Mỹ suýt nã bom Iran
Lầu Năm Góc đã vạch ra các kế hoạch quân sự, từ phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu Iran đến thực hiện một cuộc xâm lược trên bộ toàn diện nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo National Interest, lần cuối cùng lính Mỹ tham chiến trực tiếp với lực lượng chính quy của Iran là hồi tháng 4/1988, khi hải quân Mỹ tấn công các tàu cùng căn cứ trên biển của Iran để trả đũa vụ Tehran cài mìn ở Vịnh Ba Tư.
Một thập niên sau đó, Mỹ suýt tấn công Iran, lần này để đáp trả vụ đánh bom năm 1996 khiến hơn chục người Mỹ thiệt mạng. Nhưng Tổng thống Bill Linton khi đó đã chọn cách theo đuổi ngoại giao. Và sự kiện này có thể chứa đựng nhiều bài học cho các nhà lãnh đạo ngày nay.
Vào tháng 4/1988, tàu khu trục Hải quân Mỹ USS Samuel B. Roberts vấp phải một quả mìn Iran trong khi đang hộ tống các tàu dầu qua Vùng Vịnh. Không ai thiệt mạng nhưng chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đã ra lệnh cho hải quân trả đũa.
Ngày 18/4/1988, các tàu, chiến cơ và trực thăng Mỹ tấn công các lực lượng Iran, đánh chìm 2 tàu chiến và giết chết nhiều thủy thủ Iran. Hai người Mỹ tử vong khi trực thăng của họ rơi.
Tám năm sau, ngày 25/6/1996, nhóm Saudi Hezbollah đánh bom một doanh trại quân đội Mỹ tại Khobar Towers ở Ảrập Xêút. 19 người Mỹ thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Cộng đồng tình báo Mỹ nghi Saudi Hezbollah có quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).
“FBI và các quan chức chống khủng bố của Mỹ kết luận IRGC đã đóng một vai trò trong lựa chọn mục tiêu và huấn luyện các thủ phạm”, Malcolm Byrne viết trên trang web của Trung tâm Lưu trữ an ninh quốc gia tại Đại học George Washington University.
“Tuy nhiên, trong ít nhất 2 năm, chính phủ Ảrập Xêút khước từ yêu cầu của Mỹ cho truy cập những bằng chứng quan trọng mà họ đã thu thập được trong quá trình thẩm vấn các nghi phạm…”.
Tổng thống Bill Clinton đã yêu cầu Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ vạch ra các lựa chọn tấn công. Ông nói với cố vấn chống khủng bố Richard Clarke rằng, ông không muốn bất kỳ biện pháp nửa vời nào.
“Lầu Năm Góc đã vạch ra các kế hoạch, từ phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu Iran đến thực hiện một cuộc xâm lược Iran toàn diện trên bộ”, Paul Iddon viết trong một bài báo năm 2015. “Tuy nhiên, dường như kế hoạch hành động được nhất trí là bắn phá dữ dội các mục tiêu quân sự Iran ở các tỉnh vùng Vịnh bằng các cú tấn công tên lửa, trên không và hải quân”.
Nhưng các đòn trả đũa chỉ dừng lại ở giai đoạn lập kế hoạch và Iddon chỉ ra “bản chất gián tiếp của bằng chứng cùng thực tế các nước Vùng Vịnh lo ngại về những hậu quả tiềm tàng”.
Cuộc bầu cử của Iran năm 1999 đã làm thay đổi suy nghĩ của Bill Clinton. Tân Tổng thống Iran Mohammed Khatami nổi tiếng là một nhà cải cách.
“Khatami, dường như không hay biết âm mưu này, lên nhậm chức và Nhà Trắng quyết định các cuộc trả thù quân sự vào thời điểm đó sẽ làm suy yếu mục tiêu lớn hơn: thiết lập một cơ hội ngoại giao với Tehran”, Malcolm Byrne viết.
Và như một sự thỏa hiệp, chính quyền Clinton đã gửi một lá thư cho ông Khatami, nói rằng Washington có bằng chứng trực tiếp IRGC liên quan vụ tấn công Khobar, yêu cầu Tehran hãy đưa những kẻ có trách nhiệm (hoặc ở Iran hoặc ở Ảrập Xêút) ra trước pháp luật, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ của ông Khatami trong việc chấm dứt sự hậu thuẫn của Iran cho khủng bố. Tuy nhiên, thư cũng nêu rõ Mỹ muốn hướng tới mối quan hệ tốt hơn với Iran, nhấn mạnh rằng cuộc tấn công xảy ra trước khi ông trúng cử.
Theo các tài liệu đã được công bố cùng nhiều quan chức chính quyền Clinton, lá thư được chuyển đi vào tháng 6/1999 tới Quốc vương Oman và Ngoại trưởng Oman được yêu cầu gặp ông Khatami, truyền tải những tuyên bố tôn trọng từ Clinton và bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ thực sự.
Phản ứng của Khatami rất tích cực. Tuy nhiên, khi bàn diễn biến mới với lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Iran, thì tân Tổng thống Iran vấp phải sự phản đối dữ dội đối với cả bản chất và giọng điệu trong đề nghị của Mỹ.
Ngoại giao nhanh chóng đổ bể, theo Malcolm Byrne. “Phản ứng chính thức của Iran được chuyển tới người Mỹ vào đầu tháng 9/1999, rất thẳng thừng, nói rõ rằng giới chức Iran không có ý định theo đuổi mối quan hệ với Washington trong những hoàn cảnh đó”.
Thanh Hảo/Vietnamnet