Mỹ ‘thả nhầm’ một người dương tính virus corona
Đây là trường hợp nhiễm nCoV thứ 13 ở Mỹ nhưng là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trong số những người được sơ tán khỏi Vũ Hán. Rất may, lúc phát hiện sai sót, ông này vẫn trong trung tâm cách ly của quân đội Mỹ.
Đài CNN dẫn các nguồn tin riêng ngày 10-2 cho biết nam bệnh nhân nói trên đã được đưa tới Bệnh viện San Diego cùng 3 người khác sau một chuyến bay sơ tán công dân Mỹ từ Vũ Hán – tâm dịch của Trung Quốc.
Cả 4 người này có các triệu chứng phổ biến của tình trạng nhiễm virus corona chủng mới (nCoV) nên được đưa thẳng tới bệnh viện sau khi đáp xuống căn cứ Miramar ở bang California ngày 5-2.
Nhân viên Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sau đó tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của bốn người để xét nghiệm. Kết quả cho thấy không ai dương tính với nCoV. Ngày 9-2, cả bốn người này được cho xuất viện và trở về trung tâm cách ly 14 ngày tại Miramar.
Nhưng đến sáng 11-2, phía CDC thông báo đến cơ quan y tế công cộng San Diego rằng một trong bốn người này dương tính với nCoV sau khi tiến hành thêm các xét nghiệm kiểm tra.
Người đàn ông dương tính với nCoV được đưa ngay tới Trung tâm y tế Đại học California San Diego để theo dõi và cách ly trong tình trạng sức khỏe tốt.
Trong một thông báo sau đó, CDC cho biết đang điều tra, sàng lọc kỹ lưỡng những người đã tiếp xúc với người đàn ông nói trên để kịp thời cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Mỹ là quốc gia đầu tiên tiến hành sơ tán công dân khỏi Vũ Hán – tâm dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Chưa có ca tử vong nào vì nCoV được ghi nhận trên lãnh thổ Mỹ nhưng quốc gia này đã có một công dân thiệt mạng vì nCoV tại Trung Quốc.
Đây cũng là người nước ngoài đầu tiên chết vì dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV được ghi nhận trên thế giới.
Ngày 10-2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã quyết định bổ sung chụp CT vào các phương pháp xác định người nhiễm nCoV.
Phương pháp phổ biến nhất đang được áp dụng ở cả Trung Quốc và thế giới hiện nay là lấy dịch phết hầu họng để kiểm tra dấu vết axit nucleic của nCoV. Tuy nhiên, đã có trường hợp dù bị nhiễm bệnh nhưng khi được xét nghiệm bằng phương pháp này lại cho ra kết quả âm tính, dẫn tới điều trị sai và nguy cơ lây lan cho người khác.
Việc chụp CT ngực cho phép các bác sĩ có thêm cơ sở để đưa ra kết luận, bởi nCoV chủ yếu tấn công vào phổi của người bệnh, theo Đài CGTN của Trung Quốc.
BẢO DUY/TT