Mỹ tìm ra điểm yếu, “bóp nghẹt” Trung Quốc?
Mới đây, trang Reuters đưa tin cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến mở rộng lệnh hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn và công cụ sản xuất vi mạch Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ lên kế hoạch công bố bộ quy tắc mới dựa trên những hạn chế đã được đề cập trong thư gửi 3 công ty Mỹ vào đầu năm nay, gồm KLA Corp (KLAC.O), Lam Research Corp (LRCX.O) và Applied Materials Inc (AMAT.O).
Các công ty trên đã xác nhận bức thư này. Trong thư, Bộ Thương mại Mỹ cấm họ xuất khẩu thiết bị sản xuất vi mạch cho các nhà máy Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, trừ khi họ được cấp phép đặc biệt từ cơ quan này.
Bộ quy tắc mới cũng sẽ soạn thành luật lệ những hạn chế đã được Bộ Thương mại Mỹ đề cập trong thư gửi Nvidia Corp (NVDA.O) và Advanced Micro Devices (AMD.O) vào tháng rồi nhằm yêu cầu họ tạm dừng xuất khẩu vi mạch sản xuất trí tuệ nhân tạo (AI) cho Trung Quốc, trừ khi họ được cấp phép đặc biệt.
Các chất bán dẫn là thành phần rất cần thiết cho nhiều lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu, bao gồm cả ngành công nghiệp sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.
Theo một vài nguồn tin, quy định mới nhiều khả năng bao gồm lệnh hạn chế bổ sung nhằm vào Trung Quốc. Cái được gọi là “thư thông báo” cho phép Bộ Thương mại Mỹ bỏ qua quy trình viết quy tắc tốn thời gian để áp đặt lệnh hạn chế nhanh chóng. Tuy nhiên, những bức thư này chỉ áp dụng với các công ty nhận được chúng.
Việc chuyển thư thành luật sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát của Bộ Thương mại Mỹ và có thể buộc những công ty Mỹ sản xuất công nghệ tương tự tuân theo các biện pháp hạn chế.
Quy định mới cũng có thể được áp dụng cho những công ty tìm cách thách thức thế thống trị của Nvidia và AMD trong lĩnh vực vi mạch AI.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Biden thời gian qua nỗ lực kiềm kế Trung Quốc bằng cách nhằm vào những lĩnh vực công nghệ mà Mỹ vẫn đang nắm thế thống trị.
“Chiến lược là bóp nghẹt Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Biden đã phát hiện ra rằng vi mạch là một điểm bóp nghẹt. Không có vi mạch, không thể tạo ra thiết bị sản xuất”, chuyên gia công nghệ Jim Lewis của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định với Reuters.
Những trục trặc trong chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 đã làm gián đoạn sản xuất ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ tiên tiến, đồng thời cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ và các nước khác vào Trung Quốc đối với các thành phần công nghệ.
Giữa bối cảnh đó, Mỹ đang dẫn đầu một nỗ lực chưa từng có để tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhằm giảm bớt các vấn đề của chuỗi cung ứng hậu đại dịch cũng như không phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.
Bảo Trâm (Theo Reuters)