Mỹ thúc đẩy dự luật quốc phòng 740 tỷ USD, nhắm đến Trung Quốc
Ủy ban tại thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật quốc phòng với điều khoản nhắm mục tiêu tới Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai nước đang nóng lên.
Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 11/6 đã công bố phiên bản mới trị giá 740 tỷ USD của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) thường niên, nhằm xây dựng chính sách cho Bộ Quốc phòng về tất cả lĩnh vực từ tiền lương của binh sĩ cho tới mua sắm trang thiết bị để đối phó với Trung Quốc.
Dự luật NDAA 2021 cũng đề cập tới các cuộc tranh cãi đang xảy ra liên quan tới vấn đề sắc tộc, khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ sau cái chết của công dân da màu George Floyd – người bị cảnh sát ghì đầu tới chết tại Minneapolis.
NDAA 2021 cũng ủng hộ việc đặt lại tên các căn cứ quân sự theo tên của các chỉ huy thời kỳ nội chiến, đồng thời cấm sử dụng quân đội để đối phó với các cuộc biểu tình ôn hòa.
Tương tự các năm gần đây, dự luật NDAA năm nay cũng có các điều khoản tập trung vào Trung Quốc, bao gồm việc thành lập “Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương” – một quỹ gần 7 tỷ USD tập trung vào cuộc cạnh tranh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp nhằm tăng cường chuỗi cung ứng của Mỹ, sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã phơi bày sự phụ thuộc của các công ty nội địa Mỹ vào Trung Quốc. NDAA cũng tính chi 44 triệu USD cho các cuộc nghiên cứu vắc xin và công nghệ sinh học nhằm ứng phó với đại dịch.
Dự luật cũng yêu cầu đưa ra báo cáo mới về những rủi ro từ việc sử dụng công nghệ của Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc bị Mỹ coi là mối đe dọa về an ninh.
Ngoài ra, dự luật ủy quyền chi 9,1 tỷ USD để mua 95 máy bay F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất và điều chỉnh 6 máy bay chiến đấu F-35 ban đầu định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ủy ban Quân vụ Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật với số phiếu ủng hộ là 25 và số phiếu phản đối là 2. Để trở thành luật chính thức, NDAA 2021 phải được điều chỉnh để phù hợp với dự luật của Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, trước khi được Quốc hội thông qua và gửi tới Tổng thống Donald Trump để ký thành luật hoặc phủ quyết.
Thành Đạt/DT