+
Aa
-
like
comment

Mỹ mưu phá thế trận Nga từ nóc nhà Bắc Cực?

14/09/2019 13:13

Về mặt lịch sử, nước Mỹ trở thành quốc gia Bắc Cực từ khi mua lại vùng Alaska của Nga cách đây khoảng 150 năm.

Bon chen kiểu Mỹ

Trong vòng 6 tháng qua, một thành viên “tí hon” của NATO là Iceland được Mỹ hết sức quan tâm. Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 2/2019, ngày 4/9 vừa qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã đến Reykjavik để đưa ra tuyên bố về Bắc Cực. Ngay trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị mua đảo Greenland của Đan Mạch, cách Iceland 900 hải lý.

Về mặt lịch sử, nước Mỹ trở thành quốc gia Bắc Cực từ khi mua lại vùng Alaska của Nga cách đây khoảng 150 năm. Trong 8 nước thuộc Hội đồng Bắc Cực gồm Mỹ, Canada, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Nga thì chỉ có duy nhất Nga là đối thủ của Mỹ trong khi các nước còn lại là đồng minh. Giới phân tích nhận thấy rằng chính sách Bắc Cực của Mỹ đột nhiên năng động hơn từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

My muu pha the tran Nga tu noc nha Bac Cuc?
Binh sĩ Mỹ đục băng phía trên tàu ngầm tấn công USS Hartford (SSN 768) tại Bắc Cực

Từ đầu nhiệm kỳ của vị tổng thống thứ 45 này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã hoạch định chiến lược mới tại Bắc Cực, chi tiết được công bố trong bản báo cáo tháng 6/2019, tức là hai tháng trước khi rò rỉ thông tin Tổng thống Trump chính thức đưa ra đề nghị mua đảo Greenland. Trong hơn một thập kỷ qua, Mỹ được cho là “rời bỏ” Bắc Cực, tạo ra khoảng trống cho Nga trở thành chủ nhân và gia tăng hiện diện quân sự tại nơi này.

Theo chiến lược Bắc Cực của Lực lượng tuần duyên Mỹ được công bố hồi tháng 4/2019, việc Mỹ không cải thiện các khả năng của mình ở Bắc Cực “đã tạo ra lỗ hổng chiến lược đe dọa tới khả năng bảo vệ hiệu quả chủ quyền của Mỹ”. Ngoài ra, 2 tàu phá băng của Mỹ khó có thể cạnh tranh được với đội tàu phá băng lên tới 40 chiếc của Nga. Quốc hội Mỹ đã cho thông qua ngân sách 1 tỷ USD để phát triển đội tàu này.

Để tham gia cuộc đua Bắc Cực, Mỹ không thể chỉ dựa vào Alaska mà cần có những “bàn đạp” trọng yếu. Đây chính là lý do để Mỹ sốt sắng quan tâm tới Greenland và Iceland, thành viên sáng lập NATO và là thành viên không có quân đội nên phải dựa vào Mỹ thông qua Hiệp ước quốc phòng tương hỗ năm 1951.

Bằng chứng cho thấy Mỹ đang quan tâm đặc biệt đến Iceland là việc Phó Tổng thống Mike Pence phải kéo dài thời gian ở thăm Iceland để chờ gặp bằng được nữ Thủ tướng Katrin Jakobsottir, vốn đang bận công du Thụy Điển vào thời điểm ông đến nước này.

Hồi tháng 5 vừa qua, khi tham dự hội nghị Bắc Cực tại Phần Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố nước này sẽ tăng cường hiện diện tại Bắc Cực để tiếp tục kiềm chế “thái độ gây hấn” của Trung Quốc và Nga. Ông Pompeo cảnh báo rằng khu vực này đã trở thành một đấu trường cạnh tranh sức mạnh toàn cầu và nhấn mạnh: “Chỉ vì Bắc Cực là nơi hoang vu không có nghĩa là nó sẽ trở thành một nơi vô pháp luật”.

My muu pha the tran Nga tu noc nha Bac Cuc?
Phó Tổng thống Mike Pence (phải) tại Reykjavik

Còn đối với Nga, lãnh thổ cực Bắc là vùng kinh tế truyền thống từ thời Nga hoàng. Khoảng 20% GDP của Nga là do tài nguyên của vùng lãnh thổ cực Bắc đem lại. Chính phủ Nga ngày càng trông cậy vào khu vực này với những đại công trình công nghiệp khí đốt hóa lỏng như dự án Yamal tại Siberia với đầu tư từ những tập đoàn dầu khí Trung Quốc và Pháp (Total) để khai thác nguồn khí đốt lớn nhất nhì thế giới.

Bên cạnh dầu khí, Nga cũng có những dự án khai thác than đá, kim loại. Do vậy, đối với Nga, Bắc Cực là nguồn tài nguyên quan trọng từ lâu nhưng nay được quan tâm nhiều hơn. Ngay từ năm 2007, Nga đã tiến hành cắm cờ dưới đáy biển ở khu vực Bắc Cực. Do đó, ngay cả khi Nga không làm điều gì “bất chính” thì Mỹ cũng lo ngại, nếu không phải là “chọc gậy bánh xe”.

Ngoài tài nguyên thiên nhiên, việc băng tan dần mở ra một tuyến hàng hải mới ở Bắc Cực, đặc biệt là hành trình dọc theo Na Uy hướng về Nga. Theo giới phân tích, đây là lộ trình thứ hai trong trường hợp Biển Đông bị phong tỏa. Chính vì thế mà nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã “ngắm” Bắc Cực.

Không dễ phá Nga

Giữa lúc “cuộc chiến” Bắc Cực nóng lên, truyền thông Nga hồi tháng 7 vừa qua đã tiết lộ một thông tin đáng để Moscow quan ngại. Sputnik dẫn lời Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng, chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko cho biết quân đội Mỹ đã đặt hàng để nghiên cứu về các khu vực phía Bắc của Nga. Đây là một trong những ưu tiên của Lầu Năm Góc.

Hãng tin RT của Nga cũng cho biết Lầu Năm Góc đang tìm kiếm các công ty tiến hành nghiên cứu và trình bày báo cáo về khu vực này. Danh sách các khu vực cần thực hiện nghiên cứu bao gồm đảo Kolguyev, Khu tự trị Yamal-Nenets, tỉnh Murmansk, Quần đảo Severnaya Zemlya, Cộng hòa Sakha (Yakutia) và Quần đảo Novosibirsk.

My muu pha the tran Nga tu noc nha Bac Cuc?
Tàu chiến Mỹ có chịu được “nhiệt” ở Bắc Cực?

Ngoài lãnh thổ của Nga, trong danh sách này còn có Greenland, Alaska, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Lầu Năm Góc quan tâm đến những vấn đề như nơi cung cấp nước đóng chai, thực phẩm, quần áo, các sản phẩm dầu mỏ và các chế phẩm y tế cho các khu vực này, có tài nguyên thiên nhiên ở đó hay không.

Các nhà thầu cũng cần lập danh sách các cảng, đường bộ, liên kết đường sắt và sân bay được sử dụng thường xuyên nhất cùng với các đặc điểm của chúng. Theo tài liệu của Lầu Năm Góc mà RT trích dẫn, những nghiên cứu này cần thiết để cải thiện khả năng khu vực thương mại trên toàn thế giới nhằm “đáp ứng nhu cầu huy động của chính phủ Mỹ khi có tình huống khẩn cấp”.

Sputnik dẫn lời chuyên gia Korotchenko cho biết lợi ích của Mỹ trong khu vực không phải là điều gì bí mật. Ông Korotchenko nhận định: “Đây là nghiên cứu về các hoạt động quân sự có thể xảy ra. Mỹ coi Nga là đối thủ tiềm năng, hoạt động quân sự của Nga ở Bắc Cực là một trong những điều quan trọng nhất. Trên bình diện đó, nỗ lực nghiên cứu khả năng của Moscow, phân tích các vấn đề cơ sở hạ tầng liên quan đến khu vực phía Bắc của Nga là một trong những ưu tiên quan trọng trong các hoạt động của quân đội Mỹ”.

My muu pha the tran Nga tu noc nha Bac Cuc?
Hệ thống tên lửa đặc chủng cho khu vực Bắc Cực Tor-M2DT của Nga

Theo ông Korotchenko, Nga có rất nhiều thứ để có thể đáp trả: “Hiện tại, Nga đang hiện đại hóa các căn cứ ở Bắc Cực, nhóm lực lượng và phương tiện rộng lớn ở Bắc Cực đang được thành lập. Một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ thống này là lực lượng phòng không. Chính vì lợi ích của việc đảm bảo phòng không của Nga ở Bắc Cực mà hệ thống tên lửa Tor-M2DT đã được phát triển và áp dụng”.

Theo ông Korotchenko, Tor-M2DT được điều chỉnh đặc biệt để sử dụng trong điều kiện Bắc Cực khắc nghiệt. Do đó, để đáp trả kế hoạch “điều nghiên” của Mỹ, Nga sẽ tăng cường sức mạnh phòng không bởi theo ông ở Bắc Cực, hình thức chiến đấu chính là tấn công bằng tên lửa hành trình.

Giới phân tích Mỹ hiện cáo buộc Nga đã xây dựng các căn cứ quân sự mới, mở cửa trở lại các căn cứ cũ, và cải thiện khả năng liên lạc của Nga ở khu vực Bắc Cực. Các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Cực của Nga cũng ngày càng được củng cố. Năm 2018, cuộc tập trận của Nga tại khu vực này đã huy động tới 300.000 binh sỹ, 1.000 máy bay chiến đấu, 80 tàu chiến và 36.000 xe tăng – trở thành cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1981.

Quy mô cuộc tập trận của Nga lớn hơn hẳn cuộc tập trận của NATO ở khu vực Bắc Cực cũng trong năm 2018. Dù là cuộc tập trận lớn nhất của NATO tại khu vực này kể từ sau Chiến tranh Lạnh song quân số tham gia chỉ có 50.000 với 250 máy bay chiến đấu, 65 tàu chiến và 10.000 xe tăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh báo rằng các cuộc tập trận trong năm nay có thể có quy mô lớn hơn, biến chúng trở thành cuộc kiểm tra nghiêm túc về khả năng chiến đấu của binh sỹ Nga ở Bắc Cực.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều