+
Aa
-
like
comment

Mỹ tìm cách vớt tiêm kích F-35 vì lo sợ lọt vào tay Trung Quốc

26/01/2022 09:57

Mỹ đang lên kế hoạch vớt tiêm kích F-35C rơi xuống Biển Đông, trước những lo ngại rằng công nghệ của tiêm kích thế hệ 5 có thể bị rơi vào tay đối thủ Trung Quốc.

Ngay sau khi hải quân Mỹ xác nhận tiêm kích F-35C rơi xuống Biển Đông, tờ Daily Mail của Anh đã nhận định Washington sẽ phải chạy đua với thời gian để thu hồi xác phi cơ trước khi nó rơi vào tay Bắc Kinh.

“Hải quân Mỹ đang chuẩn bị chiến dịch tìm kiếm và trục vớt chiếc F-35C”, đại úy Nicholas Lingo, phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ, ngày 25/1 cho biết nhưng không tiết lộ chi tiết.

F-35 là một trong những tiêm kích tối tân nhất hiện tại (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Đã có nhiều lo ngại nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm về tiêm kích F-35, loại khí tài phức tạp và bí mật hàng đầu trong biên chế Mỹ, nếu lực lượng Trung Quốc hoặc Nga tiếp cận được xác máy bay. Ngoài thiết kế tàng hình, mỗi chiếc F-35 đều được trang bị hàng loạt cảm biến và công nghệ điện tử mới nhất của Mỹ.

“Chúng tôi không thể dự đoán về ý định của Trung Quốc trong vấn đề này”, đại úy Lingo nói thêm, khi được đề nghị bình luận về thông tin trên truyền thông Anh rằng có nhiều lo ngại chiếc F-35C sẽ rơi vào tay quân đội Trung Quốc.

Hải quân Mỹ chưa bình luận về phương án trục vớt xác chiếc F-35C.

Giới chuyên gia quân sự nhận định thu hồi xác tiêm kích cùng các công nghệ tối tân của nó dưới đáy Biển Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. “Máy bay nhiều khả năng vẫn còn tương đối nguyên vẹn vì lao xuống biển ở tốc độ thấp khi hạ cánh. Đó sẽ là phần thưởng tình báo hấp dẫn cho các cường quốc đủ khả năng trục vớt”, chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.

Tiêm kích F-35C trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Philippines hôm 22/1. Ảnh: US Navy.
Tiêm kích F-35C trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Philippines hôm 22/1.

Độ sâu nơi máy bay chìm, cũng như thời tiết và nhiều yếu tố khác, sẽ quyết định liệu hải quân Mỹ có tìm cách thu hồi nó hay không. Ngay cả xác định vị trí phi cơ dưới đáy biển cũng gặp nhiều khó khăn, vì nó không chìm thẳng xuống như tảng đá, mà có thể bị cuốn theo dòng hải lưu và nằm lại ở khu vực cách xa nơi xảy ra sự cố nhiều km.

Đây là vụ rơi thứ 6 của dòng tiêm kích F-35, không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, cũng là chiếc F-35 thứ hai bị hư hỏng khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công. Vụ tai nạn xảy ra trong lúc tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln diễn tập hiệp đồng trên Biển Đông từ ngày 23/1.

F-35C là phiên bản tiêm kích tàng hình được biên chế cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, có nhiều đặc điểm khác mẫu F-35A/B và cũng là biến thể nặng nhất trong dòng F-35. Khung thân và càng đáp của F-35C được gia cố để cất hạ cánh trên tàu sân bay, cánh có thể gập lại để tiết kiệm diện tích, phần đuôi được gắn thêm móc hãm đà. Dòng F-35 được trang bị nhiều công nghệ, cảm biến hiện đại mà Mỹ không muốn để lọt vào tay các đối thủ.

(Theo Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều