Mỹ muốn Trung Quốc hiểu đâu là ‘điều không thể sống chung’?
Theo giới chuyên gia, khi ông Biden lên nắm quyền, Mỹ sẽ thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, nhưng vẫn có những điều hai bên “không thể sống chung”.
Chính sách của Biden về Trung Quốc sẽ “hơi khác” Trump
Càng gần ngày ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ (20/01/2021), càng có nhiều dự đoán về chính sách đối ngoại của ông, trong đó trọng tâm là mối quan hệ với đối thủ chính Trung Quốc.
Jake Sullivan, trợ lý an ninh tương lai cho Tổng thống Biden, nói rõ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN rằng, chính sách đối với Trung Quốc của Biden sẽ “hơi khác” so với Trump, vốn đã gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương.
“Mục tiêu của chúng tôi là ngồi xuống ngay bây giờ và cùng làm việc thông qua các phân chia kinh tế đã có với Trung Quốc để có thể kết thúc cuộc chiến thương mại trên nhiều mặt trận mà chính quyền Trump bắt đầu” – Sullivan nói.
Các cựu quan chức ngoại giao Mỹ nói về nhu cầu tất yếu phải thay đổi điều gì đó trong quan hệ với Trung Quốc tại các hội nghị trực tuyến.
Ví dụ như Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard Haass tin rằng, Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải thống nhất một số quy tắc, để tìm ra điểm mà hai bên có thể giữ khả năng hợp tác.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ chỉ “hơi khác” với thời Trump, tức là thay đổi về phương pháp và biện pháp tiếp cận, chứ không phải là thay đổi về mặt chiến lược, vì có những vấn đề luôn được Hoa Kỳ coi là “nguyên tắc bất biến”.
Những vấn đề không thể nhân nhượng
Theo quan điểm của vị chính khách Mỹ, Bắc Kinh cũng phải hiểu những điểm cốt lõi gì hai bên “không thể sống chung” và hé lộ rằng, đó có thể là vấn đề Biển Đông, Đài Loan và một số biểu hiện trong các chính sách nhân quyền của Trung Quốc, đó là những chủ đề không thể lãng quên.
Rõ ràng là tầm nhìn chung của Hoa Kỳ về Trung Quốc không phụ thuộc vào đảng phái là việc chính quyền Washington luôn coi Trung Quốc là đối thủ chính của Hoa Kỳ. Điều này cũng có nghĩa là xung đột giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không thể tránh khỏi.
Tân tổng thống Joe Biden cho rằng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Mỹ phải tăng cường quan hệ với các đồng minh. Nếu không, Mỹ sẽ không đối phó được với gã khổng lồ ngày càng lớn mạnh.
Vài hôm trước ông Biden đã nói rằng, khi Washington cạnh tranh với Bắc Kinh và buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những lạm dụng trong thương mại, công nghệ, nhân quyền và các lĩnh vực khác, vị thế của Hoa Kỳ sẽ mạnh hơn nhiều khi xây dựng liên minh các đối tác và đồng minh cùng chí hướng.
Do đó, giới phân tích cho rằng, có thể giả định chính quyền mới của Nhà Trắng sẽ làm việc để tăng cường quan hệ với những quốc gia “có vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc”.
Dưới thời Donald Trump, điều này được phục vụ cho khái niệm của ông về một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” mà “Nhóm Bộ tứ” gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ là 4 trụ cột. Có thể Biden sẽ không chỉ đưa khái niệm này vào trong hoạch định chính sách của mình, mà còn phát triển nó lên cấp độ cao hơn.
Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ
Theo chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng muốn có những thay đổi trong quan hệ với Hoa Kỳ và thậm chí nhiều hơn những gì Washington muốn. Bởi vì người Trung Quốc rất quan tâm đến các công nghệ tiên tiến, thị trường rộng lớn và các khoản đầu tư của Mỹ.
Do đó, Bắc Kinh không muốn bất kỳ loại “chiến tranh lạnh” hay “chiến tranh nóng” với Washington.
Mới đây, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ hợp tác với Bắc Kinh để “nối lại đối thoại, đưa quan hệ song phương đi đúng hướng và khôi phục lòng tin lẫn nhau”. Ông Vương bày tỏ hy vọng hai bên sẽ giải quyết được những khác biệt thông qua đối thoại.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc chỉ ra các lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác hiệu quả, đó là những biện pháp chống lại đại dịch Covid-19, khôi phục nền kinh tế toàn cầu và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nhà phân tích chính trị Nga Piotr Tsvetov trước đây đã viết trong một bài báo của mình rằng, đây là ba lĩnh vực rất quan trọng đối với toàn nhân loại, nhưng chúng hầu như không đụng đến các vấn đề chính tạo nên chương trình nghị sự chủ chốt của quan hệ Trung – Mỹ, đó là vấn đề nhân quyền ở trong nước và và chính sách khiêu khích của Bắc Kinh ở ngoài nước.
Thay Tổng thống, Mỹ không đổi chính sách với Trung Quốc
Ông Tsvetov tin rằng, Hoa Kỳ dưới thời Biden sẽ tiếp tục chỉ trích chính sách của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương), Tây Tạng và Hồng Kông. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động quân sự của mình trong khuôn khổ đảm bảo quyền tự do hàng hải ở biển Đông.
Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện những mâu thuẫn mới. Nhiều chuyên gia ở cả Trung Quốc và Mỹ thừa nhận có những khác biệt về ý thức hệ hoặc văn minh giữa hai quốc gia này và chúng sẽ không biến mất cùng với sự thay đổi của chủ nhân Nhà Trắng.
Ông Mike Pompeo, ngoại trưởng của chính quyền Trump, chỉ trích chính quyền Bắc Kinh do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Đội ngũ thân cận của ông Joe Biden cũng không có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản, nghĩa là không thể tránh khỏi những bất đồng.
Và một ý kiến quan trọng nữa được các chuyên gia môt xẻ rằng, có thể ai đó hy vọng có thể đưa mối quan hệ Mỹ – Trung trở lại như thời Barack Obama còn là Tổng thống Mỹ và Joe Biden là phó Tổng thống.
Tuy nhiên, bốn năm đã qua, cục diện chính trị thế giới và khu vực đã thay đổi rất nhiều, quãng thời gian đã qua không thể quay lại và quá khứ không thể quay lại. Trung Quốc và Mỹ sẽ phải học cách sống chung và tương tác theo những cách mới, không giống như dưới thời Trump hay Obama.
Thiên Nam/BDV