+
Aa
-
like
comment

Mỹ – Trung Quốc làm gì để tránh được chiến tranh lạnh?

20/08/2020 06:29

Một cuộc chiến tranh lạnh sẽ ngăn cản Mỹ và Trung Quốc hưởng lợi từ những đóng góp của nhau.

Khi thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng đến gần, nhiều nhà quan sát tập trung trả lời câu hỏi: Kết quả cuộc bầu cử có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Mỹ – Trung?

Quan hệ bền vững

Theo trang Brookings dẫn lời Jeffrey Bader, chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc John L. Thornton, đây chắc chắn là một câu hỏi rất quan trọng. Nhiều xu hướng từ quan hệ này sẽ có ảnh hưởng lâu dài hơn cả một nhiệm kỳ tổng thống ở Mỹ. Ông Bader cho rằng, những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về chính trị, kinh tế, công nghệ, an ninh… thực sự tồn tại.

Tuy nhiên, cả hai bên đều hiểu rõ khuôn khổ cơ bản cho một mối quan hệ bền vững là sự cạnh tranh công bằng, bên cạnh việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại. Nếu không giữ cái đầu lạnh khi những bất đồng nảy sinh, sự cạnh tranh có nguy cơ biến thành đối đầu, nghiêm trọng hơn là chiến tranh lạnh và gây bất lợi đối với cả Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ Trung Quốc làm gì để tránh được chiến tranh lạnh?
Liệu Mỹ-Trung có tránh được chiến tranh lạnh. Ảnh: AP

Khác với thời kỳ Mỹ-Liên Xô, một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc cùng những hệ lụy từ nó sẽ phá vỡ trật tự thế giới, cùng những vấn đề đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi trên toàn cầu. Nó sẽ dựng lên bức tường ngăn cách giữa những nền kinh tế, các nhà khoa học, học giả và người dân; tạo ra những định kiến, phân biệt đối xử…

Trên hết, một cuộc chiến tranh lạnh sẽ ngăn cản Mỹ và Trung Quốc hưởng lợi từ những đóng góp của nhau. Chạy đua vũ trang sẽ lấn át những ưu tiên khác trong nước. Nghiêm trọng hơn, nó sẽ làm tăng nguy cơ xung đột quân sự, điều cả hai nước đều không mong muốn xảy ra.

Những câu hỏi cần lời giải

Vậy làm thế nào để có thể tránh những hệ quả trên? Theo ông Jeffrey Bader, có những câu hỏi cơ bản mà cả Mỹ và Trung Quốc cần phải trả lời.

Đối với Mỹ, liệu nước này có sẵn sàng chấp nhận một đối thủ cạnh tranh ngang hàng, đặc biệt là một đối thủ có những khác biệt về thể chế chính trị và hệ tư tưởng hay không? Về nguyên tắc, câu trả lời thường là “có”. Nhưng trên thực tế, điều này còn đòi hỏi sự thay đổi trong cơ chế hành động, phản ứng của hệ thống chính trị Mỹ.

Theo ông Bader, một chính quyền Mỹ hoàn toàn chấp nhận Trung Quốc như một nước ngang cơ chắc chắn sẽ phải chịu sự công kích gay gắt từ những tiếng nói đối lập.

Vì vậy, quyết định này sẽ phải mang tính ổn định lâu dài, chứ không phải một sớm một chiều. Mỹ có thể duy trì quan điểm trên, nếu Trung Quốc có thể chấp nhận duy trì tầm ảnh hưởng vốn có của Mỹ ở khu vực Đông Á thay vì tìm cách phá vỡ nó.

Đối với Trung Quốc, liệu nước này có thể thoải mái hội nhập và tuân thủ các luật chơi quốc tế, dựa trên những chuẩn mực nhất định về thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, tự do kỹ thuật số…hay không? Liệu Trung Quốc có thể đảm bảo động thái của họ trong các vấn đề quốc tế phù hợp với những chuẩn mực kể trên, trong khi vẫn duy trì hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của mình hay không?

Dựa trên những bài học kinh nghiệm trong vài năm qua, Jeffrey Bader nhận định, trong một thế giới toàn cầu hóa, hệ thống quốc tế khó có thể vận hành tốt nếu vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa thái độ và hành động thực tiễn của các nước lớn đối với những chuẩn mực này.

Cách đây hơn 40 năm, Trung Quốc đã quyết định hội nhập vào sân chơi quốc tế, và đã hưởng nhiều lợi ích to lớn cũng như có những đóng góp quan trọng cho thế giới kể từ đây.

Tuy nhiên, thời điểm đó khác xa hiện tại, Trung Quốc giờ đã trở thành một siêu cường hàng đầu thế giới. Trung Quốc và Mỹ giờ đây giống như 2 con voi đứng chung một cái xuồng. Nếu không cẩn thận, chiếc xuồng sẽ chìm và cả 2 con voi cùng chìm theo.

Theo Jeffrey Bader, Trung Quốc từ năm 1978 cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện quá trình hội nhập hoàn toàn vào một hệ thống dựa trên luật quốc tế.

Nước này cần tuân thủ đầy đủ hơn nghĩa vụ của những nước phát triển trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cởi mở hơn với Internet, tạo ra sân chơi trong lĩnh vực công nghệ thông tin để những nước khác có thể tham gia trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, và minh bạch trong việc cung cấp số liệu cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia y tế quốc tế khác.

Ông Bader nhận định, sẽ khó để Trung Quốc có thể sớm thực hiện những thay đổi như vậy.

Việt Anh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều