+
Aa
-
like
comment

Mỹ ráo riết chạy đua tìm đường bịt “đường đi” của tài liệu bị rò rỉ

Bảo Trâm - 12/04/2023 20:15

Mỹ đã bắt đầu điều tra việc rò rỉ tài liệu mật trên Internet. Lầu Năm Góc xem xét sự cố ảnh hưởng thế nào tới an ninh quốc gia, còn Bộ Tư pháp tìm người đứng sau vụ việc.

Ít nhất 100 tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị phát tán trên Internet. Ảnh: Reuters.

Ít nhất 100 tài liệu mật của Lầu Năm Góc đã xuất hiện trên Internet mà không bị phát hiện trong hơn một tháng. Theo Financial Times, đây là vụ rò rỉ thông tin tình báo tồi tệ nhất của Mỹ, kể từ sau vụ việc của Edward Snowden năm 2013.

Khi đó, Snowden là người đã tiết lộ thông tin chương trình nghe lén tối mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) – nơi ông làm nhân viên – tới tờ Guardian và Washington Post.

Các tài liệu rò rỉ gần đây phần lớn liên quan đến xung đột ở Ukraine, bao gồm tình hình chiến trường, cũng như những thông tin Mỹ thu thập được từ các đồng minh, như Hàn Quốc và Israel.

Vụ rò rỉ tài liệu như hồi chuông báo động khắp Washington và cộng đồng tình báo, theo Financial Times.

Tài liệu chứa thông tin gì?
Các tài liệu về chiến sự Ukraine có các bản đồ chi tiết, thông tin chiến trường. Điều đặc biệt đáng lo ngại là tài liệu chứa thông tin về cuộc phản công sắp tới của Ukraine, mặc dù không nêu chi tiết.

Một số tài liệu nêu cụ thể tình trạng thiếu hụt phòng không nghiêm trọng của Ukraine. Phân tích ngày 23/2 lặp lại những phát biểu công khai trước đó rằng cuộc giao tranh ở phía đông là “chiến dịch tiêu hao sức lực” có thể dẫn đến thế bế tắc.

Một slide khác chỉ ra có khoảng 100 lính đặc nhiệm đang hoạt động ở Ukraine, từ Mỹ, Anh, Pháp, Latvia và Hà Lan.

Thông tin rò rỉ còn tiết lộ hệ thống giám sát vệ tinh chưa từng được biết tới của Mỹ là “LAPIS”.

Về phía đồng minh của Mỹ, tài liệu ghi cơ quan tình báo Israel (Mossad) kích động người dân biểu tình chống chính phủ nước này hồi tháng 3. Chính phủ Israel đã phủ nhận thông tin này.

Có tài liệu chứa thông tin về các cuộc thảo luận nội bộ của giới chức Hàn Quốc. Nội dung thảo luận về việc Mỹ gây áp lực thuyết phục Hàn Quốc gửi vũ khí cho Ukraine, điều đi ngược với chính sách Seoul theo đuổi. Hàn Quốc khẳng định phần lớn thông tin trong tài liệu là giả.

Tài liệu rò rỉ bằng cách nào?

Theo các nhà phân tích, một số thông tin được đăng tải trên nền tảng nhắn tin Discord từ tận tháng 1. Tới ngày 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mới nghe báo cáo lần đầu tiên về sự việc, khi một số tệp xuất hiện trên kênh Telegram liên quan tới chiến sự Ukraine.

Theo phân tích của Bellingcat, các kênh Discord – đăng tải một số tài liệu vào tháng 3 – chủ yếu nói về trò chơi Minecraft và là nhóm người hâm mộ của một người nổi tiếng trên YouTube ở Philippines. Sau đó, thông tin lan sang 4Chan, rồi tới Twitter và Telegram.

Phần lớn thông tin tương đối mới, với các trang slide gần đây nhất vào khoảng đầu tháng 3. Dù Financial Times không thể xác thực thông tin một cách độc lập, tính cụ thể cùng cách phân loại cho thấy thông tin đáng tin cậy. Một số quan chức quốc phòng cho biết đây dường như là tài liệu thật và chứa thông tin nhạy cảm, mặc dù một số thông tin đã thay đổi.

Financial Times cũng đã xem xét hàng chục tập tin, gồm cả ảnh chụp các bản in nhàu nát. Giới phân tích tin hành động chụp lại tài liệu cho thấy thông tin bị phát tán, chứ không phải bị hack.

CNN dẫn nguồn tin cho hay các quan chức Lầu Năm Góc được cảnh báo mọi điều họ nói về vụ rò rỉ này đều có thể dùng trong cuộc điều tra, nên họ đang cực kỳ cẩn trọng với những phát ngôn liên quan.

Một quan chức cho biết các tài liệu rò rỉ dường như là một phần tập tóm tắt tin tình báo hàng ngày chuẩn bị trình lên nhóm lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley.

Các quan chức cho biết hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, có quyền truy cập vào tập tài liệu này. Hàng ngày, phiên bản cập nhật sẽ được đăng lên trang web bảo mật mà chỉ những người có thẩm quyền mới truy cập được. Các quan chức nói họ theo dõi lượng truy cập, và việc tải slide không phải hành động đáng ngờ.

Một quan chức cấp cao Mỹ nói thêm mọi văn phòng có cấp lãnh đạo đều ngừng dùng máy tính bảng của Microsoft. Người này cho biết máy tính bảng này gồm thông tin tối mật và nhạy cảm.

Hai nguồn tin khác chia sẻ ngoài máy tính bảng, các quan chức Lầu Năm Góc cũng được trang bị các tập tài liệu giấy hàng ngày. Bản cập nhật hàng ngày có thể được gửi qua email và thường tự động chuyển tiếp tới cá nhân có trong danh sách cụ thể.

Một quan chức nói Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ đang kiểm tra danh sách của mình để xem ai là người nhận được báo cáo này. Nhiều tài liệu có chỉ dấu cho thấy bộ phận tình báo của hội đồng này là bên sản xuất.

Điều tra viên cũng sẽ kiểm tra nhật ký máy in từ vài tháng trước nhằm thu hẹp nhóm nghi phạm. Một quan chức nói có thể in các tài liệu tối mật, nhưng chỉ bằng máy in được nối với các máy tính chứa tài liệu tối mật. Mỗi máy in có một mã định danh duy nhất, và lịch sử in được ghi lại.

Điều tra viên cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng các bức ảnh chụp những tài liệu giấy, nhằm tìm dấu hiệu xác định máy in.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/4 nói cơ quan này chưa xác định được ai là người đứng sau vụ rò rỉ. Ảnh: New York Times.

Ai là nghi phạm?

Lầu Năm Góc đang điều tra nhằm xem xét vụ rò ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ thế nào, trong khi Bộ Tư pháp điều tra hình sự người đứng sau vụ rò rỉ. Nhiều quan chức cảnh báo thông tin trong vụ rò rỉ lần này rất nhạy cảm và thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người cung cấp.

Cuộc điều tra liên ngành có sự tham gia của Văn phòng Tình báo và An ninh của Lầu Năm Góc, và có thể kéo dài tới vài tháng. Dù vậy, khi đã tìm ra người chịu trách nhiệm, thủ phạm sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.

Các quan chức sẽ tìm xem xét phạm vi vụ rò rỉ, khi chưa rõ họ đã ngăn chặn được toàn bộ tài liệu mật lưu hành trên Internet chưa. Một quan chức nói Lầu Năm Góc không tập trung vào nguồn rò rỉ, nhưng sẽ kiểm tra cách thức phân phối thông tin mật và có thể thay đổi người nhận thông tin hàng ngày.

Bộ trưởng Lloyd Austin cho biết đến thời điểm hiện tại, họ chưa biết ai là người đứng sau vụ việc. Một số người suy đoán nghi phạm có thể là con một quan chức Lầu Năm Góc muốn khoe khoang với bạn bè trên Discord.

Tuy nhiên, phỏng đoán này không giải thích được lý do ngay từ đầu, các tài liệu biến mất khỏi Lầu Năm Góc. Nhìn từ các bức ảnh trên mạng, những tài liệu này có phần nhàu nát, giống ai đó gấp lại và nhét tài liệu vào túi.

Dù nhiều quan chức có xu hướng mang thông tin mật về nhà, một người nói việc gấp tài liệu “chứng minh người này không có thẩm quyền đó”.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều