Mỹ: Người đã tiêm vắc xin Covid-19 không cần cách ly sau tiếp xúc ca nhiễm
Đến 6h ngày 12/2, thế giới có tổng cộng 108.250.347 ca Covid-19, trong đó 2.376.260 trường hợp tử vong, 80.276.849 người đã bình phục.
Châu Mỹ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, phù hợp với một số tiêu chí sẽ không cần cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc người mắc bệnh. Các tiêu chí bao gồm: Đã được tiêm chủng đầy đủ; phơi nhiễm trong vòng 3 tháng sau khi nhận liều vắc xin cuối cùng; không có triệu chứng sau lần phơi nhiễm hiện tại.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, hiện đã ghi nhận 27.897.214 ca mắc và 483.200 ca tử vong. Số ca nhiễm đã giảm dần kể từ giai đoạn đỉnh dịch ngày 8-1 vừa qua, nhưng biến thể SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đang lan nhanh tại Mỹ có nguy cơ dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới.
Hiện nay, Mỹ cũng cùng với các nước trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang xem xét khả năng huy động 500 tỷ USD thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch.
Châu Âu
Ireland có kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa đến tháng 4, đồng thời xem xét tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn cho đến kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Tại Anh, Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu cấu trúc gene Covid-19 Sharon Peacock cảnh báo, biến thể của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại vùng Kent của nước này có khả năng sẽ lây lan ra toàn thế giới và cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ tiếp diễn trong ít nhất một thập kỷ.
Trong bối cảnh đó, vấn đề vắc xin tiếp tục thu hút sự quan tâm. Cơ quan Quản lý dược phẩm (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị các nhà sản xuất vắc xin tiến hành kiểm tra xem liệu vắc xin của họ có bảo vệ con người trước các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 hay không. Việc một số biến thể mới xuất hiện gần đây làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tăng số ca nhiễm, trong khi vi rút có thể “nhờn” vắc xin.
EMA cũng cho biết đang soạn thảo một bản hướng dẫn mới dành cho các nhà sản xuất đang lên kế hoạch điều chỉnh vắc xin hiện tại để ứng phó với các biến thể SARS-CoV-2 mới.
Châu Á
Tại Đông Nam Á, Thái Lan đã công bố kế hoạch tiêm vắc xin cho 1 triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất vào tháng 5, tiến tới triển khai tiêm chủng đại trà sau đó 1 tháng. Hai giai đoạn này sẽ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5 và tháng 6 đến tháng 12. Trong giai đoạn đầu tiên, 2 triệu nhân viên y tế tuyến đầu ở những khu vực nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19 sẽ được tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc. Giai đoạn 6 tháng tiếp theo sử dụng 61 triệu liều vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh).
Malaysia đang cân nhắc sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 miễn phí cho hàng triệu người nước ngoài trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách kiểm soát các cụm lây nhiễm xuất hiện trong các nhà máy, đồn điền và công trường. Nội các Malaysia cũng đã đồng ý cung cấp vắc xin miễn phí cho cả những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, Ủy ban Cung ứng vắc xin phòng Covid-19 của nước này cho biết sẽ thảo luận thêm về cách thực hiện, đồng thời sẽ liên hệ với chính quyền các bang, đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ.
HNM