+
Aa
-
like
comment

Mỹ mạnh tay trừng phạt Quân đội Campuchia

17/12/2021 15:57

Mỹ không muốn Campuchia bị sử dụng như một trung tâm tái xuất mà qua đó Trung Quốc có thể vượt qua các hạn chế của Mỹ để nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng do Mỹ sản xuất.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt đội danh dự ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

MỸ LIÊN TỤC TUNG RA CÁC ĐÒN TRỰC PHẠT CỨNG RẮN

Tuần trước, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia. Hầu hết các bài bình luận đều tập trung vào thực tế rằng đây là một động thái “rất mang tính biểu tượng” của Washington, một cách khác để Mỹ bày tỏ sự phản đối đối với mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của Campuchia với Bắc Kinh.

Mỹ cũng liên tục cáo buộc Phnom Penh có thể cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân trên đất Campuchia, cụ thể là ở căn cứ hải quân Ream.

Lệnh cấm vận được đưa ra một tháng sau khi hai quan chức quân sự cấp cao của Campuchia, trong đó có Tư lệnh hải quân Campuchia Tea Vinh, anh trai của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, bị trừng phạt vì các giao dịch bị cho là “tham nhũng” trong quá trình tái phát triển căn cứ Ream.

Sau đó, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố rằng không quan chức Mỹ nào được phép đến thăm căn cứ, mặc dù Tùy viên quốc phòng Mỹ Marcus Ferrara đã cắt ngắn chuyến thăm tới đây vào tháng 6 sau khi ông này bị từ chối tiếp cận một số khu vực.

Campuchia đã không trực tiếp mua vũ khí hoặc đạn dược của Mỹ kể từ năm 1973. Phản ứng của Thủ tướng Hun Sen rằng các lực lượng vũ trang của ông nên nhập kho hoặc tiêu hủy bất kỳ vũ khí nào của Mỹ ở nước này, bản thân nó là một động thái mang tính biểu tượng.

Tuy nhiên, điều quan trọng, đó không chỉ là lệnh cấm vận vũ khí do Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt đối với Campuchia. Cùng ngày, Bộ Thương mại nước này cũng áp đặt các hạn chế đối với việc Campuchia nhập khẩu công nghệ và phần cứng do Mỹ sản xuất có thể liên quan tới khả năng quân sự.

Đây không phải là các biện pháp trừng phạt, mà là tăng quy mô hạn chế đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia.

Động thái này sẽ hạn chế Campuchia tiếp cận các mặt hàng “lưỡng dụng” có thể dùng cho quân sự cũng như dân sự, một danh sách mở rộng bao gồm hàng hóa liên quan đến hạt nhân nhưng cũng gồm cả phần mềm và phần cứng, chẳng hạn như radar và dây cáp, mà Mỹ cho là có ứng dụng quân sự.

Các nhân viên hải quân Campuchia trên một cầu cảng tại Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, một cơ sở gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ – Campuchia. Ảnh: AFP

MỤC TIÊU SỐ 1: TRUNG QUỐC!

Mỹ đã chọn đơn vị tình báo quân sự của Campuchia, Tổng cục Nghiên cứu và Tình báo (GDRI), cơ quan từ năm 2015 đã được đặt dưới sự lãnh đạo của ông Hun Manith, con trai thứ hai của Thủ tướng Hun Sen.

Đơn vị tình báo của Campuchia hiện đã được bổ sung vào danh sách 7 cơ quan tình báo khác được coi là có nguy cơ đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tổng cục Trinh sát của Triều Tiên và Cơ quan Tình báo Quân sự Syria.

Điều quan trọng cần lưu ý là Chau Phirun, Tổng giám đốc Cục Vật tư và Dịch vụ Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, là một trong hai quan chức quân đội Campuchia bị trừng phạt vào tháng trước.

Mỹ cáo buộc ông này “âm mưu thu lợi từ các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và nâng cấp các cơ sở của Căn cứ Hải quân Ream”.

Mỹ chấm dứt chương trình đưa sinh viên Campuchia sang đào tạo tại các trường quân sự Mỹ. Ảnh: Khmer Times

Tuy nhiên, vị trí của ông Phirun liên quan trực tiếp đến việc mua sắm và vận chuyển vật tư quân sự, một vai trò mang lại cho ông một số quyền hạn đối với việc xuất nhập khẩu các sản phẩm hiện bị hạn chế.

Ông Phirun được đánh giá là một đầu mối quân sự quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Ông Phirun từng là thành viên của phái đoàn tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đến Trung Quốc vào năm 2019 để ký một thỏa thuận nhằm cải thiện các cuộc tập trận chung giữa hai nước.

Biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng có nghĩa là các nước thứ ba hiện không thể bán cho Campuchia các sản phẩm bị hạn chế mà họ đã mua từ Mỹ.

Ngoài ra, và quan trọng hơn, Campuchia hiện không thể tái xuất cùng loại hàng hóa đó sang các quốc gia cũng bị chỉ định theo các hạn chế tương tự, chẳng hạn như Trung Quốc.

Washington không muốn Campuchia bị sử dụng như một trung tâm tái xuất mà qua đó Trung Quốc có thể vượt qua các hạn chế của Mỹ để nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng do Mỹ sản xuất.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm nay cho thấy: “Chiến lược hỗn hợp Quân sự – Dân sự của Bắc Kinh gồm cả các mục tiêu phát triển và thu mua công nghệ lưỡng dụng tiên tiến. Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ nước ngoài thông qua đầu tư trực tiếp ở nước ngoài, mua lại ở nước ngoài, nhập khẩu công nghệ hợp pháp…”.

Từ nhiều năm nay, Bộ Ngoại giao là cơ quan chính thúc đẩy Washington gây sức ép với Campuchia. Giờ đây, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại cũng nhảy vào cuộc, một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang mở rộng “bộ công cụ” của mình để gây áp lực thay đổi và để chứng minh rằng họ coi trọng mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc như thế nào.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều