Mỹ ra chính sách lịch sử về Biển Đông
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế khi trả lời PV xoay quanh thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về quan điểm của nước này đối với Biển Đông.
Ngày 14.7, trả lời PV, GS Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia – Đại học Quốc gia Úc) cho rằng: Tuyên bố ngày 14.7 của Mỹ mang tính lịch sử này là diễn biến có tác động lớn đến tình hình Biển Đông. Cụ thể hơn, Washington thể hiện rõ quan điểm đứng về phía các bên yêu sách ở Đông Nam Á về Biển Đông. Quan trọng hơn, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có thông điệp rõ về mức độ hỗ trợ đối với các bên ở Đông Nam Á.
“Thách thức đặt ra lúc này sẽ là Mỹ làm sao chứng minh quyết tâm bằng hành động và sự hiện diện. Hiện tại, Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện khi điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay mới đây tập trận ở Biển Đông. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở mức độ cao tại Biển Đông trong thời gian tới. Nhưng dù gì đi nữa, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo vẫn mang giá trị của một khoảnh khắc lịch sử”, GS Rory Medcalf đánh giá.
Đáp trả hành vi hung hăng
Cũng trả lời PV cùng ngày, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nói: Đây là diễn biến mang tính lịch sử đối với tình hình Biển Đông vì 3 lý do.
Cách tiếp cận mạnh mẽ
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thể hiện rõ quan điểm cụ thể của Washington sau một thời gian không thể hiện rõ. Với tuyên bố này, Mỹ đã công khai đứng về phía UNCLOS 1982 để chống lại các tuyên bố của Trung Quốc. Tất nhiên, tuyên bố này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đứng về phía mọi quốc gia có yêu sách ở Biển Đông. Nhiều khả năng, sau tuyên bố này, Mỹ sẽ có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn về Biển Đông, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Đổi lại, Trung Quốc có khả năng tăng cường thách thức các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Thực tế này cũng ẩn chứa rủi ro xung đột ở Biển Đông.
TS Swee Lean Collin Koh (Chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore)
Thứ nhất và quan trọng nhất, Trung Quốc thể hiện thái độ thách thức khi đẩy mạnh các hành vi hung hăng trong suốt nhiều năm qua. Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng ở các đảo và thực thể nhân tạo trên Biển Đông. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để gây rối.
Thứ hai, động thái này của Mỹ có thể nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, khi Trung Quốc có hành động khiêu khích nhiều quốc gia cùng lúc. Trung Quốc gây rối từ Ấn Độ đến biển Hoa Đông cũng như gây nhiều căng thẳng trên Biển Đông.
“Thứ ba, đây là thời điểm tốt nhất để Mỹ gây áp lực đối với Trung Quốc. Bởi hiện tại, dù Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thể theo kịp Mỹ. Ví dụ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thì ngân sách năm qua của Mỹ vẫn là 476 tỉ USD, trong khi Trung Quốc chỉ là 370 tỉ USD. Và với nền tảng hiện tại, Mỹ có nhiều cơ hội tiếp tục phát triển mạnh hơn. Tương tự, GDP của Mỹ vẫn ở mức 19.390 tỉ USD, còn Trung Quốc là 12.240 tỉ USD. Về ngân sách quốc phòng thì Mỹ là 603 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức chưa đầy 200 tỉ USD của Trung Quốc. Dựa trên các yếu tố công nghệ, sức mạnh kinh tế, Mỹ vẫn có nhiều cơ hội lấn lướt Trung Quốc, nên đây là thời điểm để Washington đánh bại Bắc Kinh. Nên rõ ràng Mỹ đang có lợi thế để Washington tận dụng lợi thế trước Bắc Kinh”, TS Nagao đánh giá.
Mỹ điều chiến hạm tiến vào Trường Sa ngay sau khi ra tuyên bố về Biển Đông
Navy Times dẫn lời quan chức Hạm đội 7 cho biết tàu khu trục USS Ralph Johnson hôm 14/7 xuất hiện gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo trang DVIDS, tàu khu trục USS Ralph Johnson được triển khai thực hiện các hoạt động an ninh biển và hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuy nhiên, trang này không nói rõ USS Ralph Johnson hoạt động gần thực thể nào trong quần đảo Trường Sa.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Hạm đội 7 cho biết hoạt động tự do hàng hải hôm 14/7 của Hải quân Mỹ là để nhằm duy trì các quyền, tự do hàng hải trên các vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận.
“Chừng nào một số quốc gia còn tiếp tục tuyên bố và đòi hỏi giới hạn đối với các quyền vượt quá thẩm quyền của họ theo luật pháp quốc tế, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và tự do của vùng biển được bảo đảm cho tất cả các bên. Bất cứ thành viên nào trong cộng đồng quốc tế không nên bị đe dọa hoặc chèn ép dẫn đến việc bị ép buộc từ bỏ các quyền và tự do của họ”, tuyên bố của Hạm đội 7 nhấn mạnh.
Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông điệp chỉ trích hành vi “bắt nạt” các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc và khẳng định hầu hết yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trên Biển Đông là “trái pháp luật”. Tuyên bố này được đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thành Nhân