+
Aa
-
like
comment

Mỹ tranh cãi khái niệm an ninh quốc gia vì Huawei

01/07/2019 20:15

Huawei được ông Trump nới lỏng lệnh cấm, nước Mỹ tranh cãi thế nào là an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã đề cập đến việc sẽ nới lỏng các quy định về lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei, cho phép Huawei tiếp tục được hợp tác giao dịch với các công ty Mỹ.

Tổng thống Mỹ nói rằng, ông chưa thể đưa Huawei ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài có khả năng đe doạ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông nói sẽ cho phép Huawei trở lại mua hàng của các doanh nghiệp Mỹ và cho phép các doanh nghiệp Mỹ bán những thiết bị không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cho Huawei.

“Tôi muốn các công ty Mỹ bán những sản phẩm vô cùng phức tạp cho các bên khác. Đây vốn không phải là những thứ dễ chế tạo. Nếu không liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ cho phép họ bán” – ông Trump cho biết.

Tuyên bố từ nhà lãnh đạo Mỹ không làm hài lòng một bộ phận tinh hoa ở Mỹ.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã bày tỏ sự bức xúc trên Twitter.

My tranh cai khai niem an ninh quoc gia vi Huawei
Ông Trump hạ nhiệt Huawei là quá nhân nhượng Trung Quốc?

“Nếu Tổng thống Trump đồng ý hủy bỏ các lệnh cấm vận gần đây đối với Huawei, ông ấy đã mắc phải 1 sai lầm thảm họa” – ông Marco Rubio cho biết.

Thượng Nghị sĩ Mỹ cho rằng giới tinh hoa Mỹ có thể sẽ xem xét một động thái khác liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia này.

“Nếu Tổng thống Trump hủy bỏ các biện pháp hạn chế Huawei, chúng tôi sẽ phải khôi phục lại chúng thông qua luật. Và luật này sẽ được đa số quốc hội thông qua” – Thượng Nghị sĩ Rubio nói.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng việc mở lại cánh cửa vào Mỹ cho Huawei là “ý tưởng tồi tệ”. “Nếu chúng ta bán những công nghệ chủ chốt cho Huawei thì đó sẽ là sai lầm lớn” – ông Graham khẳng định.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer cũng mô tả Huawei “là một trong số ít đòn bẩy hiệu quả Mỹ sở hữu để buộc Trung Quốc phải thực thi thương mại công bằng”.

“Nếu Tổng thống Trump lùi bước – và có vẻ như ông ấy đang làm như vậy – thì điều đó sẽ triệt tiêu khả năng buộc Trung Quốc thay đổi các hành vi thương mại bất công” – ông Schumer nhận xét.

Nhằm xoa dịu những lo ngại từ các dân biểu, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Larry Kudlow vừa phải lên tiếng giải thích cặn kẽ các “nới lỏng” được ông Trump đề cập.

Trên Fox News Sunday, ông Kudlow nhận mạnh quyết định của ông Trump không phải là một “lệnh ân xá” dành cho Huawei.

Các công ty Mỹ chỉ được phép làm ăn với Huawei trong trường hợp “không có rủi ro an ninh quốc gia”.

Bộ Thương mại sẽ cấp một số giấy phép bổ sung cho các bộ phận, linh kiện mà Huawei có nhu cầu. Các doanh nghiệp microchip của Mỹ chỉ được bán những sản phẩm mà nước khác cũng có sẵn. Ông Kudlow cho biết thêm: “Mối quan tâm rộng hơn về Huawei sẽ là một phần của các cuộc đàm phán mới giữa hai nước. Thỏa thuận cuối tuần qua ‘không phải là lời cuối cùng'”.

Giới nghị sĩ Mỹ cho rằng, dù thế nào, sự kiên quyết đối với Huawei của chính quyền ông Trump đã thay đổi. Điều này cho thấy sự nhường nhịn của Tổng thống Mỹ trước sức ép.

Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa Lindsay Graham cho rằng, sẽ có rất nhiều sự phản ứng nếu đó là ‘một sự nhượng bộ lớn’ với Huawei.

Vấn đề thế nào là an ninh quốc gia và tác động của các sản phẩm Huawei lên an ninh quốc gia Mỹ đã trở thành vấn đề được đề cập đến nhiều nhất thời gian gần đây.

Nước Mỹ đã nghi ngờ về mối nguy hiểm của Huawei nhưng khi chính thức tung lệnh cấm giao dịch hợp tác với công ty này vào tháng 5, các công ty và nhiều tổ chức Hiệp hội Mỹ mới tá hỏa.

Hai công ty sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel và Xilinx Inc đã tham dự một cuộc họp vào cuối tháng 5 với Bộ Thương mại Mỹ để thảo luận về lệnh cấm của Nhà Trắng với Huawei. Qualcomm trước đó cũng đã thúc ép Bộ Thương mại về việc cân nhắc có nên cấm toàn bộ sản phẩm của Huawei hay không.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) đã thay mặt các nhà sản xuất chip của Mỹ sắp xếp các cuộc tham vấn với Washington để thảo luận về tác động của lệnh cấm.

Phó Chủ tịch về chính sách toàn cầu của SIA Keith Goodrich nói: “Đối với những công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, có vẻ chúng không nên nằm trong phạm vi của lệnh cấm. Chúng tôi đã nêu quan điểm này với Chính phủ Mỹ”.

Huawei đã tác động đến đời sống của Mỹ một thời gian rất dài. Đó không chỉ đơn thuần là việc mua bán, lắp ráp, sản xuất các linh kiện điện tử. Năm 2018, Huawei chi 70 tỷ USD để mua linh kiện thì có tới 11 tỷ USD dành cho các linh kiện từ Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron Technology. Việc cấm bán công nghệ cho Huawei rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới cực lớn các công ty sản xuất chip của Mỹ.

Huawei còn len lỏi vào các trường Đại học, đầu tư nghiên cứu khoa học, thu hút nhân tài ở Mỹ. Huawei đã rót tiền vào không ít các trường Đại học Mỹ thông qua Bộ phận nghiên cứu- phát triển của Huawei tại Mỹ mang tên Futurewei.

Công ty Trung Quốc cũng là công ty công nghệ sở hữu 69.000 bằng sáng chế trên toàn cầu, từ truyền dữ liệu đến quản lý lưu lượng mạng. Hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc có danh mục bằng sáng chế lớn nhất cho 5G – khoảng 1.554 SEP – dẫn trước Nokia, Samsung và LG Electronics. Đây là một trong những lĩnh vực có thể tổn thương mạnh mẽ tới các công ty viễn thông Mỹ.

Việc gia tăng sức ép tối đa lên đối thủ trước khi ngồi vào đàm phán được cho là chiến thuật đặc biệt luôn giúp ông Trump chiến thắng trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, việc hạ nhiệt cuộc chiến bằng cách nới lỏng lệnh cấm với Huawei có thể là bước đi hoặc bí ẩn, hoặc sơ sẩy của ông Trump.

Liệu Huawei sẽ thắng hay ông Trump sẽ thắng trong cuộc đối đầu này? 

(Theo Đất Việt)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều