Trong khi bờ biển phía Đông của Mỹ vừa bị siêu bão Ida quét qua và gây ra tình trạng mất điện diện rộng, các đám cháy rừng ở bang California vẫn hoành hành, khiến hàng nghìn người phải rời khỏi nơi ở.
Đám cháy có tên Caldor bùng phát từ giữa tháng 8 ở vùng núi phía Đông thành phố Sacramento, bang California. Đám cháy này vẫn lan rộng trong ngày 31/8 (giờ địa phương), gây nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hỏa và buộc chính quyền ra lệnh di tản diện rộng đối với người dân sống tại ranh giới hai bang California và Nevada. Ảnh AP. Người dân ồ ạt rời khỏi South Lake Tahoe, khiến thị trấn 22.000 dân này nhanh chóng trở nên trống trải, nhường chỗ lại cho bầu không khí đầy khói bụi. Ước tính, đám cháy Caldor đã thiêu rụi hơn 77.300 ha rừng khô hạn và khiến khoảng 50.000 người phải sơ tán, theo Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire). Ảnh AP. Ngoài ra, gió mạnh tại khu vực này cũng là điều kiện khiến đám cháy lan rộng và gây ra khó khăn cho lực lượng cứu hỏa. Gần 700 công trình, hầu hết là nhà ở, đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo đối với 34.000 tòa nhà khác. Ảnh AP. Dù chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận, đã có 3 lính cứu hỏa và 2 dân thường bị thương. Tính đến ngày 31/8, gần 4.000 nhân viên cứu hỏa và một phi đội hơn 20 máy bay trực thăng thả nước đã được điều động để dập lửa, trong khi đó, nguyên nhân cháy vẫn đang được điều tra. Ảnh AP. Trước đó, một vụ cháy rừng có tên Dixie đã thiêu rụi 312.000 ha rừng ở khu vực phía Bắc của Sierra. . Ảnh AP. Trong khi đó, cơn bão Ida đã quét qua khu vực Đông Nam nước Mỹ, khiến hàng triệu người bị cắt điện. Trong ảnh là đống đổ nát trên đường phố New Orleans sau khi bão quét qua. Ảnh Reuters. Ngày 31/8, khoảng 1,3 triệu khách hàng, chủ yếu tại bang Louisiana đã bị cắt điện, 2 ngày sau khi siêu bão đổ bộ, theo trang PowerOutage. Đáng chú ý, ngay sau khi bão tan, khu vực này dự kiến có nhiệt độ cao hơn 35 độ C. Ảnh Reuters. Cơn bão đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Số người thiệt mạng được cho là có thể cao hơn nếu như không có một hệ thống đê điều kiên cố được xây dựng quanh New Orleans, thành phố từng bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão Katrina cách đây 16 năm. Ảnh Reuters. Thống đốc Louisiana, John Bel Edwards bày tỏ “không ai hài lòng” với báo cáo rằng tình hình mất điện có thể kéo dài trong 30 ngày. Ảnh Reuters. Các bệnh viện tại New Orleans đã phải sử dụng nhiên liệu và bơm nước thủ công để duy trì hoạt động. Nhiều trung tâm y tế, cửa hàng và văn phòng tại thành phố này phải đóng cửa vì không có điện. Tuy nhiên, việc sử dụng máy phát điện cũng đã dẫn đến hậu quả ít nhất 9 người tại New Orleans đã bị ngộ độc khí thải carbon monoxide từ máy phát điện và phải cấp cứu trong đêm 30/8. Duy Tiến