+
Aa
-
like
comment

Mỹ nói Trung Quốc như ‘xã hội đen’ ở Biển Đông mà vẫn kiếm ghế ở tòa luật biển quốc tế

15/07/2020 06:23

Quan chức ngoại giao Mỹ cảnh báo trong bất tuân UNCLOS và chèn ép các nước cho mưu đồ khai thác chung trên Biển Đông, Trung Quốc đang tìm cách đưa người vào ghế thẩm phán tại Tòa luật biển quốc tế (ITLOS).

Mỹ nói Trung Quốc như xã hội đen ở Biển Đông mà vẫn kiếm ghế ở tòa luật biển quốc tế - Ảnh 1.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell – Ảnh: CSIS

Phát biểu tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 10 của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 14-7, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell tiếp tục nhắc lại việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016.

“Bắc Kinh đã bỏ qua phán quyết này dù có nghĩa vụ phải tuân thủ nó với tư cách là một bên phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Trung Quốc thích thể hiện họ là một quốc gia chủ xướng đa phương và đề cao các tổ chức quốc tế, nhưng họ đã ngó lơ và xem phán quyết như một tờ giấy lộn”, quan chức Mỹ đặt vấn đề.

Ông Stilwell cũng chỉ ra việc Trung Quốc đã sử dụng các công ty có mác dân sự cho các hoạt động cưỡng ép trên Biển Đông ra sao.

Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định việc Trung Quốc liên tục quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của các nước là vì mưu đồ “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông. Theo một số ước tính chưa chính thức, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông trị giá khoảng 2,6 nghìn tỉ USD.

Một trong những chiến thuật bắt ép và quấy rối của Bắc Kinh là cố gắng tăng rủi ro cho các công ty dầu khí nước ngoài có ý định hoạt động ở Biển Đông. Một khi đẩy được các công ty này đi, các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc sẽ nhảy vào.

“Bắc Kinh lúc này sẽ nói với các nước trong khu vực rằng nếu các anh muốn khai thác dầu khí ngoài khơi, các anh chỉ có lựa chọn bắt tay với chúng tôi. Đó chẳng phải là các chiến thuật như xã hội đen sao”, ông Stilwell lập luận.

Trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), Trung Quốc tiếp tục bắt ép các nước ASEAN gạt bỏ lợi ích quốc gia, hướng tới việc đẩy các nước như Mỹ ra khỏi khu vực.

Mỹ nói Trung Quốc như xã hội đen ở Biển Đông mà vẫn kiếm ghế ở tòa luật biển quốc tế - Ảnh 2.
Ông Đoàn Khiết Long – ứng viên Trung Quốc đề cử chi vị trí thẩm phán tòa luật biển quốc tế – Ảnh chụp màn hình

Với những gì vừa kể, ông Stilwell đi tới một cảnh báo trong hội thảo của CSIS: Dù ngày càng xem thường luật quốc tế, Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh chiến dịch kiếm ghế ở Tòa luật biển quốc tế (ITLOS). Quá trình bầu chọn sẽ được tiến hành trong cuối tháng 8 đầu tháng 9 tới.

Theo quan chức Mỹ, Đoàn Khiết Long, ứng cử viên do Trung Quốc đề cử vốn là đại sứ tại Hungary và chưa được kiểm chứng có đủ năng lực cho vị trí thẩm phán ITLOS.

“Bầu một quan chức Trung Quốc cho vị trí thẩm phán tại tòa án này cũng giống như thuê kẻ phóng hỏa làm giám đốc sở chữa cháy. Các quốc gia tham gia việc bầu chọn thẩm phán ITLOS cần đánh giá thông tin của ứng viên Trung Quốc và tự hỏi bỏ phiếu cho ông này là đang giúp hay đang hại luật hàng hải quốc tế”, ông Stilwell kêu gọi.

Không thể bầu cho nước đang phá hoại UNCLOS

Hồi tháng 5, Jonathan G. Odom – một học giả Mỹ chuyên về luật quốc tế – đã có một bài viết dài kêu gọi các nước không bỏ phiếu cho Đoàn Khiết Long. Ông lập luận việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết Biển Đông và bác bỏ tính hợp pháp của tòa là sự phá hoại UNCLOS.

Giống như Tòa trọng tài đã ra phán quyết Biển Đông năm 2016, ITLOS được thành lập bởi UNCLOS và đặt tại thành phố Hamburg của Đức. ITLOS có 21 thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm và không cấm việc bầu lại.

Trung Quốc đã có 3 thẩm phán tại tòa án này và duy trì hiện diện liên tục từ năm 1996. Cao Chí Quốc, thẩm phán hiện nay của Trung Quốc, sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10 tới. Ông này từng gây chú ý khi viết bài bảo vệ đường 9 đoạn của Bắc Kinh trong thời gian vẫn còn làm tại tòa.

BẢO DUY/TTO

Bài mới
Đọc nhiều