Mỹ quyết định chưa từng có, TT Trump tung tiền, thế giới nín chờ
Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật kích thích kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD nhằm trực tiếp giúp người lao động Mỹ và nhiều doanh nghiệp trong các ngành ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Đây là gói kích thích có quy mô lớn chưa từng có, cao hơn so với cuộc khủng hoảng 2008 và các cuộc khủng hoảng trước đó.
Trong gói 2.000 tỷ USD lần này, một khoản tiền 250 tỷ USD để chuyển trực tiếp cho cá nhân và gia đình Mỹ (hỗ trợ trực tiếp 3.000 USD cho mỗi gia đình), 500 tỷ USD cho các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng; 350 tỷ USD cho vay các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD mở rộng chương trình trợ cấp thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp) và ít nhất 100 tỷ USD cho các bệnh viện và hệ thống y tế liên quan.
Toàn bộ thượng nghị sĩ Mỹ đã bỏ phiếu thuận cho thấy một sự nhất trí cao. Dự luật này sẽ được gửi đến Hạ viện Mỹ để bỏ phiếu vào ngày 27/3 trước khi được tổng thống Mỹ Donald Trump ký hiệu lực.
Như vậy, một lượng tiền lớn sẽ được bơm trực tiếp cho các cá nhân, doanh nghiệp Mỹ, tăng trợ cấp thất nghiệp giữa bối cảnh phong tỏa lan rộng làm cuộc sống ở Mỹ đình trệ.
Gói cứu trợ được xem là một khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các gia đình, các doanh nghiệp ở Mỹ đang khó khăn vì lệnh đóng, phong tỏa,… gây ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến số người nhiễm tại Mỹ sắp vượt Trung Quốc và số người chết đã vượt ngưỡng 1.000 người. Nước Mỹ trong tình cảnh bi đát hiếm có với khoảng 1/2 dân số đang bị cô lập do nhiều bang phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn tuyên bố thảm hoạ do dịch bệnh Covid-19 tại nhiều bang, trong đó có New York, Washington và California của nước này.
Trước đó, Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương Mỹ Fed đã lên một loạt kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đối phó dịch Covid-19. Với khoản tiền khổng lồ, chính quyền ông Trump tin sẽ sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua 90-120 ngày sau đó.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng đã thông qua hai đạo luật Covid-19 (một đạo luật trị giá 8,3 tỷ USD và một đạo luật hơn 100 tỷ USD) với trọng tâm là trợ giúp những người thu nhập thấp và trung bình, ngược với nhiều quốc gia (vốn tập trung vào việc cứu giúp các doanh nghiệp và khôi phục sản xuất trong các gói trợ giúp kinh tế). Đạo luật khẩn cấp đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tăng cường công tác phòng và ngăn ngừa dịch bệnh và giúp những người nghèo thu nhập thấp, những người không có bảo hiểm hoặc bảo hiểm không chi trả việc xét nghiệm Coronavirus thì sẽ được chính phủ chi trả toàn bộ.
Hôm 18/3, Tổng thống Trump lại ký đạo luật thứ hai có tên Family First Coronavirus Response Act, trị giá trên 100 tỷ USD, cũng đặt các gia đình có thu nhập thấp và trung bình là ưu tiên cao nhất, giúp chính quyền ngay lập tức chi trả các khoản tiền cho những người lao động bị mất việc tạm thời, hoặc những người phải nghỉ 14 ngày do bị cách ly hoặc phải chăm sóc người thân trong gia đình bị nhiễm bệnh.
Như vậy, sau khi có những gói khẩn cấp giải cứu người nghèo Mỹ, gói kích thích 2.000 tỷ USD lần này có phạm vi tác động rộng hơn, không những bơm tiền trực tiếp cho hàng triệu gia đình Mỹ mà còn tập trung nhắm tới giới cứu doanh nghiệp và có quy mô cực lớn.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã đưa ra kế hoạch kích thích chưa từng có, gồm một chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã dùng tới cụm từ “không giới hạn” (unlimited) để nói về các khoản tiền mà cơ quan này sẽ sử dụng cho hoạt động mua tài sản sắp tới.
Cụ thể, Fed sẽ mua trái phiếu và chứng khoán có tài sản đảm bảo với khối lượng không giới hạn để bơm tiền vào nền kinh tế và thiết lập các chương trình cho vay khối lượng lớn để đảm bảo dòng chảy tín dụng thông suốt tới các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 lan mạnh.
Đây cũng là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, Fed can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nó cho thấy mức độ trầm trọng của nền kinh tế do những gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Fed cũng đã hạ lãi suất 150 điểm phần trăm từ mức 1,5-1,75% xuống còn 0-0,25% nhằm bơm thêm tiền vào vực dậy nền kinh tế.
M. Hà/ VNN