Mỹ lo ngại Trung Quốc tìm cách thiết lập cơ sở quân sự ở nhiều nước
Báo cáo của Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc đang tìm cách thiết lập các cơ sở hậu cần quân sự tại khoảng 10 quốc gia nhằm mở rộng phạm vị hoạt động của quân đội.
Ngoài 3 nước láng giềng của Ấn Độ là Pakistan, Sri Lanka và Myanmar, các quốc gia khác mà Trung Quốc đang cân nhắc đặt cơ sở hạ tầng và hậu cần quân sự là Thái Lan, Singapore, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan, theo Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ (hay Lầu Năm Góc) ngày 2.9.
Trong báo cáo trình lên quốc hội, Lầu Năm Góc cho biết nếu Trung Quốc thiết lập thành công các cơ sở hậu cần quân sự thì nước này có thể kết hợp với căn cứ quân sự ở Djibouti (phía đông Châu Phi hay sừng châu Phi) để hỗ trợ cho việc tăng cường triển khai lực lượng hải quân, không quân và bộ binh trên khắp thế giới.
“Việc Trung Quốc cố xây dựng mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu có thể can thiệp vào hoạt động quân sự của Mỹ”, Lầu Năm Góc cho biết trong báo cáo.
Trung Quốc có thể đã đề nghị/đàm phán về vấn đề đặt cơ sở hậu cần quân sự với Namibia, Vanuatu và đảo quốc Solomon. Những quốc gia Bắc Kinh nhắm tới nằm dọc theo cái được gọi là Đường dây liên lạc trên biển trải dài từ Trung Quốc đến eo biển Hormuz, châu Phi và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, theo tờ Times of India. Dù vậy, Lầu Năm Góc đánh giá chỉ có vài nước sẽ tiến tới đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc về việc đặt cơ sở hậu cần quân sự.
Cùng lúc, Bắc Kinh đẩy mạnh sáng kiến Vành đai, Con đường để tìm cách mở rộng liên kết giao thông và thương mại toàn cầu, theo Lầu Năm Góc. “Trung Quốc tham gia những dự án phát triển hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường chẳng hạn đường ống dầu và xây dựng cảng ở Pakistan là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào việc vận chuyển dầu thô, hàng hóa qua những điểm nghẽn chiến lược như eo biển Malacca”, Lầu Năm Góc lưu ý.
Trước đây, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc từng khẳng định rằng các căn cứ quân sự ở nước ngoài sẽ giúp quân đội Trung Quốc triển khai lực lượng và chi viện nhanh chóng nếu xung đột bùng nổ. Họ còn cho rằng một mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu giúp Trung Quốc theo dõi và thu thập thông tin tình báo về quân đội Mỹ.
Hồi Tháng 8.2017, Trung Quốc chính thức mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc đóng quân tại căn cứ ở Djibouti, với xe bọc thép và pháo nhưng tàu chiến lại phụ thuộc vào cảng thương mại gần đó vì căn cứ thiếu bến tàu.
Lực lượng Trung Quốc tại căn cứ này nhiều lần chiếu laser cấp quân sự vào buồng lái đe dọa các máy bay của Mỹ, Lầu Năm Góc cảnh báo. Bên cạnh đó, Trung Quốc tìm cách hạn chế không phận chủ quyền của Djibouti, tức không cho phép máy bay nào bay gần căn cứ này, theo báo cáo.
(Theo Times of India)