+
Aa
-
like
comment

Mỹ phát lệnh bắt 4 tàu dầu Iran chuyển tới Venezuela

Hoài Nam - 03/07/2020 11:23

Thẩm phán liên bang Mỹ cho phép tịch thu số dầu được 4 tàu Iran vận chuyển đến Venezuela với lý do vi phạm lệnh trừng phạt.

Thẩm phán James Boasberg thuộc Tòa Sơ thẩm Liên bang Quận Columbia, Mỹ, ngày 2/7 phát lệnh tịch thu hơn 1,1 triệu thùng nhiên liệu trên 4 tàu chở dầu của Iran, sau khi nhận được đề nghị của công tố viên Mỹ.

Trong hồ sơ đề nghị phát lệnh bắt nộp lên tòa án, các công tố viên liên bang Mỹ muốn ngăn Iran cung cấp nhiên liệu cho Venezuela qua 4 tàu chở dầu Bella, Bering, Pandi và Luna được gắn cờ Liberia.

Một chiếc trong đội 5 tàu chở dầu của Iran cho Venezuela đi qua vùng biển quốc tế thuộc eo biển Gibraltar hôm 20/5. Ảnh: AP.
Một chiếc trong đội 5 tàu chở dầu của Iran cho Venezuela đi qua vùng biển quốc tế thuộc eo biển Gibraltar hôm 20/5. Ảnh: AP.

Zia Faruqui và hai trợ lý công tố viên Mỹ cáo buộc rằng doanh nhân Iran Mahmoud Madanipour, có liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã giúp sắp xếp các chuyến hàng bằng cách đánh tráo tài liệu về tàu chở dầu để né lệnh trừng phạt Mỹ.

Các công tố viên Mỹ cho biết thêm kể từ tháng 9/2018, lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC đã chuyển dầu qua một mạng lưới vận chuyển trái phép, liên quan tới hàng chục nhà quản lý tàu và phương tiện.

Các tàu dầu này của Iran đang trên đường tới Venezuela để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đối phó tình trạng khủng hoảng nhiên liệu và kinh tế. Chính phủ Mỹ cho rằng hoạt động chuyển dầu của Iran tới Venezuela vi phạm lệnh trừng phạt của nước này nhắm vào cả hai quốc gia.

Các nguồn tin pháp lý cho hay 4 tàu Iran chở số nhiên liệu trên chỉ có thể bị chính quyền Mỹ bắt và tịch thu hàng hóa nếu chúng đi vào lãnh hải nước này. Tuy nhiên, họ nói thêm lệnh bắt của Mỹ có thể thúc đẩy những quốc gia khác phối hợp với Washington trong hoạt động bắt tàu.

Tình trạng thiếu nhiên liệu ở Venezuela gần đây đã trở nên nghiêm trọng dưới lệnh trừng phạt của Mỹ và cũng khiến nền kinh tế nước này đứng bên bờ vực sụp đổ.

Lệnh bắt của Mỹ không chỉ chặn nguồn dầu của Iran tới Venezuela mà còn ngăn Iran thu lợi nhuận từ việc bán dầu, trong bối cảnh quốc gia này đang hứng lệnh trừng phạt nặng nề của Washington về chương trình hạt nhân và tên lửa. Tehran nhiều lần khẳng định chương trình hạt nhân của họ phục vụ mục đích hòa bình.

Ngoài chính sách trừng phạt, Washington ngày càng tăng cường sử dụng các vụ bắt tàu, tịch thu hàng hóa để chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp liên quan đến Iran và Venezuela, theo Evelyn Sheehan và Beau Barnes tại Kobre và Kim, một công ty chuyên về tranh chấp và điều tra.

Các công nhân công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA chào đón Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tarek El Aissami khi chở dầu Iran Fortune đến nhà máy lọc dầu El Palito ở Venezuela hôm 25/5. Ảnh: Reuters.

Quan hệ Washington – Tehran trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Nguy cơ xung đột lên đến đỉnh điểm hồi tháng 1, khi Mỹ dùng máy bay không người lái hạ sát tướng đặc nhiệm Iran Qassem Soleimani ở Iraq. Iran sau đó phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào các căn cứ có lực lượng Mỹ ở Iraq để trả đũa.

Trong khi đó, Mỹ và Venezuela cũng trở nên căng thẳng sau khi Washington cùng hàng chục nước khác công nhận thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống lâm thời.

Iran và Venezuela từng giúp đỡ nhau trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong năm 2010-2011, công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela đã gửi nhiên liệu tới Iran, nơi đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do chương trình vũ khí hạt nhân. 5 tàu chở dầu của Iran hồi tháng 5 cũng cập cảng Venezuela, bất chấp lời đe dọa can thiệp của Mỹ.

Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vui mừng chào đón nguồn cung nhiên liệu từ Iran, đồng thời cho thấy nước này không khuất phục trước sức ép của Mỹ.

Tình trạng thiếu dầu ở Venezuela trở nên nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của Mỹ, cùng với việc quốc gia Nam Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế kéo dài. Venezuela và Iran đều là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Hoài Nam (t.h)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều