quốc lớn nhất.
Hóa ra chính sách trừng phạt thương mại không mang lại hiệu quả. Chí ít cũng là không đạt được mục tiêu ban đầu – không giảm mất cân bằng thương mại. Do đó, Trump một lần nữa chọn biện pháp tung ra những ngôn từ hiếu chiến, cáo buộc không chỉ Trung Quốc, mà cả EU nữa về ”tội” thao túng tiền tệ.
Trong khi đó, cùng tháng 5, Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong báo cáo nửa năm về chính sách tiền tệ của các quốc gia đối tác chính đã không xướng danh Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác là “kẻ thao túng tiền tệ”.
Có thể giả định rằng, bây giờ Trump định xoay ra giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại theo cách khác – với sự hỗ trợ của thao túng tỷ giá USD. Vì vậy, các cáo buộc chủ yếu nhằm gây áp lực với FED và cởi trói cho mình rảnh tay.
Liệu Mỹ-Trung có nảy sinh thêm “Cuộc chiến tranh tiền tệ”?
Ông Hứa Tế Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế thuộc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc) nói với Sputnik rằng, những lời buộc tội của Trump có mục đích hoàn toàn khác. Thực ra ông ta đang cố gây áp lực với FED khi cáo buộc EU và Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Số liệu thống kê kinh tế của Hoa Kỳ gần đây không được tốt đẹp thuận lợị, phần nhiều chỉ ra rằng nền kinh tế đang chịu áp lực. Điều này đã gây bất lợi cho Trump trong quá trình tranh cử trong nhiệm kỳ tới; đồng thời, một nền kinh tế mạnh cũng cần cho ông ta khi đàm phán thương mại với Trung Quốc, để làm cơ sở tăng cường vị thế thương lượng của ông ta.
Đồng nhân dân tệ yếu, tất nhiên, có thể giúp Trung Quốc giảm thiểu tác động tiêu cực từ lệ phí thuế do Hoa Kỳ áp đặt. Nhưng có những lý do khách quan trong đà rơi của đồng tiền Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh thậm chí chẳng cần làm gì dành riêng cho việc này.
Sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại cũng như suy thoái tiền tệ ở các thị trường mới nổi nói chung đang gây áp lực lên đồng nhân dân tệ, vốn trong năm đã mấy lần tiếp cận mốc kịch tính là 7 nhân dân tệ ăn 1 USD.
Tuy nhiên, cơ quan tiền tệ của Trung Quốc đã không để vượt qua ngưỡng quan trọng này, bởi kế hoạch về quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và tăng thị phần của nó trong thanh toán quốc tế sẽ bị đe dọa. Do đó, kích động Trung Quốc trong cuộc chiến tiền tệ là chuyện khó thành.
Theo quan điểm của chuyên gia Hứa Tế Nguyên, nếu cả hai bên tiếp tục duy trì đối thoại và tham vấn lẫn nhau, thì khả năng biến cuộc “Thương chiến Trung-Mỹ” thành cuộc chiến tiền tệ là tương đối nhỏ.
Thứ nhất, kể từ tháng 3 năm ngoái, khi bắt đầu chiến tranh thương mại, đồng nhân dân tệ dao động lên xuống, không có xu thế giảm rõ ràng. Ngoài ra, do tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ với đồng USD tương đối ổn định, dao động của đồng nhân dân tệ phản ánh trước hết sự biến đổi trong tỷ giá hối đoái của đồng tiền Mỹ.
Áp lực với đồng nhân dân tệ tăng lên trong quá trình mâu thuẫn thương mại, bởi tăng độ không chắc chắn và đồng bản tệ Trung Quốc cân bằng quanh mức kịch tính 7:1. Nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nhiều lần can thiệp để bình ổn tỷ giá, kể cả phát hành trái phiếu ở Hồng Kông. Do đó, quyết tâm của các nhà quản lý tài chính để duy trì tỷ giá nhân dân tệ ở mức ổn định là hoàn toàn rõ ràng.
Còn FED thì có thể chịu khuất phục trước sức ép của Trump. Tại cuộc họp tháng 6, Chủ tịch FED là Jerome Powell tuyên bố rằng đã có sự củng cố các luận chứng thiên về ủng hộ chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa. Bằng cách như vậy, FED bóng gió gợi ý rằng tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 7, lãi suất có thể sẽ được hạ xuống.
Trong mọi trường hợp, các thị trường đang mong đợi điều này, theo dữ liệu của tập đoàn CME Group, tất cả các nhà phân tích dự đoán rằng lợi suất sẽ giảm sau cuộc họp tháng 7 của FED, trong khi hơn 71% chuyên gia cho rằng mức giảm sẽ là 25 điểm cơ bản với mức hiện tại là 2,25% -2,5% thì những người còn lại thậm chí dự kiến giảm đến 50 điểm.
(Theo Đất Việt)